Cơ chế hình thành sắc tố
Màu sắc của da bị ảnh hưởng bởi một số sắc tố, bao gồm melanin, carotene và huyết sắc tố. Sắc tố được tạo ra bởi các tế bào gọi là tế bào sắc tố (melanocytes), được tìm thấy rải rác khắp lớp đáy của thượng bì.
Quá trình sản xuất sắc tố diễn ra trong melanosome, là một bào quan nội bào trong melanocytes. Các tổn thương sắc tố là sự gia tăng sản xuất melanin với sự lắng đọng quá mức của melanin trong các melanosome hoặc là sự gia tăng mật độ của các tế bào sắc tố đang hoạt động.
Phân loại thương tổn sắc tố
Phân loại thương tổn sắc tố dựa vào cơ chế bệnh sinh, đặc điểm mô bệnh học, sự lắng đọng melanin ở lớp nào trong da (độ sâu của sắc tố trong da). Độ sâu của sắc tố melanin dư thừa trong các thương tổn sắc tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn phương pháp điều trị.
Ví dụ trong điều trị sắc tố bằng tia laser, các bước sóng laser khác nhau thâm nhập vào các độ sâu khác nhau trong mô. Vì vậy, đối với điều trị bằng laser, các tổn thương sắc tố được phân loại tốt nhất theo độ sâu của sự tích tụ melanin trên da: tổn thương sắc tố thượng bì, bì, hỗn hợp.
Đánh giá độ sâu thương tổnĐánh giá độ sâu của thương tổn dựa vào:- Dermoscope.
- Soi da.
- Quan sát bằng mắt.
Dựa vào màu sắc thì có thể sơ bộ xác định vị trí tổn thương để có hướng điều trị và tiên lượng thích hợp. Ví dụ như bớt Ota có màu gần đen sẽ điều trị sẽ nhanh hơn, còn màu xanh thì có thể sẽ lâu hơn.
Đánh giá độ sâu sắc tố trên lâm sàng dựa vào màu sắc của thương tổn
Mối quan hệ giữa màu sắc, vị trí mô bệnh học và số lượng sắc tố:
- Loại I: một lượng nhỏ sắc tố nằm nông ở thượng bì, có màu nâu.
- Loại II: số lượng lớn sắc tố nằm nông ở thượng bì, có màu đen.
- Loại III: số lượng trung bình đến lớn của sắc tố lớp bì, có màu xanh xám.
Đốm nâu và tàn nhang
Tàn nhang (Ephelides) và đốm nâu (lentigines) đều là tổn thương tăng sắc tố lành tính phổ biến ở người da trắng và người châu Á trong đó:
- Ephelide (tàn nhang) là các dát tăng sắc tố, kích thước từ 1-2 mm, hoặc có thể lớn hơn, có màu từ đỏ đến nâu nhạt, thường thấy ở những cá thể có làn da trắng, xuất hiện lần đầu khi 2-3 tuổi, sau đó tăng lên ở tuổi thiếu niên và thường biến mất một phần theo tuổi tác. Vị trí thường thấy nhiều nhất trên mặt, cánh tay, cổ và ngực và trở nên rõ ràng hơn vào mùa hè.
- Lentigines (đốm nâu, SL) lớn hơn ephelide, có kích thước từ vài mm đến vài cm, có màu nâu sẫm. Phổ biến ở tuổi ≥ 50, trên vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, màu sắc thường không bị ảnh hưởng bởi mùa và tần suất tiếp xúc ánh sáng mặt trời.
Ở châu Á, tàn nhang và đốm nâu được coi là vấn đề thẩm mỹ cần phải loại bỏ, trong khi ở văn hóa phương Tây, tàn nhang được coi là xu hướng và hiếm khi cần loại bỏ. Trên lâm sàng, tàn nhang và đốm nâu không phải lúc nào cũng được phân biệt rõ ràng, dẫn đến nhầm lẫn trong danh pháp được sử dụng.
Đặc điểm mô học của tàn nhang và đốm nâu
Tàn nhang: tăng melanin, tăng số lượng và kích thước melanosome, kéo dài và sự dày lên của mào thượng bì.
Đốm nâu: Tăng sinh của các tế bào sắc tố (melanocyte), tăng melanin, kéo dài mào thượng bì. Các melanocytes đôi khi không tăng về số lượng mà tăng hoạt động sản xuất melanin cao hơn. Đốm nâu liên quan đến các phản ứng viêm và sự lắng đọng các tế bào viêm rải rác trong lớp bì.
Những nghiên cứu mới hiện nay cho thấy những trường hợp da có đốm nâu bị tổn thương nghiêm trọng, mạn tính do ánh sáng mặt trời có các đặc điểm mô học thay đổi:
- Giảm số lượng tế bào langerhans trong biểu bì.
- Độ dày và điểm số đàn hồi trong lớp thượng bì giảm.
- Sự tích tụ các nguyên bào sợi lão hóa.
- Sự xâm nhập tế bào viêm biểu hiện tình trạng hồng ban trên lâm sàng.
Những yếu tố này giúp tiên lượng tình trạng đốm nâu dai dẳng, khó điều trị và nguy cơ tăng sắc tố sau viêm sau khi điều trị bằng laser. Đốm nâu viêm cho thấy tỷ lệ đáp ứng điều trị thấp hơn và tăng nguy cơ PIH (tăng sắc tố sau viêm) khi sử dụng điều trị bằng tia laser so với đốm nâu không viêm. Nghiên cứu cho thấy rằng các bác sĩ lâm sàng đang cân nhắc điều trị bằng laser ở bệnh nhân đốm nâu nên thực hiện xét nghiệm soi da trước khi điều trị.
Dự đoán tăng sắc tố sau viêm (PIH) trên lâm sàng khi điều trị đốm nâu và tàn nhang bằng Laser
Trước khi thực hiện laser điều trị tình trạng tàn nhang, đốm nâu cho bệnh nhân, cần thăm khám và tư vấn kỹ. Những trường hợp có khả năng tăng sắc tố sau viêm khi điều trị đốm nâu, tàn nhang bằng laser như:
- Những người có da tối màu, được phân loại IV, V theo Fitzpatrick.
- Màu da ở các khớp ngón tay sẫm màu hơn vùng da xung quanh.
- Bệnh nhân đã từng có bất kỳ PIH nào trước đây như thâm mụn, thâm sau chấn thương kéo dài, hoặc sau có thủ thuật xâm lấn khác.
Đốm nâu hoặc tàn nhang có ban đỏ xung quanh cũng làm tăng nguy cơ PIH thường xuyên hơn so với những bệnh nhân không có tình trạng ban đỏ. Chứng rối loạn sắc tố như nám, tàn nhang, sắc tố lốm đốm liên quan đến lão hóa do ánh sáng có liên quan đáng kể với PIH. Hơn nữa, PIH xảy ra thường xuyên hơn ở những người có lỗ chân lông không nhìn thấy được và làn da mịn màng.
Các phương pháp điều trị đốm nâu, tàn nhang hiện nay
Những phương pháp được sử dụng điều trị đốm nâu, tàn nhang được sử dụng phổ biến có thể kể đến như:
- Sử dụng laser và ánh sáng.
- Sử dụng thuốc thoa ức chế tăng sắc tố và làm sáng da tại chỗ.
- Liệu pháp áp lạnh.
- Tái tạo da bằng hóa chất.
- Điều trị kết hợp.
Trong đó:
- Các liệu pháp kết hợp là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với tàn nhang, đốm nâu, tuy nhiên nguy cơ tác dụng phụ khá cao, gặp ở 2/3 bệnh nhân với các tình trạng: buồn nôn, hồng ban, mụn nước, PIH…
- Laser và ánh sáng là phương pháp đơn trị liệu hiệu quả để điều trị tàn nhang, đốm nâu và được dung nạp khá tốt với chỉ 1/5 số bệnh nhân bị tác dụng phụ. Các tác dụng phụ thường gặp: PIH, giảm sắc tố, hồng ban, sẹo…
Trong các loại laser và ánh sáng để điều trị tàn nhang, đốm nâu, tất cả đều mang lại hiệu quả khá cao (75-93%), tỷ lệ PIH tùy vào loại laser, ánh sáng, lựa chọn mẫu và cách điều chỉnh thông số.
Điều trị đốm nâu, tàn nhang bằng tia laser tùy thuộc nhiều vào:
- Loại da, khả năng PIH và mức độ cải thiện trên từng bệnh nhân cụ thể.
- Loại laser hiện có: cách điều chỉnh và lựa chọn thông số điều trị là vô cùng quan trọng, quyết định hiệu quả điều trị.
- Chuyên môn của bác sĩ: bác sĩ cần hiểu rõ bệnh học của tình trạng cần điều trị và nắm rõ cách vận hành và sử dụng thiết bị laser và ánh sáng.
Điều trị tàn nhang, đốm nâu bằng phối hợp Laser Picosecond (PICO giây, PS) bước sóng kép 1064nm - 532nm
Tương tự như thế hệ laser nano giây trước đây, laser PS đã chứng tỏ hiệu quả tuyệt vời trong việc loại bỏ các đốm nâu. Sử dụng laser nano giây để điều trị đốm nâu ở da màu có nguy cơ PIH tương đối cao, khoảng từ 25 đến 47%. Tỷ lệ PIH sau điều trị đốm nâu bằng laser PS: từ 5 đến 10% tùy thuộc kinh nghiệm lâm sàng của các tác giả.
Điều trị tàn nhang, đốm nâu bằng laser PS 532nm khi được so sánh với laser QS 532nm, có những ưu điểm đáng kể:
- Tỷ lệ cải thiện 75-100% sang thương sau 1 lần điều trị.
- Giảm nguy cơ tổn thương màng đáy, cần mức năng lượng thấp hơn nhiều để tạo hiệu ứng trong mô da, từ đó giảm các nguy cơ biến chứng sau điều trị laser như PIH, giảm sắc tố sau viêm…
Sự kết hợp laser PS 532nm và 1064nm có ưu điểm:
- Tác động lên các tầng sắc tố khác nhau trên da, hỗ trợ các trường hợp lão hóa nhiều, tổn thương da tạo nên các sắc tố ở các độ nông sâu khác nhau.
- Tác động lên tình trạng lão hóa da, tăng độ dày lớp thượng bì, giảm thiểu các nguyên bào sợi lão hóa và hỗ trợ điều trị các tình trạng đốm nâu, tàn nhang kháng trị trên những type da lão hóa nặng.
- Hiệu ứng quang cơ, LIOB tại plasma giảm nguy cơ tổn hại và phá hủy mô xung quanh, giảm thiểu các tác dụng phụ trong quá trình điều trị bằng laser.
Cuối cùng, BS. CKI. Trần Hạnh Vy kết luận rằng đốm nâu, tàn nhang là tình trạng tăng sắc tố nông, lành tính. Bản chất đốm nâu, tàn nhang là quá trình tác động và tổn hại lâu dài của tia UV và tình trạng lão hóa da. Việc phối hợp bước sóng kép laser pico giây 1064nm/532nm tác động trên nhiều yếu tố giúp điều trị các tình trạng đốm nâu kháng trị. Bác sĩ Vy cũng cho biết để điều trị hiệu quả đốm nâu cần đánh giá tình trạng da của bệnh nhân, hiểu rõ và điều chỉnh phù hợp các thông số laser đang có đồng thời bác sĩ điều trị phải có chuyên môn và kinh nghiệm.
Bình luận (0)