Đoàn Phú Tứ : Màu thời gian với sự công bằng đến muộn

22/12/2005 14:36 GMT+7

Màu thời gian là bài thơ nổi tiếng của Đoàn Phú Tứ. Các tác giả Thi nhân Việt Nam từng nhận định. “Không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế. Nhưng sự nghiệp của Đoàn Phú Tứ không chỉ có Màu thời gian – dù “chỉ một ấy cũng đã là mơ ước của biết bao nhiêu người”, như giáo sư Hoàng Thiệu Khang đã viết.

Đoàn Phú Tứ còn là người sáng lập ban kịch Tinh Hoa năm 1936 với sự cộng tác của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát,… Ban kịch đã sống lâu nhất trong thời đó (8 năm) và đã đi diễn tận Huế, Đà Nẵng, Hội An. Có thể nói đây là đoàn kịch nói bán chuyên nghiệp  đầu tiên của Việt Nam từ 60 năm trước. Đóng góp của Đoàn Phú Tứ cho nghệ thuật sân khấu còn hơn thế. Trong cuốn Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam (NXB Văn Hóa 1978), hai tác giả Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý đã thừa nhận trước 1945, “về mặt sáng tác kịch bản, Vi Huyền Đắc và Đoàn Phú Tứ là những lá cờ đầu”.

Vậy mà trong nhiều thập kỷ, các công trình nghiên cứu, các cuộc luận bàn về văn học nghệ thuật hầu như không nhắc đến tên tuổi Đoàn Phú Tứ; bài thơ Màu thời gian cũng hầu như bị lớp bụi thời gian che mờ. Với công trình Đoàn Phú Tứ – con người và tác phẩm dày gần 700 trang, nhà nghiên cứu Văn Tâm đã dựng lại một cách đầy đủ và sinh động cuộc đời Đoàn Phú Tứ với tất cả những bước thăng trầm, những trăn trở đau đớn trên con đường tìm đến cái Đẹp của Nghệ thuật và Đạo làm người. Hầu hết tác phẩm tiêu biểu của Đoàn Phú Tứ – trừ các tác phẩm dịch – đã được tập hợp ở đây: Bài thơ Màu thời gian, 8 vở kịch, 3 tiểu luận đăng trong Xuân thu nhã tập và báo Thanh Nghị, 2 bút ký và 6 tiểu luận về sân khấu viết sau Cách mạng Tháng Tám. Tác phẩm dịch của ông gồm trên 10 cuốn (với bút danh Tuấn Đô) đều là những tác phẩm lớn của thế giới và do NXB Văn Học xuất bản như các tiểu thuyết Đỏ và Đen (của Stendal) Pantagrùene, các vở kịch của Molière Shakespeare, A. De Musset, Beaumarchais…. Với các công trình dịch thuật này, ông đã được tặng thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam (1983 – 1984).

Tác giả Văn Tâm đã tỏ ra rất công phu trong việc sưu tập tài liệu, tìm gặp các nhân chứng, nên đọc tập sách, chúng ta không chỉ hiểu rõ về cuộc đời một con người mà còn như được gặp gỡ một thế hệ, được sống lại một thời văn nghệ tiền chiến. Về Xuân Thu nhã tập, tác giả đã không ngại dẫn ra 6 ý kiến từ trong Nam ngoài Bắc, cả trước và sau Cách mạng Tháng Tám, từng lên án tập sách này là duy tâm, bế tắc, thần bí, tối tăm… Nhưng rồi chỉ riêng việc NXB Văn Học cho tái bản Xuân Thu nhã tập (1991), trong đó ở đoạn cuối có mấy dòng hồi ức của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người trong cuộc”…. Nếu không có một cái nhóm văn, thơ, kịch, nhạc, họa ngày ấy, thì chưa chắc tôi đã bền bỉ đi vào nhạc dân tộc… Qua các tư duy nghệ thuật và các hoạt động của nhóm Xuân Thu nhã tập, tôi đã học được rất nhiều điều…”, chúng ta đã có thể tin nhóm văn chương 6 anh em ấy là “những người tuổi còn rất trẻ, những người thực sự có tâm, có tài, mong muốn được góp sức cho đời”, như Nguyễn Bao đã viết….

Ngoài nhận định của hai tác giả Thi nhận Việt Nam, Văn Tâm còn cho chúng ta biết cả ý kiến của vị tướng văn võ kiêm toàn Nguyễn Sơn. Ông thú nhận “không hiểu nổi” nhưng “cứ nhơ nhớ, nó thanh thoát, nó lâng lâng, như khi nhìn áng mây trôi, khi ngắm dòng nước chảy… nó lung linh như một khúc nhạc thiều…., nó chập chờn như một bóng Liêu Trai!”. Thực ra, hồi đó vị tướng không hiểu ý nghĩa cụ thể và sự tích dẫn tới bài thơ. Còn bây giờ, qua lời giải trình của Đoàn Phú Tứ với một người bạn và qua 3 đoạn hồi ức của Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Thiện và Vũ Đình Hòe, chúng ta hiểu được ngọn nguồn của bài thơ là một giai nhân bên Hồ Tây từng học Nhạc viện Hà Nội, từng quyến rũ Đoàn Phú Tứ bằng tiếng dương cầm rất hay, nhưng khi ốm nặng đã khước từ ông vào thăm… Tân lý của nàng có lẽ cũng như một cung phi xưa, khi gần mất, đã từ chối không tiếp quân vương, vì không muốn để lại trong mắt quân vương hình ảnh tàn tạ của mình.

Một khúc quanh không sáng tỏ trong cuộc đời Đoàn Phú Tứ – việc ông vào thành (còn gọi là “dinh tê”) năm 1951 – lâu nay ít người nhắc đến có lẽ vì sự tế nhị nào đó, vì không muốn khơi lại vết thương đã thành sẹo trong lòng ông, và cũng có thể vì đây là vấn đề không dễ lý giải. Dù vậy, chính vì vấn đề này mà cuộc đời ông đã gặp không ít khó khăn, đến mức, như nhà văn Nguyễn Bùi Vợi kể lại, vào năm 1964, ông thường phải ra chợ Hàng Da nhặt vỏ chuối về giúp nuôi lợn (cũng may là trong một lần kiếm sống như thế, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận ra ông, mời ông về nhà ăn cơm, rồi gợi ý cho nhà xuất bản khai thác khả năng tiếng Pháp của ông để ông được dịch các tác phẩm văn học).

Nhà văn Phùng Quán trong bài viết ở cuối tập sách, cũng như tác giả Văn Tâm, đều không bình luận gì đến chuyện Đoàn Phú Tứ vào thành năm 1951, nhưng đều đã nhắc tới vụ đụng độ của ông và Cục trưởng Quân khu Trần Dụ Châu – một kẻ đã bị tử hình năm 1950, do đã tổ chức một đám cưới cấp dưới cực kỳ xa xỉ giữa lúc kháng chiến gian khổ. Đoàn Phú Tứ chẳng những không vâng lời Trần Dụ Châu làm thơ ca ngợi đám cưới đó, mà còn lên án nặng nề những kẻ vô liêm sỉ đã tổ chức tiệc tùng xa xỉ trên mồ hôi xương máu nhân dân và bộ đội, nên đã bị Trần Dụ Châu tìm cách lăng nhục. Hẳn là không ai nghĩ có thể lấy sự kiện này để xóa nhòa việc Đoàn Phú Tứ vào thành nửa năm sau đó. Văn Tâm thì chỉ viết, sự kiện đó “hẳn có lúc đã gặm nhấm tâm trí ông… và nỗi niềm nghĩ đến càng thêm ngổn ngang”. Nhưng đọc hai bài bút ký viết năm 1948 – 1949 của ông trên đường cùng bộ đội kháng chiến ở Việt Bắc, chúng ta thấy rõ lòng chân thành của ông đối với cách mạng và kháng chiến. “….Con đường hành hương này là con đường chiến thắng từ phương Nam lên phương Bắc, con đường vạch theo cái hướng của lòng mình…”. Đến nay đã có đủ bằng cớ tin cậy chứng tỏ sau 3 năm vào thành (1951 – 1954), Đoàn Phú Tứ vẫn giữ mình trong sạch; cả đến việc chọn bạn đời, ông cũng tìm đến một nữ sinh nguyên là liên lạc của Trung đoàn Thủ đô….

Vậy là với công trình rất công phu của nhà nghiên cứu Văn Tâm, hẳn là sẽ có nhiều bạn đọc tìm đến Đoàn Phú Tứ – con người và tác phẩm – một cuốn sách gợi rất nhiều suy nghĩ.

Nguyễn Khắc Phê

(Thanh Niên 5/5/1996)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.