Điện than sắp hết thời

Chí Nhân
Chí Nhân
22/03/2018 18:14 GMT+7

Năm 2017, tổng công suất của các nhà máy điện than ngừng hoạt động toàn cầu vượt 25.000 megawatts (MW). Đây là một cột mốc mới về sự thoái trào của ngành điện than kể từ năm 2015. Nếu xu hướng này được tiếp tục, ngành điện than có thể hết thời vào năm 2022.

“Bùng nổ và Thoái trào 2018” vừa công bố là một báo cáo chuyên đề giám sát các nhà máy điện than toàn cầu của nhóm 3 tổ chức môi trường của Mỹ gồm: CoalSwarm (mạng lưới các nhà nghiên cứu toàn cầu về năng lượng hóa thạch và giải pháp thay thế), Sierra Club (tổ chức cộng đồng có hơn 3 triệu thành viên của Mỹ), Greenpeace (một tổ chức quốc tế có hơn 40 văn phòng đại diện trên thế giới).
Từ năm 2015 tới 2017, công suất xây dựng mới giảm 73%. Nguyên nhân là do các chính sách thắt chặt các dự án điện than mới của Trung Quốc và sự rút vốn mạnh mẽ của nguồn tài chính tư nhân ra khỏi điện than ở Ấn Độ. Tại Ấn Độ, hoạt động thi công dự án điện than đang bị đóng băng ở 17 điểm.
Một con số kỷ lục khác trong giai đoạn từ 2015 - 2017 là tổng công suất nhà máy điện than ngừng hoạt động lên tới 97GW; dẫn đầu là Mỹ (45GW), Trung Quốc (16GW) và Anh (8GW). Từ xu hướng ngày một gia tăng các nhà máy phải dừng hoạt động trong hai thập niên qua, báo cáo dự đoán rằng ngành điện than toàn cầu sẽ bắt đầu thu hẹp vào năm 2022 khi các công suất dừng hoạt động vượt công suất phát triển mới - “ngành điện than toàn cầu sẽ hết thời”.
Phong trào loại bỏ than đang ngày một phổ biến với cam kết của 34 quốc gia và các tổ chức địa phương. Năm 2017, chỉ có bảy quốc gia dự kiến phát triển dự án điện than mới ở nhiều hơn một địa điểm.
Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than. Mặc dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng vào năm 2017, nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh vào năm 2016, Việt Nam có 12.100 MW dự án đã công bố, 15.040 MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750 MW đã được cấp phép và 10.635 MW đang xây dựng. Các dự án này phần lớn đến từ nguồn đầu tư tài chính của nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lauri Myllyvirta, chuyên gia cấp cao của Greenpeace, cho biết: "Việc giảm xây dựng nhà máy nhiệt điện than và đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy đang vận hành là tin vui cho sức khỏe cộng đồng - ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân dẫn đến hàng trăm ngàn ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu. Mặc dù tốc độ xây dựng dự án mới đã chậm lại, nhưng tình trạng dư thừa công suất vẫn còn, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia do những nước này vẫn tiếp tục phát triển các dự án mới".
Những thay đổi quan trọng trong năm 2017 so với một năm trước đó gồm: Công suất của nhóm dự án mới hoàn thành giảm 28%. Công suất của nhóm dự án khởi công xây dựng giảm 29%. Công suất của nhóm dự án tiền xây dựng giảm 22%. Công suất của nhóm dự án đang xây dựng giảm 23%. Địa điểm xây dựng nhà máy cũng thu hẹp lại.
Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu điện than
Từ năm 2006 - 2017 Trung Quốc đã cấp phép 692 GW công suất điện than, gấp 2 lần so với tổng công suất của phần còn lại của thế giới. Giai đoạn 2016 - 2017 Trung Quốc đã đình chỉ khoảng 444 GW công suất điện than của các dự án ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về công suất điện than, với 116 GW công suất trong giai đoạn tiền xây dựng và 95 GW đang xây dựng. Bên cạnh đó, Trung Quốc là những nhà tài trợ lớn nhất cho các nhà máy điện than ở nước ngoài, với khoản đầu tư 15 tỉ USD cho các dự án điện than từ năm 2013 đến 2016 thông qua các quỹ phát triển quốc tế. Các tập đoàn Trung Quốc đang tham gia vào việc xây dựng, sở hữu, hoặc cấp vốn cho ít nhất 16% các nhà máy nhiệt điện than đang phát triển bên ngoài lãnh thổ.
Đứng sau Trung Quốc là Ấn Độ, cũng trong giai đoạn 2006 - 2017 nước này đã bổ sung công suất điện than lên đến 152 GW. Tuy nhiên trong 2 năm gần đây giá năng lượng tái tạo giảm đến 50% làm cho công suất lắp mới năng lượng tái tạo vượt công suất lắp mới điện than. Có đến 65% công suất điện than hiện tại không có tính hiệu quả kinh tế nếu so sánh với mức giá chào thầu của năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.