Thị xã Ngã Bảy đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đô thị loại 3 mang nét đặc thù của miền quê sông nước, theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 16.9.2011 của Tỉnh ủy Hậu Giang.
Ngã Bảy là nơi hội tụ của 7 nhánh sông, với chợ nổi đã có gần 100 năm hình thành và phát triển. Đây cũng là nơi tạo nên nguồn cảm hứng để soạn giả Viễn Châu viết nên bài vọng cổ Tình anh bán chiếu đi vào lòng người. Đặc biệt, nơi đây còn có khu di tích lịch sử cấp Quốc gia là Khu liên hợp đình chiến Nam Bộ. Trong cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Ngã Bảy đến năm 2015 mới đây, ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Là một đô thị sông nước có vị thế hội tụ của 7 nhánh sông, nên quy hoạch xây dựng đô thị Ngã Bảy phải có điểm nhấn nhằm phát huy thế mạnh du lịch và dịch vụ thương mại.
Điểm nhấn được thị xã Ngã Bảy chọn là xây dựng bờ kè các “doi” để chống sạt lở và tạo cảnh quan thông thoáng cho khu vực nội thị. Công trình Bờ kè Khu liên hợp đình chiến Nam Bộ, bao gồm: tuyến kè có chiều dài 322 mét, tuyến đường nội bộ dài 315 mét và hệ thống thoát nước dọc tuyến với tổng mức vốn đầu tư hơn 35 tỉ đồng đang được gấp rút hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật sau kè trước Tết nguyên đán năm nay sẽ tạo cảnh quan xanh sạch đẹp cho khu vực Doi Cát - 1 trong 6 doi của nơi hội tụ 7 nhánh sông.
Bờ kè Trần Hưng Đạo - Lê Lợi ở Doi chợ cũng đã được khởi công xây dựng trong năm 2011. Công trình có chiều dài 452 mét, bao gồm: kè bảo vệ bờ và hạ tầng kỹ thuật sau kè, trong đó hạ tầng kỹ thuật sau kè có đường nội bộ rộng 5,5 mét, vỉa hè phía trong rộng 1,5 mét và vỉa hè phía ngoài sông rộng 5 mét. Dọc theo tuyến kè được xây dựng lan can, bồn hoa, đèn trang trí để tạo mỹ quan. Tổng mức vốn đầu tư cho công trình là 250 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn hỗ trợ chống sạt lở. Công trình sẽ được hoàn thành trong năm 2012.
|
Ông Trịnh Quang Hưng, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Bí thư thị ủy Ngã Bảy, cho rằng việc xây dựng Bờ kè Khu liên hợp đình chiến Nam Bộ và Bờ kè Trần Hưng Đạo - Lê Lợi không chỉ chống sạt lở mà còn giải quyết từng bước vấn đề cải thiện môi sinh, môi trường; tạo không gian đô thị thông thoáng 2 bên tuyến kinh Quản lộ - Phụng Hiệp; tạo điều kiện vui chơi giải trí cho người dân, đặc biệt là tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa chợ nổi Ngã Bảy cũng như phát triển du lịch của địa phương. “Trong năm 2012, thị xã Ngã Bảy sẽ lập dự án kè tuyến kinh xáng Cái Côn, nối từ tuyến kè hiện hữu đến cầu Rạch Côn và triển khai dự án kè Doi Tân Thới Hòa - doi thứ 3 trong 6 Doi của Ngã Bảy”, ông Hưng cho biết.
Cùng với việc xây dựng đô thị mang tính đặc thù của miền sông nước, định hướng phát triển của thị xã Ngã Bảy cũng được mở rộng hướng phát triển không gian đô thị về phía TP.Cần Thơ và sông Hậu. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho Ngã Bảy hướng tới xây dựng đô thị xanh, với diện tích vườn cây ăn trái rộng lớn nằm dọc theo tuyến kinh xáng Cái Côn của 2 xã Đại Thành và Tân Thành; trong đó có gần 2.000 ha cam sành mà thị xã Ngã Bảy đang xúc tiến xây dựng thương hiệu.
Là nơi hội tụ của 7 nhánh sông, với khu chợ nổi nổi tiếng khắp cả nước, do vậy việc định hướng xây dựng đô thị Ngã Bảy hướng tới đô thị xanh - đô thị sông nước là phù hợp với nét truyền thống đặc thù cũng như xu hướng phát triển của đô thị hiện đại.
Phước Thành
Bình luận (0)