|
Đe dọa hệ sinh thái
Theo CLB Súng sơn, hiện giới trẻ và đặc biệt là khách nước ngoài rất thích thú với hành trình “phượt” 20 km từ trung tâm thành phố đến KDL Trường Mai. Ông Đỗ Ngọc Dân, Chủ nhiệm CLB cho hay, không gian rừng nguyên sinh khiến người chơi có cảm giác chiến trận rất thật. Đặc biệt, với 30 ha đang khai thác của KDL Trường Mai trên diện tích 68 ha rừng già được giao, các tay súng có thể chọn được rất nhiều loại trận địa. Chiến trường ở đây rất rộng rãi, không bị giới hạn bởi các tấm lưới và địa vật đơn điệu. Theo ông Dân với số lượng súng 70 khẩu, quân phục, mặt nạ, áo giáp… như hiện nay, CLB có thể phục vụ cùng lúc 70 “chiến sĩ” và trong thời gian đến sẽ còn tăng thêm để 100 tay súng xung trận đồng thời.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trường Mai, Giám đốc Công ty CP Trường Mai, quản lý KDL cùng tên cho biết, KDL hiện cũng hấp dẫn du khách bởi đang bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái động thực vật tự nhiên của bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt quý hiếm là 3-4 đàn voọc chà vá chân nâu, được mệnh danh là “Nữ hoàng loài linh trưởng”, đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới với số lượng khoảng 60 con trên tổng số 400 cá thể toàn bán đảo. Còn khỉ đít đỏ, khỉ đuôi vàng thì hàng trăm con cùng heo rừng, hoẵng, mèo rừng, tê tê thường xuyên xuất hiện. Do đó, việc đưa môn thể thao có tính tiêu diệt mục tiêu vào chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của thú rừng, nên phải khảo sát kỹ. Nếu không, trong quá trình thi đấu sẽ không lường trước được các tay súng thiếu ý thức, tiện tay chĩa súng vào những con thú hoang thoáng xuất hiện. Đó là chưa kể KDL Trường Mai còn có hàng chục cây đại thụ hàng trăm năm tuổi thuộc họ nhà đa và hàng trăm cây thuốc quý, các trận “đổ bộ” của những tay súng không tránh khỏi để lại các dấu vằn vện của đạn sơn trên thân đại thụ, hoặc giẫm nát các cây non, nguồn gen thực vật phục vụ trồng rừng đang sinh sôi trên mặt đất.
Bài học nhãn tiền
Việc can thiệp thiếu tính toán vào hệ sinh thái tự nhiên của bán đảo Sơn Trà trước đây cũng đã để lại những bài học đắt giá mà hiện nay vẫn chưa giải quyết xong hậu quả, như chuyện mở đường Hoàng Sa từ bãi Bụt đi bãi Bắc thiếu khảo sát địa chất đã dẫn đến sạt lở liên tục vào mùa mưa, mỗi năm tiêu tốn cả trăm triệu đồng khắc phục. Mới đây, trong quá trình nghiên cứu voọc chà vá ở Sơn Trà, Tiến sĩ người Đức Ulrike Simonne Streicher đã phát hiện tại lý trình Km 3 + 300 đến Km 3 + 800 có 7 cá thể voọc bị cô lập dưới bờ taluy âm, không thể trở về đàn ở phía taluy dương do quá trình xé rừng mở đường bê tông đã đốn hạ cây xanh, cắt đường đi của voọc.
Do đó, sau khi được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt, sắp đến BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch sẽ xây dựng 3 “cầu cây xanh” với kinh phí 134 triệu đồng, đó là trồng những cây xanh đường kính trên 40 cm (tính ngang ngực người), cao hơn 5 mét để phủ tán rộng ngang qua đường bê tông tạo hành lang cho 7 cá thể voọc bị cô lập di chuyển về đàn. Không chỉ vậy, hiện ở tuyến 1 và tuyến đường bê tông nhựa từ Nhà vọng cảnh đến đỉnh Bàn Cờ (tuyến 2) còn cần 10 cầu cây xanh khác để “giải cứu” đàn voọc.
Chính vì vậy, trong đợt khảo sát vừa qua, Sở VH-TT-DL cùng các đơn vị lữ hành dù ủng hộ sản phẩm du lịch mới đấu súng sơn ở KDL Trường Mai, nhưng đề nghị đơn vị tính toán kỹ, khoanh vùng thi đấu, đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái Sơn Trà.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)