Đìu hiu chợ Sắt

15/03/2015 09:00 GMT+7

Được người Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19 trên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương nên chợ Sắt (Hải Phòng) nhanh chóng trở nên sầm uất và có thể sánh với các chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Đông Ba (Huế), Bến Thành (Sài Gòn). Nhưng đó chỉ còn là quá khứ.

Được người Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19 trên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương nên chợ Sắt (Hải Phòng) nhanh chóng trở nên sầm uất và có thể sánh với các chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Đông Ba (Huế), Bến Thành (Sài Gòn). Nhưng đó chỉ còn là quá khứ.

 
Toàn cảnh chợ Sắt - Ảnh: L.Q.P
Tầng hai là chỗ của dân “mông loa”
Cảnh hoang vắng ngay ở tầng 1 - Ảnh: Lê Tân
“Đi tàu VOSCO không bằng bà cô chợ Sắt”...
Trong những lần lang thang ở chợ Sắt, tôi được nghe nhiều câu chuyện đầy tiếc nuối về một thời vang bóng của những tiểu thương cả đời gắn bó với chợ. Một trong những người như thế là bà Phạm Thị Khuya, năm nay đã 74 tuổi và có 34 năm gắn bó với ngôi chợ này. Bà là người già nhất và cũng là người bán hàng lâu nhất ở chợ Sắt đến bây giờ. Vẻ mệt mỏi của bà biến mất ngay lập tức khi tôi hỏi chuyện xưa. Đôi mắt sáng lên, giọng sang sảng: “Sướng lắm anh ơi. Tôi làm quản lý của hợp tác xã mua bán nội thành đóng trong chợ Sắt, chuyên phục vụ đồ ăn uống cho cả cái chợ này. Gian hàng ăn chiếm 200 m2, chúng tôi nấu nướng suốt ngày, đến nỗi khói bốc lên thủng cả mái tôn của chợ. 20 người phục vụ liên tục đến lả cả người”.
Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, mọi thứ đều được phân phát, từ bánh xà phòng đến cái nan hoa xe đạp. Nhưng người ta kháo nhau “muốn mua gì chỉ có vào chợ Sắt”. Thế nên, người nào có gian hàng trong chợ Sắt là ghê gớm lắm. Bà Khuya bảo lúc ấy chợ Sắt có đến 1.000 hộ kinh doanh đủ loại mặt hàng. Chợ dột nát nhiều chỗ, nền đất lầy lội nhưng lúc nào cũng đông.
Chen ngang câu chuyện của bà Khuya, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, người có hơn 20 năm bán nước chè ở cổng phía bắc chợ Sắt, cũng xuýt xoa: “Tôi bán nước chè mà tiền lúc đấy không cần đếm, mỗi tháng để ra được cả chỉ vàng”.
Dòng hồi tưởng về thời oanh liệt của chợ Sắt lên đến cao trào khi có sự tham gia của ông Gù bán loa: “Chợ Sắt hồi ấy thứ gì cũng có cả, đặc biệt là hàng điện tử. Thủy thủ tàu viễn dương đi khắp nơi và mang về đủ loại hàng điện tử khiến dân chơi khắp miền Bắc đều phải tìm đến chợ Sắt mới sắm được cái ti vi Hitachi, đài catsette Sharp”.
Ông Gù khẳng định: “Chỉ chợ Sắt mới có đầy đủ và đa dạng những thứ ấy. Người nào không mua thì đi ngắm cho bõ con mắt. Tiểu thương cũng vì thế mà sung túc no đủ, thậm chí nhiều người bán hàng ở chợ Sắt còn giàu hơn cả thủy thủ tàu VOSCO. Còn bây giờ thì móc túi nó cũng chả thèm vào chợ”.
“Đời không như mơ”
Hai chục năm trước, một ngày tôi lãi vài chục nghìn. Bây giờ đồng tiền mất giá nhưng cũng chỉ lãi vài chục nghìn
Bà Phạm Thị Khuya,
74 tuổi và có 34 năm
buôn bán ở chợ Sắt
Cuối câu chuyện, bà Khuya gật gù trầm ngâm: “Hai chục năm trước, một ngày tôi lãi vài chục nghìn. Bây giờ đồng tiền mất giá nhưng cũng chỉ lãi vài chục nghìn”. Sạp hàng tạp hóa của bà gồm vài bộ quần áo, đống khăn mặt, thắt lưng, đồ tạp phẩm lạc lõng trong vòng vây loa đài, ti vi, đầu đĩa. Cả chợ giờ chỉ có bà bán tạp hóa và bán cho chính tiểu thương ở chợ, khách ngoài chẳng ai vào mua.
Tôi theo chân ông Gù lên tầng hai. Cả ngàn mét vuông chợ rộng thêng thang. Một hàng dài hơn chục túp lều tạm dựng sát mảng tường của chợ, hướng ra phía bờ sông. Tưởng tôi làm gì mờ ám, một anh thợ sửa loa hất hàm hỏi: “Chú tìm ai?”. “Dạ em đi chụp ảnh”. “Có gì mà chụp?”. Chưa biết trả lời ra sao, may lúc đó một cô gái bịt khẩu trang kín mít nói như đỡ lời: “Thanh niên giờ thích chụp nơi hoang vắng!”.
Lần mò theo những bậc cầu thang bụi bám, tôi đi lên tầng ba trong cảm giác rờn rợn. Cả tòa nhà to đùng thế này mà hiu quạnh với các cánh cửa khóa kín, han gỉ và hoen ố theo thời gian.
Tìm đến cái thang máy rụng cả số đếm, tôi liều mình lên tìm nốt sự nhộn nhịp còn lại trên tầng 4 vì nghe bà Tuyết Anh bán nước chè bảo “trên đó còn có phòng chơi game, phòng chụp ảnh”, may ra vui. Bước chân ra khỏi thang máy, một bảo vệ nằm gọn trên cái giường gấp nói luôn: “Chơi game hả, người ta dọn hết rồi, có chụp ảnh thì vào”. Tôi bảo: “Cháu tìm gặp ban quản lý chợ ạ” và được hướng dẫn lên tầng 5.
Tầng 5 tòa nhà nhìn bao quát cả hồ Tam Bạc, hứa hẹn một nơi ngắm thành phố rất đẹp vào ban đêm. Ở đây có một nhà hàng Trung Hoa rất đẹp, cây cối um tùm nhưng cũng bỏ trống lâu rồi. Cư dân thường xuyên trên này là một đàn gà và một con chó nhỏ.
Tôi dừng lại ở phòng ông Nguyễn Danh Mỹ, Tổng giám đốc Công ty liên doanh hữu hạn Hải Thành - công ty quản lý Trung tâm thương mại chợ Sắt. Ông tổng giám đốc xuất thân từ kỹ sư xây dựng, là người nắm rõ nhất “cuộc đời” của trung tâm thương mại mà người ta gọi là chợ Sắt này. “Đó là một dự án tuyệt vời và đầy hứa hẹn. Năm 1991, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Nhận thấy tiềm năng to lớn của chợ Sắt, tôi bắt tay với một đối tác nước ngoài đầu tư vào chợ Sắt để xây dựng một trung tâm thương mại trên nền chợ Sắt cũ. Trung tâm ấy với 60.000 m2 đủ chỗ cho 5.000 hộ kinh doanh. Dự án được duyệt nhanh lắm, xây cũng rất nhanh. Đến giữa năm 1994 là cơ bản xong giai đoạn 1. Đủ 5.000 hộ đăng ký, một chỗ thuê trong 15 năm trị giá 40 cây vàng. Nhiều người cầm cố nhà cửa, vay mượn mà đóng tiền thuê chỗ”, ông Mỹ nói, rồi trầm ngâm: “Chúng tôi dự tính chỉ sau 3 năm sẽ thu hổi vốn và trả về cho thành phố một phần chợ, chỉ giữ lại một phần để kinh doanh. Thế nhưng, người ta nói đời không như mơ, mà đúng thế thật”.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của dự án và sự hoang vắng của chợ Sắt là sự thay đổi về chính sách kinh tế. Theo ông Mỹ, khi đó nhà nước bắt đầu cho phép các cá nhân được đăng ký kinh doanh, tự do buôn bán, kinh tế có những sự phát triển vượt bậc. Sự độc quyền của chợ biến mất, người dân có thể tự mở cửa hàng tại bất kỳ đâu và mua được thứ mình cần ở bất kỳ nơi nào. Tiểu thương ồ ạt rút đơn mua chỗ để ra những chỗ khác rẻ tiền hơn, thuận lợi hơn. Chợ chỉ còn lại trên dưới 1.000 hộ, hoạt động được khoảng 3 năm thì các quầy trên tầng hai bắt đầu ế khách rồi dần dần xóa sổ. Cú vỡ mộng đau đớn, khiến doanh nghiệp đầu tư điêu đứng. “Địa thế chợ Sắt trước kia là phù hợp nhưng bây giờ thì không, nhất là về giao thông. Không gian xung quanh chợ chật hẹp đi rất nhiều, có nhiều đơn vị lên đây thuê mặt bằng làm vũ trường, mở quán game, nhà hàng... đều nhanh chóng chuyển đi vì lẽ đó”.
Cũng may hoạt động của tầng 1 vẫn đủ sức nuôi được chợ Sắt tồn tại và ấp ủ hy vọng phục hưng. Ông Mỹ khẳng định: “Chúng tôi sẽ sống còn với chợ Sắt và đang có một kế hoạch cải tạo cơ sở vật chất và ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với thời đại”.
Rời chợ Sắt, ngước nhìn cơ ngơi to lớn với cái ruột trống rỗng và thưa thớt người vào ra, tôi chỉ mong một ngày nào đó lại được thấy ngôi chợ với những gian hàng đầy ắp tiếng mua bán, cười nói một cách đông đúc và hoành tráng như xưa…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.