Một trong những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm hiện nay là giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp và an toàn. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng dân số mạnh mẽ và sự hình thành, phát triển vượt bậc của các ngành nghề sản xuất trong thời gian qua, một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mặt khác đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng và cũng làm gia tăng nhanh chóng lượng chất thải rắn phát sinh. Do vậy, việc xử lý các dạng chất thải này trở nên cần thiết để tạo dựng môi trường sống tốt hơn.
Hiện trạng đáng báo động
Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn ở nước ta thời gian qua chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, không tiết kiệm quỹ đất. Tại nhiều khu vực chất thải chôn lấp ở các bãi chôn lấp tạm, lộ thiên, hiện đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, công tác triển khai các quy hoạch quản lý chất thải rắn tại các địa phương còn chậm; việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư cho quản lý, xử lý chất thải rắn còn chưa tương xứng; nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành, nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý thải rắn chưa đạt yêu cầu.
Chính vì vậy, hiệu quả đạt được trong công tác quản lý, xử lý chất thải có những hạn chế nhất định đồng thời việc xử lý chất thải rắn không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đã gây những tác động tổng hợp tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800 ngàn tấn/năm. Số lượng chất thải nguy hại này được thống kê dựa trên số lượng chất thải nguy hại tối đa dự kiến phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (do các chủ cơ sở này đăng ký) và không bao gồm lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình nên có độ chính xác chưa cao. Lượng chất thải nguy hại phát sinh thực tế hằng năm hiện chưa được thống kê đầy đủ nhưng thường ít hơn số lượng 800 ngàn tấn nêu trên, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn trong giai đoạn vừa qua.
Hiện nay, đa phần các chủ nguồn thải có phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn hằng năm đều đã đăng ký và được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải này đều đã được thu gom và đưa đến các cơ sở đã cấp phép để xử lý. Một phần lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các nguồn thải khác được xử lý bởi chính các chủ nguồn thải (bằng các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở), bởi các cơ sở xử lý do địa phương cấp phép hoặc được xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý, tái chế. Một số chất thải nguy hại đặc thù (ví dụ như chất thải có chứa PCB) do chưa có công nghệ xử lý phù hợp thì hiện đang được lưu giữ tại nơi phát sinh.
Với tình hình như vậy, nhìn chung lượng chất thải nguy hại phát sinh tại hầu hết các chủ nguồn thải lớn đều đã được quản lý đúng theo các quy định hiện hành. Lượng chất thải nguy hại phát sinh tại các chủ nguồn thải nhỏ hoặc tại các vùng sâu, vùng xa chỉ phần nhỏ được thu gom, xử lý; số còn lại được các làng nghề thu gom, tái chế chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường hoặc thậm chí bị đổ lẫn vào chất thải sinh hoạt và chôn lấp chung tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Khu xử lý chất thải quy mô tại Bình Định
Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ DNTN Hậu Sanh cho biết: “Trước nhu cầu ngày càng lớn của xã hội trong vấn đề xử lý chất thải rắn, chúng tôi quyết định thành lập doanh nghiệp và xây dựng khu xử lý chất thải tại thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn, H.Phù Cát, Bình Định, với tổng diện tích giai đoạn một của nhà máy là 22.326m2 và được trang bị nhiều hệ thống thiết bị xử lý hiện đại. Khu xử lý khi đi vào hoạt động ổn định sẽ đảm bảo đủ công suất xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại phục vụ cho tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận”.
Các hệ thống xử lý chất thải tại doanh nghiệp tư nhân Hậu Sanh gồm: Hệ thống lò đốt: ở nhiệt độ 1.100°C đến 1.200°C tùy theo rác sẽ xảy ra quá trình phân hủy các chất nguy hại thành không nguy hại. Khí thải sau khi được làm mát sẽ được hấp thụ qua 2 cấp và sau đó hấp thụ bằng than hoạt tính làm giảm mùi. Khí thải qua hệ thống xử lý đạt QCVN 30:2012/BTNMT, cột B. Tro xỉ sau khi kiểm tra ngưỡng CTNH được đem hóa rắn. Công suất của lò đốt 500k/h. Hệ thống tái chế dầu nhớt thải: Quy trình công nghệ tái chế nhớt thải bằng kỹ thuật WO2F, là quy trình công nghệ chuyển hóa dầu nhớt thải thành dầu đốt lò (FO) và diesel được nghiên cứu và phát triển bởi NCStech, trên cơ sở kế thừa các kỹ thuật Cracking nhớt cặn truyền thống và kết hợp với ứng dụng xúc tác cho hiệu quả chuyển hóa cao. Công nghệ đáp ứng hoàn toàn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tái chế dầu thải (QCVN 56:2013/BTNMT) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Và nhiều hệ thống khác như: chưng cất dung môi, xử lý và thu hồi thiết bị điện tử, xử lý nước thải, tái chế thùng phuy, tháo dỡ acquy, tái chế bóng đèn huỳnh quang, máy ép gạch…
Hậu Sanh là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý dầu nhớt thải, kém chất lượng, rác thải nguy hại cho khu vực cảng Quy Nhơn, tham gia vệ sinh tàu biển… Trong thời gian hoạt động, doanh nghiệp đã triển khai thành công và đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Bình luận (0)