Do sức ép giá cả, lương phải tăng nhanh hơn lộ trình

21/09/2005 22:41 GMT+7

Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Tiền công, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trả lời báo chí về những căn cứ của 2 nghị định mới của Chính phủ về việc điều chỉnh lương, trợ cấp mới ban hành.

* Thưa ông, các mức lương, trợ cấp... mà Chính phủ quy định trong 2 nghị định mới ban hành có khác nhiều so với các phương án của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình không?

- Mức điều chỉnh lương, trợ cấp, lương hưu mà Chính phủ phê duyệt là thấp hơn so với  2 phương án trình của Bộ, theo đó một phương án là nâng mức lương tối thiểu lên 400.000 đồng/người/tháng; phương án 2, nâng lên 600.000 đồng/người/tháng. Cả hai phương án đều được tính toán dựa trên một số chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế, mức độ tăng giá cả sinh hoạt... và một số yếu tố khác. Theo 2 nghị định mới ban hành thì người đang hưởng mức lương hưu thấp được tăng nhiều hơn so với lương cao; người hưởng lương hưu được tăng cao hơn so với người đang đi làm. So với hiện tại, lương tối thiểu tăng bình quân 20,7%, người được tăng thêm thấp nhất là 60.000 đồng/tháng, cao nhất khoảng 750.000 đồng/tháng.

Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Tiền công, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội

* Vì sao lương tối thiểu của người làm công ăn lương trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại không được điều chỉnh trong đợt này?

- Riêng lương tối thiểu của người làm công ăn lương ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vào ngày 23/9 tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ tổ chức lấy ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, đại diện người lao động. Việc điều chỉnh lương tối thiểu ở khu vực này phải dung hòa giữa quyền lợi của người lao động và lợi ích giới chủ - đảm bảo hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giữ được lợi thế cạnh tranh về giá nhân công so với các nước trong khu vực.

* Theo lộ trình của đề án "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công", mức lương tối thiểu chung năm 2004 và 9 tháng đầu năm 2005 là 290.000 đồng/người/tháng; từ 1/10/2005 điều chỉnh tăng thêm 10.000 đồng, lên 300.000 đồng/tháng; năm 2006 là 320.000 đồng/tháng và 340.000 đồng/tháng vào năm 2007. Tại sao Bộ đưa ra phương án tăng đột biến so với bước đi của đề án cải cách tiền lương?

- Nguyên nhân chính là do giá cả tăng quá cao trong hai năm nay (năm 2004 là 9,5%, 9 tháng đầu năm 2005 trên 6%). Đề án được xây dựng năm 2003 đã không tính hết được các yếu tố tác động đến chính sách lương. Việc tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng nhiều đối với nguồn ngân sách dành để chi lương bởi thu nhập của đối tượng hưởng lương từ nguồn này không còn quá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước mà còn từ các nguồn khác (tiết kiệm chi thường xuyên, tinh giản biên chế, sự nghiệp có thu, T.Ư và địa phương...). Mặc dù mức lương tối thiểu chung năm 2005 đã cao hơn so với lộ trình dự kiến của năm 2007 nhưng trong năm 2006 và 2007, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu dần lên. Mức tăng này chưa được xác định cụ thể như đề án từng vạch ra nhưng phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, giá cả.

Mạnh Quân
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.