Đìu hiu bóng đá nữ Việt Nam

01/06/2017 08:16 GMT+7

Chiều nay (1.6), lượt đi giải vô địch bóng đá quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc 2017 sẽ kết thúc trên sân Thống Nhất. Lại một lần nữa các cô gái đá bóng tủi thân khi "chỉ mình đá mình xem".

Giải vô địch quốc gia hẳn hoi diễn ra trên sân bóng có tiếng, nhưng các nữ cầu thủ cứ lủi thủi đá với nhau dù ban tổ chức mở rộng cổng cho khán giả vào sân. Lượt đi diễn ra suốt 1 tháng trời, nhưng chỉ lác đác vài khán giả đến sân. Dù đã biết thân phận của mình, nhưng các cầu thủ không giấu được nỗi buồn.
Cầu thủ Tuyết Dung (Hà Nam) thổn thức: "Đừng hỏi em có buồn không khi ra sân mà khán đài hiu hắt, thậm chí có hôm còn không có một ai. Hẫng hụt ghê lắm. Sau mỗi pha chuyền bóng hay, ghi được một bàn thắng đẹp, đồng đội chỉ biết ôm nhau, tự chia sẻ niềm hạnh phúc chứ không nhìn lên khán đài. Nhưng rồi cũng phải quen với cảm giác nguội lạnh đó dần theo năm tháng. Đá bóng giữa sân vận động mà như đá giữa 4 bức tường. Không tiếng hò reo từ trên cao dội xuống. Nước mắt chỉ biết nuốt vào trong".
Người từng trải như HLV Đoàn Kim Chi cũng ngậm ngùi: "Tôi nói với các học trò của mình, đừng để tâm đến chuyện vắng khán giả nữa vì phải chấp nhận thực tế là mình đá, mình xem. Nói vậy nhưng trong lòng vẫn cảm thấy xót xa lắm. Chả cần khán đài kín người nhưng nếu được 1/3 sân thôi cũng đủ rớt nước mắt vì mừng rồi".

tin liên quan

Những bóng hồng vất vả giữ lửa đam mê bóng đá
Mang tiếng là Giải vô địch quốc gia, nhưng các cô gái đá bóng thường xuyên phải thi đấu trên sân vắng khán giả. Dù vậy, họ vẫn động viên nhau nỗ lực đá tốt từng trận, đá hay, đá đẹp để hy vọng một ngày nào đó sẽ kéo được người hâm mộ đến sân. 
Tiền đạo Đỗ Thị Ngọc Châm nói: "Tôi thấy thương cho các cầu thủ nữ, bởi đá bóng mà không có ai xem thì chán lắm. Các cầu thủ nữ khi tập cũng gánh tạ 100 kg, cũng chạy suốt 90 phút như các cầu thủ nam, nhưng luôn bị phân biệt đối xử không bằng một góc bóng đá nam. Nếu VFF không quan tâm, thì chắc chắn sẽ ngày càng hiếm cầu thủ dám chơi môn thể thao này".
Sở dĩ để cho tình trạng vắng vẻ này vì Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã không nhạy bén khi chọn địa điểm tổ chức giải. Hà Nội hay TP.HCM đều đã quá bội thực bóng đá, nên lẽ ra tổ chức ở các tỉnh như Hà Nam, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Ninh... thì chắc chắn lượng khán giả sẽ khá hơn, cầu thủ và HLV sẽ đỡ tủi thân.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh nói: "Chúng tôi cũng rất trăn trở khi nhìn các trận đấu bóng đá nữ, ít người xem quá. Thực tế, VFF cũng đã cố gắng thay đổi thể thức thi đấu, nâng cao số lượng các trận rồi nhưng chất lượng các đội không đồng đều nhau, dẫn đến nhiều trận có chất lượng không quá cao. VFF sẽ cùng bàn bạc với các địa phương, đầu tư và chăm sóc hơn nữa cho bóng đá nữ, nâng chất các đội bóng. Có vậy, giải bóng đá nữ quốc gia mới vừa tăng cả về lượng và chất".
Tới sân xem vì thương các cháu quá
Ông Nguyễn Mạnh Hồng Trân Quý
Các cầu thủ nữ đã rất cảm động khi trên sân bóng thường xuyên có một cụ ông, cầm dù che nắng, mưa để xem các cô đá bóng. Đó là ông Nguyễn Mạnh Hồng (85 tuổi), tiến sĩ, nguyên là cán bộ Sở Thủy sản TP.HCM. Đam mê thể thao nên ông luôn có mặt trên sân mỗi chiều để cổ vũ các cầu thủ.
Trao đổi với chúng tôi, ông nói: "Thấy các cháu đá nỗ lực hết sức mà không có ai xem, tôi thương quá. Vì thế, khi nào mệt thì thôi, chứ khỏe là tôi ra sân để cổ vũ cho các cháu. Xem bóng đá nữ cũng thú vị lắm nên tôi hy vọng mọi người sẽ ủng hộ các cầu thủ nữ nhiều hơn". (Trân Quý)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.