Ngày trước, từ TP.HCM muốn đến Bến Tre thì phải qua phà Rạch Miễu, sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, Bến Tre như cô gái dậy thì, trở mình thu hút khách thập phương. Không biết có phải vì cầu Rạch Miễu “sinh sau, nở muộn” nên Bến Tre ngày nay vẫn còn giữ được nguyên chất quê của miền sông nước, hay vì người Bến Tre vẫn luôn ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa thân thiện, chất phác của mình.
Với vị trí địa lý rất đặc biệt, Bến Tre là tỉnh duy nhất ở miền Tây không thuộc đất liền, là vùng đất cù lao nằm giữa các dòng sông lớn: Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai. Theo chân những đợt di dân của người Việt xưa, vùng đất cù lao đã dần thay da, đổi thịt, từ chốn rừng rậm hoang vu trở thành nơi “đất lành, chim đậu”. Do phải thường xuyên đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và các loài thú dữ nên cư dân thuở khai hoang, lập ấp thường dựng lên những ngôi miếu nhỏ để thờ cúng các vị thần linh nhằm cầu xin sự giúp đỡ, che chở cho dân làng.
Đình Phú Tự (nay thuộc xã Phú Hưng, TP Bến Tre) là một trong số những ngôi đình cổ còn tồn tại đến ngày nay. Đình được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, theo kiến trúc hình chữ Tam, lợp ngói âm dương, gồm ba ngôi: nhà võ ca để hát cúng, nhà thính trưng bày các vật cúng lễ và nhà chính gồm: trung đình thờ Quốc tổ Hùng Vương, thần đình Phú Tự và các vị tiền hiền, hậu hiền là những người có công khai khẩn; hậu đình nơi đặt dãy nhà khách, nhà bếp...
Hiện diện giữa sân đình là cây cổ thụ Bạch Mai đến nay đã hơn 300 năm tuổi, được mệnh danh là “Thần Mai” hay “Danh mộc Bạch Mai”. Người dân trong vùng không thể đoán được “cụ Mai” đã có từ khi nào, chỉ biết rằng từ thời vua Minh Mạng, khi cha ông khai hoang lập ấp và chọn khu đất này để dựng đình thì lúc đó Bạch Mai đã mọc xanh tốt. Trải qua bao năm thăng trầm, dù cho Đình Phú Tự đã được trùng tu nhiều đợt nhưng “cụ Mai” vẫn sống khỏe đến nay với tư thế vững chãi, tán lá xanh um, tỏa rộng khắp sân đình. Hằng năm, từ rằm tháng giêng đến rằm tháng 2 âm lịch, hoa mai nở rộ, tỏa hương thơm ngát khắp vùng.
Di tích đình Phú Tự - cổ thụ Bạch Mai đã được tỉnh Bến Tre công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, và được các vị tao nhân mặc khách chọn là chốn giao lưu thơ ca vào mỗi dịp Tết Nguyên tiêu.
Quỳnh Như
Bình luận (0)