Cải thiện chất lượng nòi giống thông qua chính sách dinh dưỡng là quốc sách lâu nay của nhiều quốc gia, trong đó điển hình là Nhật Bản. Tham gia chuyến công tác vừa qua với Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), qua trao đổi cùng các chuyên gia tại Nhật mới thấy nhiều điều sáng tỏ hơn về câu chuyện dinh dưỡng để phục vụ cho mục tiêu phát triển giống nòi.
Về mặt ý tưởng, người Nhật đã đặt ra vấn đề này từ cuối thế kỷ 19; đến những năm 1950 thì vấn đề dinh dưỡng trong nhà trường được luật hóa, được triển khai thành đề án chiến lược quốc gia nhằm cung cấp trên toàn quốc các bữa ăn học đường đạt tiêu chuẩn, có kèm sản phẩm sữa. Bộ Nông lâm ngư nghiệp phối hợp cùng Bộ Giáo dục xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu trung và dài hạn của đề án này.
Trong 6 thập niên qua, hơn 90% các thế hệ học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên toàn nước Nhật đã thụ hưởng chính sách “bữa ăn học đường” với 3 hình thức khẩu phần: đầy đủ, bổ sung và khẩu phần sữa; khẩu phần nào cũng có từ 200 ml đến 300 ml sữa bò mỗi ngày. Thực đơn bữa ăn phong phú và được tính toán để cung cấp đủ chất dinh dưỡng, lượng calo cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; việc chế biến suất ăn học sinh được đấu thầu và thực hiện tại từng địa phương với hơn 15.000 công ty tham gia.
Về mặt chính sách, đây là việc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính phủ Nhật chi tiền chế biến và vận chuyển thực phẩm, phụ huynh học sinh đóng góp tiền nguyên liệu thực phẩm. Thường thì tỷ lệ này là 1:1, tức phụ huynh đóng góp một nửa giá trị suất ăn trưa của con mình. Càng về sau khi mọi việc thành nền nếp và phụ huynh đã nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc này thì tỷ lệ đầu tư từ ngân sách giảm dần. Đi kèm là các chính sách dành cho nông dân nuôi bò sữa.
Bằng chiến lược bữa ăn học đường tiêu chuẩn và bắt buộc như thế, sau 60 năm qua, chiều cao trung bình của người Nhật đã chuyển biến rõ rệt; thống kê ở độ tuổi 14 như sau: bé trai tăng từ 147,3 cm (năm 1950) lên 165,1 cm (năm 2011); bé gái tăng từ 146,6 cm (năm 1950) lên 156,6 cm (năm 2011). Tương ứng là sự phát triển cân nặng phù hợp; là tính tự quản và tham gia bảo vệ môi trường của trẻ được rèn luyện, khi chính các em luân phiên nhau phân phối suất ăn hằng ngày cho bạn học, và cùng nhau thu gom, xử lý bước đầu các loại rác bao bì thực phẩm sau những bữa ăn đó.
Sự phát triển thể chất đương nhiên là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của một con người. Từ con số 0 sau thế chiến thứ 2 đến giờ, người Nhật đã tạo ra hàm lượng chất xám trong hàng hóa, dịch vụ... ngày càng cao, xây dựng đất nước thực sự là cường quốc.
Ở nước ta, trong hoàn cảnh nền kinh tế đi lên trong vài thập niên qua, bữa ăn học đường trong các trường bán trú đã ngày càng được nâng chất bằng sự đóng góp của phụ huynh, nhưng chưa đồng bộ, chưa được tiêu chuẩn hóa, và hầu như không có sữa tươi - chất dinh dưỡng cần thiết mà không gây béo phì theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật. Vẫn cần thiết các chính sách vĩ mô cho vấn đề quan trọng này, cần ngân sách trung ương và địa phương dành phần đầu tư cho bữa ăn học đường một cách phù hợp, chí ít là Chương trình quốc gia về sữa học đường khi mà nguồn sữa bò của ta không thiếu, không đắt và công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại cũng không thiếu.
Vấn đề đặt ra ở đây không phải là chuyện bao cấp cho dinh dưỡng học đường, mà là sự hỗ trợ cần thiết ở tầm quốc gia nhằm tác động trực tiếp đến các thế hệ tương lai và nâng cao nhận thức toàn dân về chất lượng bữa ăn cho trẻ.
Vinamilk đã chủ động phối hợp với chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm thí điểm chương trình sữa học đường trong 5 năm (2006-2011) và cũng đã liên tục có nhiều kiến nghị cùng các bộ, ngành liên quan để thực hiện từ thí điểm đến đại trà những chương trình dinh dưỡng học đường với quy mô cả nước.
Chăm lo cho chất lượng dinh dưỡng bữa ăn trong nhà trường hằng ngày, có thể là chuyện chưa cấp bách, nhưng tính về tầm vóc đóng góp cho tương lai phát triển thì quả thật là việc quan trọng, và cần kíp.
Nguyễn Quang Thông
Bình luận (0)