Cựu cai ngục Kaing Guek Eav, còn gọi là Duch, của nhà tù Tuol Sleng khét tiếng dưới thời Khmer Đỏ đã bị kết án 35 năm tù vì những tội ác tàn sát và tra tấn hàng chục ngàn người, theo AFP. Hình phạt này được giảm xuống còn 30 năm với lý do Duch bị giam giữ trái luật trước khi phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ được thành lập. Duch xuất hiện tại phòng xét xử sau lớp kính chống đạn để đề phòng các nạn nhân Khmer Đỏ trả thù. Khi bản án được đọc, Duch đứng dậy, nhìn thẳng và không biểu lộ chút cảm xúc nào, theo AP. Đông đảo người dân Campuchia đã đến khu vực tòa án nằm ở ngoại vi Phnom Penh để theo dõi phiên xử.
Sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ vào năm 1979, Duch biến mất gần 2 thập niên. Ông ta sống ở vùng tây bắc Campuchia với nhiều tên gọi khác nhau và cải sang Cơ Đốc giáo. Một nhà báo người Anh đã phát hiện ra Duch, dẫn đến việc bắt giữ cựu cai ngục vào tháng 5.1999. Tính đến khi bị tuyên án vào hôm qua, Duch đã bị giam tổng cộng 11 năm. Vì vậy, ông ta chỉ còn phải thụ án thêm 19 năm nữa, Reuters dẫn lời một quan chức tòa án nói.
|
Khoảng 14.000 người đã bị giết hại trong nhà tù Tuol Sleng, hay S-21, dưới thời Khmer Đỏ. Hầu hết các nạn nhân bị tra tấn dã man trước khi bị đem đi hành quyết ở “cánh đồng chết”. Việc Duch chỉ còn phải thụ án thêm 19 năm nữa khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ. Theary Seng, một người Mỹ gốc Campuchia có cha bị giết hại tại nhà tù S-21 nói: “Làm sao có thể giết 14.000 người rồi chỉ ngồi tù 19 năm tức 11 tiếng đồng hồ cho một mạng người? Đó là một trò đùa!”. Bà Hong Sovath, 47 tuổi, khóc nức nở: “Không có công lý gì cả. Tôi muốn ông ta phải bị tù chung thân”. Cha của bà, một nhà ngoại giao, cũng bị giết chết trong nhà tù S-21. Nhiều người cũng có phản ứng tức giận tương tự đối với bản án. Chỉ trong thời gian 4 năm chế độ Khmer Đỏ tồn tại, gần 2 triệu người đã bị giết hại, bằng 1/5 dân số Campuchia khi đó.
Giờ đây, người dân Campuchia tiếp tục chờ đợi các phiên xử tiếp theo đối với 4 nhân vật cấp cao khác của Khmer Đỏ bao gồm cựu Chủ tịch Khieu Samphan, nhân vật số 2 Nuon Chea, cựu Ngoại trưởng Ieng Sary và vợ ông ta Ieng Thirith. Nhiều người sợ rằng những nhân vật này sẽ chết già trước khi đối mặt với công lý.
Việt Phương
(Văn phòng Bangkok)
Bình luận (0)