Tôi cũng có ngạc nhiên. Rất ngạc nhiên là đằng khác. Cũng có nhắn tin hỏi Sơn, rằng: Giá kể có là thế thật đi chăng nữa, thì sao không để trong lòng, sao cứ phải nói trên mặt báo... Thì Sơn bảo, đại loại, đấy là câu chuyện của báo chí, còn thì “vui mà’, “Sơn nói điều đó vì Lam và anh Hùng, tốt mà!”...

Dù ngạc nhiên nhưng tôi vẫn nghĩ mình hiểu Sơn. Sơn chỉ nói cho vui thôi, nhưng chắc là hơi vui quá. Đó là kiểu nói của Sơn, chưa chắc đã là cách Sơn nghĩ.

Không, tôi tin Sơn, là tin một nhạc sĩ tài năng đã viết lên những giai điệu thật đẹp, một mối quan tâm thật đàn ông khi không bị quẩn quanh với mấy đề tài yêu đương thuần túy mà là một tình yêu theo nghĩa rộng, là những được mất không của riêng ai: “ôi quê tôi vẫn còn mái nhà”, hay “bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi”; một anh thanh niên “sặc Hà Nội” nhưng viết thật hay và thành công về làng quê. Nghe Sơn là cảm giác được ăn một bát cơm mới bằng thứ lúa vừa gặt... Ở góc độ một đồng nghiệp, tôi luôn trân trọng, yêu quý những bài hát đó, cách nhìn khác lạ mà dung dị đó. Là tin một đồng nghiệp đã đi cùng tôi một chặng đường khá dài với những ý tưởng sâu sắc và nhiệt huyết của một người làm nghề nhiều lửa, giàu tự trọng, ít ra là ở thời điểm đó...

Để bụng mà làm gì chứ, hay chỉ nhọc mình? Tôi nghĩ trong cuộc sống của mình, ai đến ai đi cũng đều có cơn cớ riêng của họ. Quan trọng là ở thời điểm họ đến, họ đã dành cho bạn điều tốt nhất mà họ có thể làm lúc đó. Và những kỷ niệm, những thời khắc đã qua ấy là một phần trong đời sống của bạn. Bạn có giũ bỏ, có phủ nhận, thì nó cũng vẫn ở đó, như vốn đã từng ở đó. Mọi vui buồn, được mất, thành bại... xét cho cùng đều có thể giúp mình đầy lên, hay hơn. Huống hồ là trong âm nhạc, trong sáng tạo, gặp được nhau, đồng cảm với nhau, khó lắm, quý lắm!

Nếu không đủ để biết ơn nhau, thì tốt nhất, cũng không nên để bụng, tôi nghĩ thế.

Tôi vốn dĩ từng rất kỳ vọng về Lê Minh Sơn, một nhạc sĩ trẻ nhưng không chịu giống ai, trong cách mà Sơn hướng cái nhìn tới những thứ không mấy khi nằm trong sự quan tâm thường trực ở một người trẻ. Một sức viết “khủng” như thế, mà khi người ta dừng lại, dù bất luận với lý do nào, cũng là tiếc chứ, và chờ đợi chứ! Có thể là “lười” (nghề này đôi lúc là thế), có thể do nhạt hứng..., cũng có thể là do tới một quãng nào đó, một người không chịu giống ai như thế thì cũng sẽ không chịu giống mình, và họ sẽ cần dừng lại để hít thở, để tái tạo, và tự đặt ra những thách thức nào đó cho mình, có thể thế...

Gần nhất, thì hẳn là live show 35 năm ca hát dự kiến sẽ được tổ chức vào năm tới. Nếu có thể, tôi cũng muốn được hát lại những ca khúc mà Sơn từng viết cho tôi, như những bát cơm thơm mùi nắng, là những “Nắng lên”, “Người ơi người ở”, hoặc “Đàn cò” – một ca khúc tuy không nổi tiếng bằng nhưng thực sự viết rất hay về tình mẹ con..., và mong rằng sẽ được gặp lại người cộng sự cũ của mình trên sân khấu 35 năm, để nhắc lại một chặng đường đã có và những kỷ niệm đẹp trong âm nhạc.

Tôi nghĩ đó có thể là sự lệch gu, hơn là phán xét hay dở ở đây và đó hẳn là một nhận xét thuần chuyên môn, chứ không vì gì khác. Nhưng không ngoại trừ, có thể nó cũng có phần đúng. Ở vào một giai đoạn có tính thử nghiệm, thì bên cạnh những thứ chạm được vào tai người nghe, như “Nắng lên’, như “Ru mãi ngàn năm”..., thì có thể cũng sẽ có những lần bị vội. Sơn vội, mà cả tôi cũng vội, nên có thể có lúc trót đưa ra một vài sản phẩm chưa thật chín...

Đây hẳn là giai đoạn mà tôi cảm thấy mình hiểu mình nhiều nhất, nhìn thấy mình rõ nhất. Đã qua nhiều trải nghiệm được mất, để mà có thể rút kinh nghiệm, phần nào. Đã hiểu rằng, trong một câu chuyện không trọn vẹn, thì không bao giờ là lỗi của riêng ai cả. Điều quan trọng vẫn là cần biết sống vị tha. Vị tha với người khác, mà cũng cần vị tha với cả chính mình.

Thất bại thường xảy ra khi ta quá mơ mộng viển vông và lý tưởng hóa mọi thứ, không như nó vốn có. Nếu như trước đây tôi quen đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn với đàn ông, để rồi kỳ vọng hay thất vọng, thì giờ là lúc tôi đã biết yêu thương đàn ông như họ vốn có, và cả biết cách khích lệ họ. Tôi nghĩ một tình yêu đẹp là phải biết giúp nhau hay lên, kích hoạt người ta tươi lên, mới lên, tự tin hơn.

Thật ra thì cũng không hẳn là dễ dàng trong 2 năm đầu, để mà có thể dung hòa hai cá tính, hai nghề nghiệp, hai nhu cầu sống... khác nhau. Đó là cả một nỗ lực để tìm cách thích nghi nhau sao cho tự nhiên nhất một cách có thể. Và đây là lúc cả hai đã dần tìm được thế quân bình.

Đó là lúc tôi thường xuyên được nhìn thấy người bạn đời của mình tuy khác nghề nhưng luôn đồng hành cùng mình trong từng sô diễn. Có những buổi tập bản thân mình còn thấy bở hơi tai, nhưng họ vẫn kiên trì ngồi chờ mình tới hết buổi tập. Hạnh phúc giờ đây dường như là thứ mình sờ nắm được, nhìn thấy được bằng mắt thường, chứ không còn mông lung nữa. Giờ là lúc không nói chữ “thăng hoa”, mà là chữ “yên bình”. Quân bình và yên bình.

Có những từ được mặc định, cũng có thể là định kiến. “Nổi loạn”, nếu là theo nghĩa tích cực của nó, là cách mình dám tin vào chính mình, để vượt qua các giới hạn của bản thân, thì tôi nghĩ là nên chứ! Bình yên, trong một nghĩa nào đó, tôi nghĩ, có thể cũng chính là “phần thưởng” cho sự “nổi loạn” đó.

Trái lại, tôi còn vào bếp ít hơn nhiều. Vì với một bác sĩ quá thể bận rộn như anh Hùng (Bác sỹ nhãn khoa Bùi Tiến Hùng – bạn đời hiện tại của Thanh Lam – P.V), thì anh ấy gần như ăn chỉ cốt để no hơn là cốt để ngon; ăn ào ào cốt để kịp mổ cho bệnh nhân. Chưa kể, còn là ý thức giữ body, không coi việc ăn uống thả cửa là một cái thú.

Trình nấu ăn của tôi vì thế mà cũng kém đi, như người ta vẫn nói, “trăm hay không bằng tay quen”. Nhưng mà thế cũng hay. Tôi theo đạo Phật, vì thế cũng đỡ phải sát sinh hơn. Vào những lúc đáng lẽ phải mất thời gian cho việc vào bếp, tôi có điều kiện chăm sóc bản thân nhiều hơn, như là tập thể thao, hay luyện thanh, hoặc học thêm một cái gì đó...

Một người có tiếng trong nghề, lại là một nghề giao tiếp nhiều..., thì việc họ có nhiều cơ hội hưởng số “đào hoa”, hẳn cũng là dễ hiểu thôi. Nhưng cứ suy từ mình ra thì biết, trong số những người yêu mến mình, để tìm ra được một người mình thực lòng yêu mến, thực lòng tin tưởng, cũng đâu có dễ. Đàn ông hay đàn bà cũng thế cả thôi, gặp gỡ thì nhiều, nhưng neo lại ở đâu, nó còn là duyên số, là “quyền lực của duyên số”...

Cố nhiên, khi mình đã là người của công chúng, thì mình luôn phải quan tâm họ nghĩ hay nói gì về mình chứ, và một khi đi đường dài, thì nghiêm khắc với bản thân hẳn nhiên luôn là điều cần thiết. Nhưng đến tầm này, tôi nghĩ mình không thể và cũng không nên vội vã tin vào những khen chê. Khen, không dễ làm mình ngợp. Mà chê, cũng không khiến mình run sợ nữa. Làm nghề này, việc người ta thích hay không thích một sản phẩm, hay một lần xuất hiện nào đó của mình, luôn là chuyện hết sức bình thường. Tôi không bị nặng nề về chuyện đó. Nếu mình dễ bị đám đông kiểm soát thế, mình đã không có được chỗ đứng của riêng mình và sự thành công trong sự nghiệp. Dù thế nào, tôi vẫn luôn tin rằng, những giá trị đích thực sẽ vẫn luôn ở lại với thời gian. Như nhiều năm sau này, người ta vẫn nhắc tới album phòng thu được cho là thành công nhất của Thanh Lam và Quốc Trung, như “Mây trắng bay về”, chẳng hạn...

Đen Vâu hay diva, tôi nghĩ đều có giá trị và “sứ mệnh” riêng của họ, thì mới làm nên một bức tranh chung sinh động nhiều màu sắc, có lợi cho đời sống âm nhạc. Bạn có thể thích một ngôi sao nào đó hơn cả, nhưng liệu bạn có thích một bức tranh đơn sắc? Phải liên tiếp có những viên gạch xếp chồng lên nhau, thì nó mới thành bức tường được chứ? Và lớp vữa gắn kết nó, chính là sự mở lòng đón nhận của khán giả.

Như các bạn, tôi cũng nghe Đen Vâu, và nếu cần, học cả Đen Vâu. Và Tùng Dương... Học cách mà những người trẻ họ thấy, họ nghĩ, họ cập nhật, họ hồn nhiên, hay tính toán... Nhưng không có nghĩa là để mình bị cuốn vào, bị “thuần hóa”. Hào quang bên ngoài đôi khi không đồng thời là giá trị bên trong. Quý trọng người khác, là để giúp mình đầy lên, rộng ra, chứ không thể là để chán ghét bản thân mình. Phải luôn tin vào giá trị của bản thân, thì mới biết cách trân trọng giá trị của người khác.

Tôi không buồn vì những khen chê, nhưng đúng là có một lần tôi thấy mình bị ảnh hưởng, khi để người thân bị ảnh hưởng. Mới đây thôi. Ấy là lần tôi thấy anh Hùng sau khi đọc xong dòng comment ác ý đó, dưới một bài báo viết về chúng tôi, đã ngồi thừ ra, buồn thiu. Dù từng trải, anh ấy vẫn chưa thật sự được chuẩn bị để chịu đựng những nhát búa như thế của dư luận.

Đó là lần đầu tiên tôi thực sự cảm thấy bị chạnh lòng, cảm thấy mình, cái nghề của mình đã làm phiền một người “vô tội”, một người không thuộc về showbiz...

Có thể thế. Nhưng cũng khó, để mà thay đổi, một khi cái tạng tính nó đã thế rồi, thể lực thể trạng của mình sinh ra nó đã là thế rồi. Dù mình luôn có ý thức lắng nghe, tiếp nhận; mình cũng có lúc thấy khán giả có lý..., nhưng khi mình hát, lý trí của mình nó sẽ không dễ dàng gì kiểm soát cảm xúc của mình, ở đâu đó một lúc nào đó bản năng của mình nó sẽ lại trồi lên, giọng nói của mình nó lại toát lên, phả ra... Và cuối cùng thì sự mềm mại vẫn là điều khó khăn nhất trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống.

Tại sao phải sợ hoàng hôn? Sao phải sợ những điều tất yếu sẽ xảy ra và mình hoàn toàn có thể biết trước để làm chủ tình thế? Thay vì hung hăng nông nổi, sao không là chín chắn điềm tĩnh, để có đủ sức mạnh đi xuyên qua nó?

Đời sống vốn dĩ là thế, sẽ luôn là phép cộng giữa thành và bại, sinh và diệt, thịnh và suy... Như ánh đèn sân khấu, rực rỡ lung linh là thế, mà cũng có lúc cần phải tắt. Hiểu được quy luật đó sẽ không thấy hụt hẫng trước nó và bị nó làm khó. Trên cái bàn xoay của cuộc sống, ai rồi cũng phải thay đổi cả, trong đó có vị trí của mình. Hãy cố gắng giữ được thế đứng của mình sao cho sau đó nhìn lại, bạn có thể hài lòng rằng bạn đã làm điều đó, giữ được vị trí đó tốt nhất ở thời điểm đó. Học cách chấp nhận, trong sự thích nghi; giữ cho cái tâm của mình không bị chòng chành, dao động; hơn là bi quan bỏ cuộc, thì đấy mới là người giỏi.

Khi mình vội, mình sẽ khó mà thấy hết những cột mốc ở bên đường. Âm nhạc cũng như đời sống, sẽ luôn có những cột mốc cần được nhìn ngắm trân trọng hơn, sâu sắc hơn, nếu như ta không bị vội. Chậm lại một chút, đôi khi cũng chính là cách để chúng ta nhìn đời, nhìn người công bằng hơn.

Tôi nghĩ mình là người tương đối khắt khe với chính mình, để không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng cả.

Đôi khi trong cuộc sống, có những điều bạn tưởng vậy mà nó sẽ không như vậy, hay ngược lại. Vậy nên hãy cố gắng sống tốt nhất ở thời hiện tại, để cái thời ấy nếu có hết, thì cũng không có gì phải ân hận cả.

Báo Thanh Niên
18.12.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top