Dỡ gỗ sưa đình làng đem bán

06/03/2014 09:15 GMT+7

Bốn tấm gỗ sưa của mái đình thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, H.Hoài Đức, Hà Nội bị dỡ đem bán lấy 1,2 tỉ đồng. Đã 3 ngày nay, dân liên tục kéo lên đình, đòi vào xem hiện trường.

 Hiện trường mái đình bị dỡ các thanh gỗ sưa đem bán
Hiện trường mái đình bị dỡ các thanh gỗ sưa đem bán

Bà Nguyễn Thị Trọng, 58 tuổi, một phật tử ở thôn Cựu Quán kể lại: Khoảng 18 giờ ngày 2.3, bà đang ăn cơm cùng gia đình thì nhận được cuộc gọi thông báo ra đình làng ngay có việc gấp. Người gọi điện thông báo đã phát hiện 2 người bê 4 tấm gỗ sưa từ đình sang chùa để gửi vào kho của chùa. Bà vội buông bát, chạy ngay ra đình.

 

Đình làng là nơi tập trung sức mạnh cộng đồng làng. Nó còn là nơi thờ tự, tế lễ của làng. Như thế nó là trung tâm của làng còn gì. Ít nhất là từ thế kỷ 15 về đây nó không chỉ là trung tâm hành chính mà còn là nơi thờ tự của làng. Ai lại làm việc dỡ đình làng đem bán được chứ

PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn,
Viện trưởng Viện Tôn giáo

Người trông coi đình, ông Nguyễn Hữu Thắng, khi đó đã chìa cho bà Trọng và ông Bảo - một người dân khác trong thôn - xem biên bản họp bàn về vụ mua bán gỗ sưa trên mái đình. Biên bản chỉ có chữ ký của 6 người chức sắc. Đó là các ông Nguyễn Phú Ngà, Bí thư Chi bộ thôn; ông Nguyễn Phú Lực, Trưởng thôn Cựu Quán; ông Nguyễn Ích Chắt, Trưởng ban Khánh tiết đình; ông Nguyễn Ích Bạ, Phó ban Khánh tiết; ông Nguyễn Hữu Thắng, cụ từ giữ đình; ông Đàm Văn Sáu, đại diện cho các bô lão trong thôn.

10 triệu đồng/kg

“Không có ý kiến đồng ý từ từng cụ bô lão trong thôn như ông Thắng nói. Bất chấp tôi và ông Bảo phản đối, các ông ấy vẫn thản nhiên khiêng gỗ đem bán, nhận tiền rồi chuyển ra ô tô nổ máy đi. Ba ông Nguyễn Ích Bạ, Nguyễn Hữu Thắng và Đàm Văn Sáu là những người trực tiếp khiêng gỗ sưa ra xe. Sự việc diễn ra rất chóng vánh”, bà Trọng nhớ lại.

Bà Trọng kể thêm, 4 tấm gỗ sưa có tổng trọng lượng 127,5 kg. Tuy nhiên, sau khi trừ bì, trọng lượng tạm tính là 120 kg gỗ sưa với giá 10 triệu đồng/kg. Số tiền bán gỗ là 1,2 tỉ đồng. Bà Trọng cho biết nhóm người bán gỗ sưa nói trên nói rằng người mua chính là ni sư Thích Diệu Bản, nhà sư trụ trì chùa thôn Cựu Quán. “Ông Thắng có nói, nhà sư mua gỗ sưa để… làm kỷ niệm. Ông này cũng khẳng định là 6 người trong nhóm bán gỗ đủ điều kiện đại diện cho người dân và các cụ để bán số gỗ đó”, bà Trọng bổ sung.

Cũng theo bà Trọng, số tiền 1,2 tỉ đồng bán gỗ được chi trả dưới hình thức sổ tiết kiệm và tiền mặt. Trong đó, sổ tiết kiệm là 1 tỉ đồng, còn lại là tiền mặt. Ngay sau khi thu được tiền, ông Nguyễn Ích Chắt đã đưa cả cho ông Nguyễn Ích Bạ.

“Đến hôm nay (5.3 - PV) chính quyền địa phương cho hay đã tạm giữ một sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng. Số tiền còn lại những người bán gỗ nói dùng để chi trả tiền mua mảnh ruộng trước cửa đình và dự kiến dùng để sửa chữa đình làng. Nhưng 700 triệu đồng đó ở đâu thì chỉ có 6 người trong nhóm chức sắc thôn bán gỗ mới biết”, bà Trọng nói.

 “Ngay sau hôm đó, một cuộc họp dân khẩn cấp đã được triệu tập”, ông Lý Trọng Ty, 81 tuổi, người dân thôn Cựu Quán cho biết. “Chúng tôi đề nghị cơ quan công an địa phương can thiệp. Nhưng chính quyền và công an địa phương nói sẽ tiến hành giải hòa, nếu không thành thì sau đó mới giải quyết”.

Sau khi vụ việc xảy ra, không ngày nào người dân không tập trung trước cửa đình làng. Chiều qua hàng trăm người dân tập trung đòi ông từ Nguyễn Hữu Thắng mở cửa để vào xem hiện trường. Theo người dân, ông Thắng đã “lặn mất tăm”, đến tận nhà tìm nhưng không thấy. Nhà sư trụ trì Thích Diệu Bản cũng không ai thấy đâu từ hôm có việc mua bán gỗ sưa.

 

 Sân đình thôn Cựu Quán - Ảnh: Lê Quân
Sân đình thôn Cựu Quán - Ảnh: Lê Quân

Di sản đã được kiểm kê

Về di tích đình Cựu Quán, một chuyên gia bảo tồn của Viện Bảo tồn di tích cho biết di tích có kết cấu bằng gỗ sưa là trường hợp hiếm gặp.

PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo cho biết: “Đình làng là nơi tập trung sức mạnh cộng đồng làng. Nó còn là nơi thờ tự, tế lễ của làng. Như thế nó là trung tâm của làng còn gì. Ít nhất là từ thế kỷ 15 về đây nó không chỉ là trung tâm hành chính mà còn là nơi thờ tự của làng. Ai lại làm việc dỡ đình làng đem bán được chứ”.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, di tích này đã từng được chuẩn bị hồ sơ để xếp hạng. Tuy nhiên, thủ tục xếp hạng chưa hoàn tất được do nhân dân địa phương chưa đồng thuận, mà không rõ lý do gì. Mặc dù vậy, ông Tiến khẳng định: “Đình Cựu Quán tuy chưa được xếp hạng nhưng đã nằm trong danh mục di sản được kiểm kê để bảo vệ. Chính vì thế, nó vẫn được bảo vệ theo quy định pháp luật về di sản”. Do chưa xếp hạng nên theo phân cấp quản lý, xã Đức Thượng phải chịu trách nhiệm quản lý đình này. “Hiện đình này chưa có dự án tu bổ gì. Việc tháo dỡ gỗ ở đây là do ban khánh tiết tự ý thực hiện”, ông Tiến nói.

Khi được hỏi về phương hướng giải quyết, ông Tiến nói ngay trong ngày hôm nay (6.3), Sở VH-TT-DL sẽ cho người xuống để xem xét cụ thể, lập biên bản tại chỗ. Sở cũng sẽ có văn bản đề nghị UBND huyện xem xét xử lý dứt điểm việc này theo đúng quy định của pháp luật.

Công an huyện đang điều tra

Ông Trần Đức Thảo, Trưởng công an xã Đức Thượng xác nhận vụ việc xảy ra gây xôn xao dư luận trong xã mấy ngày qua. Hiện số gỗ sưa chưa rõ được mang đi đâu. Nhà sư Thích Diệu Bản cũng không có mặt tại địa phương, còn 6 vị chức sắc vẫn ở tại gia đình. Ông Thảo cho biết đã báo cáo vụ việc lên Công an H.Hoài Đức. Đại diện công an huyện xác nhận đang thụ lý vụ việc và trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin.

Lê Quân - Trinh Nguyễn

>> Bình phong 'có con quỷ' ở lăng Ngô Quyền
>> Đường Lâm lại nóng vì lăng Ngô Quyền
>> Vì sao gỗ sưa đắt ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.