Hành quân vượt biên giới |
Tư liệu KMS |
Rút thăm lên đường
GS-NGND Đặng Hanh Phức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Sinh hóa, Trường ĐH Dược Hà Nội, khi tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (1949) vừa tròn 20 tuổi. Đúng 70 năm sau (2019), khi 90 tuổi, người phó ban quân dược chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn sảng khoái kể lại quá trình tuyển chọn người tham gia: “Ở trên Quân y vụ có lệnh về chỗ tôi là Phòng Bào chế Liên khu 1 yêu cầu cử cán bộ đi Thập Vạn Đại Sơn. Anh viện trưởng ở đấy trước hết cử anh Phó Bá Long và một anh nữa. Còn 2 người là tôi và một anh khác là Trần Đình Kỳ (bạn học cùng lớp với tôi, về sau làm Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng) thì phải lựa chọn. Bấy giờ lựa chọn bằng cách rút thăm. Rút thăm trúng tên tôi thì tôi đi. Còn anh Trần Đình Kỳ ở lại, tiếp tục ở Phòng Bào chế”.
Ban quân dược tham gia chiến dịch được chia làm 2 tổ: Tổ quân y do y sĩ Trịnh Phúc Nguyên phụ trách cùng 2 nữ y tá là Nguyễn Thị Xuân Lai và Nguyễn Thị Vinh Quy. Tổ quân dược có Phó Bá Long (về sau làm Trưởng khoa Chính trị Kinh doanh - Viện Đại học Đà Lạt) phụ trách cùng Đặng Hanh Phức và 3 dược tá là Nguyễn Thị Anh Tân, Thạch Thị Chinh và Phùng Thị Sâm, họ đi theo cánh quân phía đông, vượt biên giới sang khu vực Long Châu. Đây là hành trình gian khổ nhất vì phải ròng rã qua hầu hết chiều dài của dãy Thập Vạn Đại Sơn.
Nhiệm vụ của đoàn quân dược, theo lời kể của GS Đặng Hanh Phức, là mang một số sản phẩm sẵn có và một phần sản phẩm sang đó mới sản xuất là thuốc sốt rét, thuốc chữa bệnh và thuốc bổ… để cung cấp cho khoảng 1 trung đoàn của bộ đội Việt Nam khi đi làm nhiệm vụ quốc tế. Dược sĩ Phùng Thị Sâm bổ sung thêm: Đặc biệt là mang nhiều bông băng và còn mang thêm hóa chất sang đó pha thuốc tiêm như: Strychnine, Arsenat, Cacodylat, Quinine... cùng các dụng cụ pha chế như phễu, ống đong, đèn hàn, ống tiêm rỗng...
“Lực lượng sản xuất chỉ có 2 người phụ trách là anh Phó Bá Long và tôi, cùng 3 chị dược tá. Đấy là trực tiếp. Còn phục vụ gián tiếp có mấy anh công tác vụ đi cùng từ Việt Nam sang. Tất cả ở cùng ngay trong trụ sở đơn vị”. Đồng thời, bên quân y do ông Trịnh Phúc phụ trách, cùng một số y tá, có mang theo một số giường bệnh để cứu chữa thương binh.
Hành quân vượt dãy Thập Vạn Đại Sơn
Bộ đội ta bắt đầu xuất phát từ Làng Bằng (Bắc Giang). Quân dược được xếp đi gần cuối đội hình hành quân của tiểu đoàn 426 do Biên Cương làm Tiểu đoàn trưởng (nên thường gọi là tiểu đoàn Biên Cương). Chặng đường hành quân hết sức gian nan. Dược sĩ Phùng Thị Sâm (Hà Nội), năm nay 93 tuổi, nhớ lại: “Vượt qua đèo đi lên đỉnh núi, qua đỉnh núi đấy sang bên kia là Trung Quốc, thì gặp cái cột mốc. Bây giờ tôi vẫn nhớ rõ cột mốc cao 1 mét rưỡi, ngang độ 80 phân, có chữ Pháp “Frontiére Sino-Anamite” tức là biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Chúng tôi cảm động quá. Vì mày mà chúng tao khổ như thế này đây! Nếu không phải đi qua biên giới này thì đỡ khổ.
“Bằng xương máu của mình, quân đội ta đã góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc, góp một phần bé nhỏ nhưng rất cao quý vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Trung Quốc”
(Sự kiện và Nhân chứng, số 2, ngày 17.1.1994)
Anh Phó Bá Long rút luôn súng lục bên hông ra. Tôi với chị Thạch Thị Chinh đứng một bên, anh Long gõ gõ vào cột mốc, chúng tôi hát: “Ta mơ trần gian lấp san bằng hết biên thùy, chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới...”.
Lương y Thân Văn Nhã (Bắc Giang), 91 tuổi, nghẹn ngào hồi tưởng nỗi gian truân trên đường hành quân vượt dãy Thập Vạn Đại Sơn: “Anh em lại bắt đầu hành quân. Đói, anh em ốm yếu nhiều. Lúc bấy giờ có lệnh ở trên xuống, bây giờ phải xuất ra 1 kg gạo để nấu cháo không bồi dưỡng cho anh em ốm. Mỗi người một bữa được bồi dưỡng 1 ca cháo không độn. Thế là quý lắm rồi. Được 1 ca cháo không độn rau!
Khi tôi ngồi nhớ lại, nói thật với anh, tôi không cầm được nước mắt. Thương anh em quá. Chính mình cũng trong hoàn cảnh đó. Khổ đến mức độ như thế. Và cứ như thế, ròng rã gần 1 tháng trời, chúng tôi thoát ra được hết dãy Thập Vạn Đại Sơn, xuống đồng bằng”.
(còn tiếp)
Bình luận (0)