Đô thị... ngập: Kỳ 1- TP.Cần Thơ ở khu 'VIP' cũng phải chèo xuồng trên phố

Đình Tuyển
Đình Tuyển
26/12/2021 15:38 GMT+7

Gần đây, nhiều thành phố hễ mưa một trận là ngập nước, đường phố biến thành sông . Tình trạng ngập là nỗi ám ảnh đối với người dân, bởi gây thiệt hại kinh tế, mất an toàn, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt... Nguyên nhân ngập được cho là bất cập về quy hoạch, xây dựng...

Với TP.Cần Thơ, không mưa cũng ngập bởi triều cường. Ngập lụt "mùa triều cường" không chỉ là nỗi ám ảnh với người dân Cần Thơ mà còn gây thiệt hại kinh tế nặng nề khi phải nâng đường, sửa chữa nhà...

Đã mấy năm nay, cứ đến đầu và cuối các tháng 8, 9, 10 (âm lịch), người dân nội ô TP.Cần Thơ lại bì bõm “sống chung với nước”. “Mùa ngập” năm 2021, mực nước triều cường cao nhất ở Cần Thơ là 2,06 m, thấp hơn nhiều so với đỉnh triều lịch sử 2,25 m năm 2019 nhưng đủ khiến hàng trăm tuyến đường chính ở Cần Thơ chìm trong nước.

Triều cường dâng cao khiến đường Quang Trung, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ ngập sâu

Đình Tuyển

Sống ở thành phố mà hì hục tát nước !

“Ngày hai lần, nước lên sáng sớm và chiều muộn. Rầu nhất là những người buôn bán nhỏ lẻ trên vỉa hè. Còn mình, có hôm còn đang ngủ thì nước đã tràn vào nhà, chiều đến giờ cơm lại hì hục tát nước. Mấy năm liền như vậy, cuộc sống quá bất tiện”, ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ nói và cho biết, căn nhà ông xây dựng năm 2006 với cao độ nền hơn 2 m nhưng 5 năm nay, cứ tới mùa triều cường là bị ngập. Ông Vinh đang dự định nâng nền nhà nhưng vẫn ngán chi phí cả trăm triệu đồng.

Triều cường gây ngập sâu vào giờ cao điểm gây khó khăn cho người dân đi làm, đưa con đi học

Đình Tuyển

Ở TP.Cần Thơ, khu vực Trung tâm thương mại Cái Khế (thuộc P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều), xây dựng khoảng 20 năm trước là “khu nhà giàu” với những dãy nhà cao tầng, khu thương mại, chợ nhà lồng… Thế nhưng mấy năm trở lại đây, tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, triều cường trở thành nỗi ám ảnh với người dân.

Sau nhiều lần tôn tạo, con đường chính Trần Văn Khéo chạy giữa Trung tâm thương mại Cái Khế tới công viên sông Hậu giống như một con đê; khu vực dân cư, chợ ở hai bên đường này trở thành những vùng lõm của TP.Cần Thơ.

Đường Nguyễn Văn Cừ, là một trong những đường chính của TP.Cần Thơ được nâng cấp mở rộng khoảng 10 năm nay nhưng thường xuyên ngập sâu "mùa triều cường"

Đình Tuyển

Ông La Thuận Lợi (67 tuổi, ngụ đường Phạm Ngọc Thạch, P.Cái Khế) kể năm 2008, ông về khu vực “VIP” này ở và “chẳng thể nào ngờ vài năm sau lục bình trôi cả lên đường, quán ăn chèo xuồng trên đường đi rước khách”. “Năm 2019, dân và chính quyền hùn nhau nâng đường Phạm Ngọc Thạch thêm 70 cm, tôi đóng góp 15 triệu đồng. Vậy mà tháng 11 năm ngoái, nước vẫn tràn vào nhà làm tôi bị điện giật suýt nguy đến tính mạng”, ông Lợi nói. Sau đợt ngập đó, ông Lợi phải bỏ hệ thống đường điện âm tường ở nhà, làm đường điện mới. Giờ đây, nền nhà ông Lợi bằng với mặt đường Phạm Ngọc Thạch, để tránh ngập, chỉ còn cách chi tiền nâng nền nhà.

“Năm 2019, dân và chính quyền hùn nhau nâng đường Phạm Ngọc Thạch thêm 70 cm, tôi đóng góp 15 triệu đồng. Vậy mà tháng 11 năm ngoái, nước vẫn tràn vào nhà làm tôi bị điện giật suýt nguy đến tính mạng”

Ông La Thuận Lợi (67 tuổi, ngụ đường Phạm Ngọc Thạch, P.Cái Khế, TP.Cần Thơ)

Thiệt hại nặng nề

Theo Sở Xây dựng TP.Cần Thơ, riêng quận nội ô Ninh Kiều, mỗi đợt triều cường có ít nhất 58 tuyến đường chính bị ngập, có nơi ngập hơn 40 cm, chưa kể đến hàng trăm đường trong khu dân cư và các hẻm. Thực tế, có những tuyến đường mới làm xong, thậm chí còn dở dang như đường vòng quanh hồ Búng Xáng cũng bị ngập sâu mỗi mùa nước dâng. Tháng 10.2019, một phụ nữ chạy xe máy thiệt mạng khi lọt xuống cống nước chỉ vì triều cường gây ngập làm mất phương hướng.

Nền nhà dân dọc đại lộ Hòa Bình, trung tâm TP.Cần Thơ ngày càng thấp sâu so với mặt đường, để cải tạo người dân tốn chi phí rất lớn

Đình Tuyển

Theo tính toán của Phòng Quản lý đô thị Q.Ninh Kiều, chỉ riêng khu vực Trung tâm thương mại Cái Khế và lân cận rộng khoảng 41 ha gần đây đã có gần 400 nhà dân phải nâng nền với chi phí sơ bộ hơn 85 tỉ đồng. Hiện tại, với cao độ nhà hiện hữu là 1,7 m, muốn nâng lên bằng với cao độ đường hiện hành là 2,65 m, các hộ dân sẽ tốn ít nhất là gần 500 tỉ đồng, cần gần 212.000 m3 cát. Ngoài ra, còn có 16 tuyến đường lớn nhỏ cần nâng cấp; trong đó 6 tuyến đường mới đây được cải tạo đã tốn gần 148 tỉ đồng.

Tuyến đường Trần Văn Khéo được nâng cao độ chống ngập nhiều lần hiện cao hơn nền nhà người dân hai bên khu Trung tâm thương mại Cái Khế rất nhiều

Đình Tuyển

Theo ông Nguyễn Thái Bảo, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều, để giảm thiểu ảnh hưởng đến nhà dân, thời gian qua, khi nâng cấp các tuyến đường, Q.Ninh Kiều cũng chỉ có thể nâng từ từ. Bởi nếu nâng đường lên ngay 50 cm thì nhà dân gần như chắc chắn phải sửa, chi phí đội lên rất nhiều.

Vì đâu nên nỗi ?

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Mê Kông cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến ngập lụt đô thị ở Cần Thơ và ĐBSCL. Đó là sụt lún tích lũy, nước biển dâng và mất không gian lan tỏa cho nước sông khi triều dâng và lũ về. Trước đây, khi các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp đắp đê bao ngăn lũ, làm lúa vụ 3 đã tạo ra một hiệu ứng domino đến các tỉnh khác ở ĐBSCL tới sau này.

Tình trạng ngập gây ám ảnh cho người dân TP.Cần Thơ

Đình Tuyển

“Khắp nơi người dân đắp đê bao ngăn không cho nước vào ruộng, vườn. Xã này đắp đê bao thì xã kia cũng đắp theo, nhà này đắp bờ bao, nhà kia cũng đắp theo. Mùa nước nổi cộng với triều cường dâng đẩy nước vào sâu các con sông nhưng không tràn được vào nội đồng. Nước sẽ đổ dồn về những vùng đô thị không có đê bao như Cần Thơ”, ông Thiện nói. Chuyên gia này nhận định, về lâu dài để khắc phục ngập lụt, cần hạn chế sụt lún bằng việc giảm sử dụng nước ngầm; xa hơn là phục hồi nguồn nước mặt, và gốc rễ là thay đổi nền sản xuất nông nghiệp thâm canh đang khiến cho đất đai, nguồn nước mặt suy thoái nhanh chóng khiến việc hút nước ngầm bị lạm dụng quá mức, gây sụt lún nhanh.

Ở góc độ phát triển đô thị, ông Nguyễn Thái Bảo cho rằng lợi ích từ đê bao ngăn lũ ở nông thôn sẽ không thể bù đắp nổi những thiệt hại do ngập lụt vùng thành thị; cho nên rất cần một chính sách làm sao mở lại những vùng ngập nước ở nông thôn, đi kèm với đó là hỗ trợ người dân khi họ phải dừng sản xuất.

Triều cường dâng cao khiến tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ ngập sâu, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân

Đình Tuyển

Theo ông Bảo, trong quy hoạch không gian đô thị trước đây không tính đến tác động tiêu cực từ những kế hoạch đắp đê bao diện rộng ở nông thôn; không có quy hoạch cho đê bao bảo vệ vùng thành thị… “Nên chăng, trong quy hoạch phát triển vùng ven thành phố, cần có quỹ đất dành cho đê bao ven sông chống ngập. Lý tưởng là giữ bờ sông tự nhiên sau đó là đê bao, bên trong là đường sá, nhà cửa, công trình kết nối. Như vậy vừa không can thiệp quá nhiều vào tự nhiên vừa chống ngập, sạt lở bền vững”, ông Bảo đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.