Thiếu người đi biển
Sở hữu con tàu 580 CV chuyên đánh bắt xa bờ từ nhiều năm qua, ông Lê Bá Kiên (ngụ xã Quỳnh Lập, TX.Hoàng Mai, Nghệ An) không ngờ việc tìm bạn đi biển lại khó như hiện nay.
Ông Kiên chuyên đánh bắt bằng nghề lưới chụp 4 sào ở ngoài khơi với 12 lao động. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, nhiều lao động từng bám nghề biển với ông đã chuyển hướng đi xuất khẩu lao động, một số người chuyển sang nghề khác.
Tàu cá ở xã Quỳnh Lập, TX.Hoàng Mai, Nghệ An |
K.HOAN |
Không tìm đủ người, ông Kiên đã phải chuyển sang “phương án 2”, sử dụng 8 người. Tuy nhiên, phương án này đã khiến các chuyến đánh bắt của tàu hoạt động không hết công suất, phải giảm xuống còn khoảng 70% khả năng đánh bắt. Sản lượng vì thế cũng bị giảm theo, trong khi mức sử dụng nhiên liệu vẫn không thay đổi.
Trước đây, đi biển (hay còn gọi là nghề đi bạn) người lao động được hưởng thành quả bằng tỷ lệ ăn chia từ thu nhập của chuyến đánh bắt. Tuy nhiên, từ khoảng 3 năm trở lại đây, khi nghề biển liên tục bị mất mùa, thu nhập bấp bênh, ngư trường bị thu hẹp do Hiệp định Vùng đánh cá chung vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hết hiệu lực từ giữa năm 2020, nhiều ngư dân ở Nghệ An đã bỏ nghề biển. Để giải quyết bài toán nhân lực khó khăn này, các chủ tàu phải chuyển hướng, thuê lao động bằng cách trả lương theo tháng để giữ chân họ.
Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, thị trường xuất khẩu lao động mở cửa trở lại đã khiến các chủ tàu không níu được lao động trẻ khi họ ồ ạt bỏ nghề biển để ra nước ngoài làm việc.
Với 205 chiếc tàu cá, xã Quỳnh Lập là địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất ở Nghệ An, trong đó tàu công suất lớn có 165 chiếc. Đây là địa phương nổi tiếng về nghề biển nhờ ngư dân có nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt hải sản trên biển. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, không chỉ ông Kiên, hàng trăm chủ tàu tại xã Quỳnh Lập lâm cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng.
Ông Lê Bá Kỷ, Phó chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, tại xã này đã có 256 người đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, nhiều ngư dân không đi xuất khẩu lao động cũng đã chuyển sang nghề khác khiến Quỳnh Lập đang thiếu khoảng 200 - 300 người đi biển. Theo ông Kỷ, mặc dù mức lương hiện nay các chủ tàu trả 8 - 10 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều người vẫn không mặn mà vì chưa phải đã là số tiền cầm tay. Nếu chuyến ra khơi nào gặp thời tiết bất lợi, phải quay về giữa chừng hoặc tháng đó nghỉ nhiều ngày thì lương của người đi biển sẽ bị trừ.
Tại xã Sơn Hải (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), số lượng tàu đánh bắt xa bờ giảm từ 200 tàu chỉ còn hơn 70 tàu trong vòng 4 năm qua, vì ngư dân phải bán tháo tàu do thua lỗ, trong khi các chủ tàu còn lại cũng rất vất vả để tìm lao động đi biển. Ông Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hải, cho biết trước đây tại xã này có khoảng 3.000 lao động đi biển, nhưng nay chỉ còn khoảng 500 người. Rất nhiều chủ tàu phải chấp nhận ra khơi với tình trạng thiếu hụt người. Một số tàu không đủ lao động đành phải để tàu nằm bờ.
Giải pháp thay thế lao động vẫn khó
Tình trạng thiếu hụt lao động cũng đang xảy ra ở H.Quỳnh Lưu (Nghệ An), địa phương có số lượng tàu đánh cá rất lớn. Ông Bùi Xuân Trúc, Phó phòng Nông nghiệp H.Quỳnh Lưu, cho biết giải pháp để tháo gỡ tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển có thể cải thiện bằng việc lắp đặt hệ thống tời thủy lực trên tàu cá để thay thế lao động, tuy nhiên, kinh phí đầu tư hệ thống này khá lớn (từ 350 - 400 triệu đồng) nên không phải ngư dân nào cũng đầu tư được.
Năm 2021, HĐND tỉnh Nghệ An đã có nghị quyết về hỗ trợ nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ ngư dân lắp đặt hệ thống tời thủy lực, nhưng mức hỗ trợ chỉ 30% chi phí nên ngư dân chưa mấy quan tâm.
Ông Chu Quốc Nam, Phó chi cục Thủy sản Nghệ An, cho biết tỉnh này hiện có hơn 3.400 tàu cá, trong đó có 1.221 tàu cá hoạt động vùng khơi, chuyên đánh bắt bằng các nghề lưới vây, lưới kéo, lưới chụp, lưới rê và nghề câu. Để đảm bảo cho tàu thuyền hoạt động nghề khai thác cá, Nghệ An cần khoảng 15.000 lao động trực tiếp trên biển, chưa kể hàng ngàn lao động hậu cần trên bờ. Nguyên nhân thiếu hụt lao động đi biển là do nhiều lao động trẻ bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động hoặc chuyển sang lao động trên các tàu vận tải nội địa và làm các nghề khác do thu nhập của đánh bắt không ổn định. Hệ lụy của việc nhiều ngư dân bỏ biển đang gây khó khăn cho các chủ tàu cá và ảnh hưởng lớn đến năng suất khai thác hải sản của địa phương.
Bình luận (0)