Điều học được từ những người bạn lớn

22/06/2007 15:32 GMT+7

Hơn ba mươi năm làm báo, ấn tượng sâu đậm với tôi nhất vẫn là những lần nghe các đàn anh của mình tâm sự, để được học tập ở họ, dù chỉ là những việc nhỏ nhất.

Cố nhà văn Phan Tứ nhà một trường hợp đáng nhớ về việc ghi chép tư liệu. Ông quan sát con người, sự việc rất chi tiết và ghi lại trong từng chuyến đi. Khi tới một nơi nào, trước hết ông cố tìm bản đồ về nơi ấy hoặc hỏi những người địa phương để vẽ vào sổ tay “bản đồ” của vùng đất, từ những con sông, thế núi, những con đường, địa danh… Ông nói: “Làm báo hay viết văn trước hết phải làm tư liệu cho thật kỹ. Cái gì viết được thì viết ngay để giữ được cái không khí, cảm xúc còn tinh tươm; còn không thì sau này sẽ có dịp dùng lại. Ghi chép không bao giờ thừa cả…”. Chỉ có vậy, nhưng mỗi lần gặp sai sót trong nghề do không chịu ghi chép, thì lời dặn của ông lại trở thành tươi mới trong tôi. Ví dụ, khi làm phóng sự ở Làng Rô (huyện Nam Giang, Quảng Nam) tôi cứ tưởng cái tên làng Ngói gần đó là không cần ghi lại, nào ngờ khi cầm bút viết lại ghi là làng Gạch! Vì chuyện này mà sau đó Chủ tịch huyện Nam Giang là Bnuơch Bút, người dân tộc Cơtu đã trách tôi một trận nhớ đời. Và tôi xấu hổ cho đến nhiều năm sau!

Nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ (năm nay 96 tuổi) lại cho tôi bài học về việc chuẩn bị tư liệu. Bất cứ vấn đề gì, cụ Từ cũng là người đọc rất kỹ và tổ chức tư liệu thành từng vấn đề chuyên biệt. Tư liệu có khi từ những bài báo đã in, có khi trong sách hoặc hỏi các chuyên gia. Mỗi vấn đề, ông lưu trữ riêng, tìm là có ngay. Ngay đến những lá thư trả nhuận bút, hoặc “thẻ nhà báo” cấp cho ông khi viết báo Tiểu thuyết thứ Bảy những năm 30-40 của thế kỷ trước hoặc khi ông làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã ở Campuchia những năm 1960, những bài báo viết tay hồi bị giam ở ngục Đắc Gley, Kon Tum những năm 1940… vẫn được ông lưu trữ cẩn thận để khi cần thì sử dụng lại như những tư liệu quý.

Tôi và vài anh em trẻ khác nhiều khi nghe ai nói chuyện gì  chỉ ghi chép rất sơ sài trên những mảnh giấy nào đó, vì chẳng bao giờ có sổ tay. Khi viết lại chỉ sử dụng một ít chi tiết rồi vứt bỏ. Sau này sực nhớ còn nhiều cái trong mảnh giấy ấy mình cần sử dụng, thì không còn nữa… Cụ Từ có lần nói: “Anh học văn rồi đi làm báo chứ đâu phải lĩnh vực nào anh cũng biết, cho nên làm tư liệu, giữ gìn tư liệu cũng là cách để học, để hiểu biết rộng hơn và viết cho thuyết phục hơn...”.

Tất nhiên, nghề báo cần rất nhiều đức tính, kiến thức, môi trường làm việc… nhưng những bài học tôi học được ở các nhà báo, nhà văn lớn tuổi là rất khó quên và tôi luôn luôn biết ơn họ như những người thầy!

Trương Điện Thắng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.