Trong buổi sáng trời Hà Nội nắng đẹp, người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đều háo hức cùng hướng về quảng trường Ba Đình lịch sử để theo dõi lễ diễu binh, diễu hành được xem là lớn nhất trong lịch sử này.
Trên lễ đài danh dự của buổi lễ có sự hiện diện của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước gồm: Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBMTTQ VN Huỳnh Đảm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị... và nhiều đại biểu, vị khách trong và ngoài nước.
Ngọn lửa lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được thắp lên đài lửa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Quảng trường Ba Đình trong tiếng Quốc ca trầm hùng và 21 phát đại bác.
Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đọc diễn văn ôn lại lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc nói chung và Thủ đô Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Cách đây 1.000 năm, tiếp nối các vua Hùng, vua Lý Công Uẩn đã dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Từ mốc son lịch sử đó, Thăng Long - Hà Nội trở thành vùng đất đế đô lâu đời, ngàn năm của dân tộc. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn khí phách hiên ngang xứng đáng là trái tim cả nước.
Diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, |
Sau diễn văn của Chủ tịch nước là phần diễu binh, diễu hành.
Trong khối diễu binh gồm hơn 12.000 người là lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, được chia làm 16 khối. Số còn lại là khối diễu hành và quần chúng nhân dân tham dự trực tiếp tại khu vực Quảng trường Ba Đình.
Mở đầu lễ diễu binh là màn trình diễn của đội bay mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc qua khu vực quảng trường Ba Đình. Người dẫn đầu đội bay là Thượng tá Lương Văn Lâm, Phó Trung đoàn phụ trách huấn luyện bay Trung đoàn C16, Sư đoàn B71.
Đội bay bay theo đội hình mũi tên 10 chiếc trực thăng loại MI 8, MI 17 và MI 171. Để có màn trình diễn này, các phi công đã tập luyện mỗi ngày 2 giờ trong suốt 3 tháng qua. Các phi công được chọn lựa đều phải đã trải qua ít nhất 800 giờ bay an toàn.
Tiếp theo, các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ lần lượt diễu hành qua lễ đài quảng trường Ba Đình. Sau khi diễu binh, diễu hành qua khu vực lễ đài, các khối sẽ được chia làm hai để diễu hành dọc theo các con phố Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Kim Mã… sau đó trở về hai điểm tập kết là khu vực Nhà hát lớn và khách sạn Deawoo.
Trên nền nhạc hùng tráng là xe hoa quốc huy Nước CHXHCN Việt Nam với 54 nam 54 nữ đại diện cho 54 dân tộc anh em. Tất cả thể hiện quyết tâm xây dựng Việt Nam dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Sau đó là xe rước di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng vĩ đại của cả dân tộc.
Hai trăm vận động viên thể thao thể hiện tinh thần thượng võ yêu thể thao của dân tộc Việt Nam, nâng cao lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc cũng vừa diễu hành qua lễ đài.
Khối diễu hành của Thủ đô Hà Nội - trái tim thân yêu của Tổ quốc đã tiến qua lễ đài với nhiều màu sắc rực rỡ, kể lại cho người xem truyền thống lịch sử, văn hóa của Thủ đô ngàn năm. Dẫn dầu khối diễu hành này là xe rước hình tượng rồng thời Lý.
Trong tâm thức của người Việt Nam, rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh: long, lân, quy, phụng. Rồng thời Lý mềm mại, uốn lượn 12 khúc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Đây là biểu tượng gắn liền với mốc son dời đô của Vua Lý Công Uẩn.
Và hiện nay, trong công cuộc đổi mới, Hà Nội đang góp sức vào sự phát triển của đất nước, vươn mình bay cao, bay xa theo thế rồng bay.
Theo sau đó là biểu trưng của Thủ đô Hà Nội với hình tượng cách điệu của Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám. Đây là nơi đào tạo hiền tài cho Quốc gia. Biểu tượng Hà Nội thể hiện truyền thống văn hóa, văn hiến lâu đời, tinh thần anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thủ đô.
Tiếp đó là xe rước bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới đối với khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tại cuộc họp lần thứ 34 mới đây, UNESCO đã biểu quyết thông qua công nhận di sản văn hoá thế giới cho khu Hoàng thành Thăng Long.
Vào buổi sáng khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1.10), Tổng giám đốc UNESCO đã trao tấm bằng vinh dự này cho lãnh đạo TP Hà Nội. Đây như là lời khẳng định của thế giới về các giá trị di sản lịch sử của Hà Nội, nâng vị thế của Hà Nội lên một tầm cao mới.
Sau khi quay về từ những cuộc chiến, các cựu chiến binh hiện nay vẫn tiếp tục đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước. Nhiều cựu chiến binh trở thành nhà quản lý giỏi, doanh nhân thành đạt. Khối cựu chiến binh Việt Nam cũng đang diễu hành qua lễ đài. Các cựu chiến binh Việt Nam đã được tặng 8 chữ vàng: Trung thành - Gương mẫu - Đoàn kết - Đổi mới.
Sức mạnh của thanh niên Việt Nam cũng được thể hiện qua đoàn diễu hành của khối Thanh niên Việt Nam trong buổi lễ ngày hôm nay. Tiếp nối lịch sử, tuổi trẻ Việt Nam ngày nay tự hứa vững bước giữ ngọn cờ tiên phong của Tổ quốc, thể hiện rõ ý chí: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".
Diễu hành qua quảng trường Ba Đình lần lượt là các khối: công nhân, nông dân, phụ nữ, đội ngũ trí thức Việt Nam, công chức viên chức Nhà nước,...
Tiếp theo sau là khối diễu hành doanh nhân Việt Nam. Xe của khối doanh nhân rước hình tượng Thánh Gióng tay cầm tre ngà cưỡi ngựa hướng mặt lên bầu trời xanh, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của doanh nhân Việt Nam.
Đoàn diễu hành khối dân tộc Việt Nam với đại diện của 54 dân tộc của cả nước cũng tụ hội về đất Thăng Long - Hà Nội trong buổi sáng nay. Trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước, giữ nước và công cuộc đổi mới, đồng bào các dân tộc của cả nước không ngừng tăng cường tình đoàn kết, ruột thịt một nhà, phát huy tinh thần đoàn kết đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng.
Tiếp đó, tiến qua lễ đài là khối đồng bào tín đồ, đại diện cho các tôn giáo Việt Nam, khối đại biểu đại diện cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, khối đại biểu đại diện cho bạn bè quốc tế...
Sự xuất hiện và tham dự của khối bạn bè quốc tế thể hiện tình cảm đặc biệt của các nước đối với Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đang có mối quan hệ với 179 quốc gia, trao đổi kinh tế thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tiếp sau đó là các khối: thông tấn báo chí, văn hóa thể thao du lịch, các nghệ sĩ,...
Quảng trường Ba Đình sáng 10.10 rực rỡ sắc màu, tưng bừng âm nhạc và trống hội đang thể hiện khí thế rồng bay.
Hàng vạn người dân của cả nước với trái tim nô nức, đầy tự hào cũng đang hướng về thủ đô 1.000 năm tuổi.
Buổi lễ diễu binh, diễu hành kết thúc thành công tốt đẹp lúc 9 giờ 15 phút.
Một số hình ảnh tại buổi lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sáng nay:
Quảng trường Ba Đình, nơi diễn ra cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành sáng 10.10.2010
10 máy bay trực thăng, có chiếc vừa làm nhiệm vụ cứu hộ lũ lụt ở miền Trung mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua quảng trường
Các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trên lễ đài
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trên màn hình truyền hình trực tiếp
Xe rước Quốc huy Nước CHXHCN Việt Nam
Xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh
200 vận động viên rước hồng kỳ đi qua lễ đài
Đội nghi thức, quân đội nhân dân Việt Nam đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang đang đi qua lễ đài
Các chiến sĩ trong binh chủng hợp thành đi nghiêm qua lễ đài
Khối diễu binh của quân chủng hải quân đang hành tiến
Các chiến sĩ bộ binh
Bộ đội đặc công, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ
Các nữ sĩ quan bộ đội thông tin
Các chiến sĩ phòng không không quân đang đi đều
Bộ đội biên phòng
Lực lượng cảnh sát biển
Lực lượng công an nhân dân
Các nữ dân quân tự vệ các dân tộc
Đoàn diễu hành của Thanh niên Việt Nam
Các đoàn thể tham gia diễu hành
Đêm hội thành phố rồng bay Chương trình nghệ thuật có quy mô lớn nhất mừng đại lễ có tên Thăng Long - Hà Nội thành phố Rồng bay (nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản, nhạc sĩ Trọng Đài làm tổng đạo diễn) diễn ra vào 20 giờ hôm nay. Chương trình dài 70 phút, gồm ba chương: Quyết định trọng đại, Tinh hoa nghìn năm văn hiến, Thời đại Hồ Chí Minh - Thông điệp thành phố vì hòa bình. Các chương tái hiện hình ảnh Thăng Long - Hà Nội cùng hình ảnh đất nước qua các giai đoạn, biến cố thăng trầm của lịch sử: từ thuở hồng hoang, cho đến quá trình lập nước, giữ nước và xây dựng đất nước.
Tổng đạo diễn - nhạc sĩ Trọng Đài cho biết, hình ảnh Thăng Long - Hà Nội được khắc họa không chỉ với những năm tháng lịch sử hào hùng mà còn với nền văn hiến nghìn năm. Không chỉ nói đến riêng Hà Nội, đêm hội sẽ gợi nhắc lại những dấu son lịch sử hào hùng của cha ông ta qua các triều đại, khơi gợi cảm hứng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Nhiều áng thiên cổ hùng văn sẽ vang lên: Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Nhạc sĩ Trọng Đài cho biết, hai chương đầu được thể hiện theo kiểu truyền thuyết ước lệ. “Muốn thể hiện sự kiện lịch sử có nhiều cách tiếp cận. Có cách phục dựng nguyên bản, nhưng cũng có cách khái quát. Mục đích chính là để làm sao, người xem có thể cảm nhận được giai đoạn lịch sử” - ông nói. Sẽ không có các nhân vật lịch sử xuất hiện trên sân khấu, mà chỉ dùng các hình ảnh, cấu trúc hình tượng để thể hiện. Điều đặc biệt là phục trang của diễn viên được sáng tạo theo màu tiêu biểu cho từng thời đại, như trang phục thể hiện cho thời Lý có màu xanh men gốm, thời Trần được thể hiện với trang phục màu vàng, thời Lê có màu chàm, thời Nguyễn có màu của hoa mai hoa đào. m nhạc trong đêm hội kết hợp giữa truyền thống (hát chầu văn, ca trù, dân ca ba miền…) và hiện đại. Minh Ngọc |
Chương trình đại lễ 10.10 |
Hôm nay 10.10, Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Trong ngày đại lễ 10.10 sẽ diễn ra hai sự kiện lớn: Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại quảng trường Ba Đình được tổ chức vào lúc 8 giờ và đêm hội Thăng Long - Hà Nội thành phố Rồng bay tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình, lúc 20 giờ. Hai chương trình này được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài truyền hình VN. Minh Sang |
Viên An - Trí Quang
Ảnh: Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)