Đồng tình và cho rằng đề xuất của TP.HCM là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới, tuy nhiên các chuyên gia giáo dục cho biết cần có những điều kiện để thực hiện.
Cần được cụ thể hóa trong luật
Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Để thực hiện việc này cần có sự đồng bộ hóa nhiều mặt và cần được cụ thể hóa trong luật. Vì chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng cũng chưa hướng tới các thay đổi này. Dự thảo luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung đang được xây dựng để áp dụng trong 5 - 10 năm tới cũng chưa hề đề cập tới. Nhiều quy định hiện hành chưa cho phép điều này như quy định của Bộ GD-ĐT yêu cầu HS phải tốt nghiệp THPT mới học ĐH.
Quan trọng không kém là phải có chủ trương về việc liên thông, công nhận tín chỉ giữa bậc phổ thông và ĐH thì mới triển khai được. Việc lựa chọn môn học, tích lũy tín chỉ sớm từ bậc học phổ thông sẽ giúp HS định hướng tốt hơn nghề nghiệp tương lai.
Pgs-Ts Nguyễn Kim Hồng
(Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
(Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
|
Các đề xuất của TP.HCM đều là những ý tưởng hay, thể hiện sự mạnh dạn đổi mới để có một chính sách giáo dục cởi mở. Một xã hội học tập phải linh động, tạo mọi điều kiện học tập cho đa dạng đối tượng người dân. Đề xuất này làm tới nơi tới chốn sẽ được người dân tán thành tuyệt đối.
Nếu những đề xuất này được thông qua, TP phải có những bước đi thận trọng. Trong quá trình phát triển giáo dục, cách tổ chức các hoạt động giáo dục quan trọng hơn còn chương trình, kiến thức là việc dễ dàng tiếp cận, đặc biệt trong thế giới mở như hiện nay. Khi linh hoạt thời gian học tập thì người tổ chức quản lý phải hết sức khoa học, điều này TP cần chuẩn bị chắc chắn.
Lê Ngọc Điệp
(Nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)
(Nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)
|
Đề án đã có ý tưởng tốt khi đặt ra hướng tiếp cận cho phép những kiến thức giữa bậc phổ thông và ĐH theo nguyên tắc học những gì cần thiết. "2 bậc" cần ngồi lại với nhau bàn thật kỹ phần giao thoa để phân ranh giới cho mỗi bậc. Một số môn trong chương trình học đại cương ở trường ĐH sẽ học nâng cao theo hướng cần cho chuyên môn nghề nghiệp. Điều quan trọng trong chương trình đào tạo bậc ĐH là tập trung các môn cơ sở ngành và chuyên ngành, vừa bảo đảm hàm lượng kiến thức vừa có thể rút ngắn thời gian học ĐH.
Để đề nghị hợp lý này khả thi, không nên áp dụng ở một địa phương mà cần thống nhất chung toàn quốc. Bộ GD-ĐT sẽ là đầu mối quyết định triển khai thống nhất chung trong toàn ngành, vì sinh viên các trường ĐH đến từ nhiều địa phương khác nhau.
Tiến sĩ Trần Đình Lý
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
|
Đây là chủ trương đúng và nên làm trong tương lai để tạo ra lựa chọn tốt hơn cho người học. Việc học sớm chương trình ĐH ở bậc phổ thông sẽ diễn ra với một tỷ lệ nhỏ những HS tài năng. Tuy nhiên chủ trương này nên thực hiện thí điểm trước cho HS các trường chuyên, lớp chọn trước khi triển khai đại trà.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính
(Phó giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH Quốc gia TP.HCM)
(Phó giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH Quốc gia TP.HCM)
|
Để thực hiện được, cần có sự điều chỉnh rất nhiều trong chương trình học bậc phổ thông. Không nên dạy tất cả HS cùng một trình độ như nhau ngay trong từng môn học. Thay vào đó, một môn học có thể chia thành nhiều tín chỉ với các cấp độ khác nhau để HS lựa chọn theo sức của mình. Chẳng hạn cùng môn toán nhưng sẽ có toán cơ bản, toán nâng cao 1, toán nâng cao 2… Những HS có định hướng theo ngành về khoa học tự nhiên, kỹ thuật có thể chọn để tích lũy các môn toán cao cấp. Ngược lại HS lựa chọn ngành xã hội có thể dừng lại ở các môn toán cơ bản.
Tuy nhiên ngay khi thực hiện mà áp dụng tín chỉ như các trường ĐH thì sẽ khó trong quá trình tổ chức. Vì vậy bước đầu chỉ nên tổ chức tín chỉ trong phạm vi từng lớp học, cho phép HS đăng ký lựa chọn các môn ở trình độ phù hợp và theo sở thích.
Tiến sĩ Lê Chí Thông
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
tin liên quan
Quy định tuyển thẳng vào ĐH Đà Nẵng
|
Để thực hiện được thì cần tính toán đồng bộ cách tổ chức hoạt động giảng dạy, trình độ giáo viên, hình thức kiểm tra, đánh giá.
Tín chỉ là hình thức học xong, kiểm tra đủ số lượng theo yêu cầu được công nhận tốt nghiệp nên đối với HS cấp THPT thì không có khó khăn, nhưng thực hiện với HS cấp THCS còn có vấn đề. Do vậy sau khi xin chủ trương, TP nên nghiên cứu đề án thật kỹ lưỡng, cách làm thật cẩn thận, thí nghiệm rồi mới đưa vào thực hiện. Vì tôi có chút băn khoăn, nếu không chắc chắn sẽ khiến phụ huynh, HS chạy theo kiến thức dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm.
Còn đề xuất cho HS nước ngoài vào học trường công là một phương án tích cực nhằm thúc đẩy các trường chủ động nâng cao chất lượng để thu hút người học. TP phải xây dựng quy định về học phí như thế nào để không gây bất công cho HS VN và giảm gánh nặng cho nhà nước.
Cao Huy Thảo
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc)
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc)
|
Việc rút ngắn thời gian học tập là một đề xuất giúp giáo dục VN tiếp cận với giáo dục thế giới. Để thực hiện tốt thì các trường cần có đội ngũ nhân sự phù hợp, đội ngũ lãnh đạo, quản lý năng động, chịu đổi mới.
Trần Văn Toàn
(Giáo viên Trường THPTMarie Curie, TP.HCM)
(Giáo viên Trường THPTMarie Curie, TP.HCM)
Các đề xuất của TP.HCM
- Biên chế năm học mở: Có thể rút ngắn năm học, không phải cố định 9 tháng như hiện nay.
- Thời lượng giảng dạy mở: HS học theo tín chỉ, rút ngắn thời gian học tập để có thể tốt nghiệp THPT và vào ĐH sớm hơn 18 tuổi.
- Đa dạng hóa hình thức học tập: Thừa nhận chính thức các hình thức học từ xa, qua mạng… HS có thể học bằng nhiều hình thức, nếu không có điều kiện trực tiếp đến trường thì vẫn có cơ hội học tập, cấp bằng chính quy.
- Tự tổ chức kiểm tra và công nhận tốt nghiệp THPT cho HS.
|
Bình luận (0)