Ông Nguyễn Hữu Bôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng (Hải Phòng): “Không nên ép nộp thuế "
Từ khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được ban hành, các DN tự kê khai, tự nộp. Nhưng hiện nay có một số bất cập. Ví dụ, theo biểu mẫu khai thuế TNDN ước tính trong năm, khi cơ quan thuế nhận được tờ khai của DN thì họ thường bắt thuế DN phải tương xứng với doanh thu. Mà DN hiểu là thuế TNDN chỉ được tính sau khi DN có lợi nhuận và số thuế phải nộp bằng lợi nhuận trước thuế nhân với thuế suất. Nếu cơ quan thuế cứ ép chúng tôi phải ước nộp theo tỷ lệ doanh thu thì không hợp lý vì hiện nay, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào lớn dẫn đến lợi nhuận thấp. Ví dụ như DN vận tải chúng tôi, do giá xăng, dầu tăng tới 36%, lãi suất ngân hàng tăng trong khi cước vận tải không được tăng, nếu cơ quan thuế cứ ép như thế thì DN lỗ vẫn cứ phải nộp.
Ông Trần Vĩnh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giao nhận và vận tải quốc tế Hải Khánh: "Quyết toán thuế không thể kéo dài 3-4 năm"
Theo điều 15 của Luật Thuế giá trị gia tăng, các cơ sở kinh doanh thực hiện việc quyết toán thuế hằng năm với cơ quan thuế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm nhưng hiện nay, cơ quan thuế không tổ chức kiểm tra và quyết toán thuế ngay trong năm sau mà thường tổ chức vào năm thứ 3, thứ 4, thậm chí vào năm thứ 5... nên gây rất nhiều khó khăn cho DN. Chúng tôi phải dành diện tích từ 30-50m2 để bảo quản và lưu trữ chứng từ chờ phục vụ cơ quan thuế đến kiểm tra, quyết toán. Trong khi đó, có những biến động về nhân sự, tổ chức, thay đổi cán bộ kế toán... dễ bị thất lạc chứng từ hoặc báo cáo thuyết minh không đầy đủ cho nên khi làm việc với cơ quan thuế dễ nảy sinh hạch sách. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan thuế nhất thiết phải kiểm tra, quyết toán theo đúng luật quy định, không để quá thời hạn đến 1-2 năm.
Ông Trần Phước Tuấn, Giám đốc Công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Đà Nẵng): "DN gặp khó khăn do trượt giá"
Hiện nay, các DN xây dựng đang rất khó khăn về tình trạng trượt giá. Trong quá trình thực hiện các hợp đồng xây dựng, xây lắp..., do nhiều lý do khách quan như giải tỏa, đền bù chậm, điều chỉnh thiết kế... nên nhiều công trình phải kéo dài 2-3 năm. Cho đến khi hoàn thành công trình thì nhiều chủng loại vật tư, thiết bị có sự trượt giá rất lớn, nhất là thép, vật tư điện, cấp nước... từ cuối năm 2003 đến nay thường trượt giá đến 30-50%. Trong khi đó, các hợp đồng thi công, xây lắp được ký kết với các chủ đầu tư lại là các hợp đồng trọn gói, không được điều chỉnh giá nên DN bị nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, hiện nay Nhà nước đang áp dụng đơn giá vật tư xây dựng cơ bản quá thấp về định mức vật liệu lẫn nhân công và máy thi công, không phù hợp với đơn giá thực tế trên thị trường. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi.
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ: "Nên có chính sách giải phóng mặt bằng tích cực"
DN rất nan giải khi phải tự thương lượng với dân để giải phóng mặt bằng mở rộng cơ sở kinh doanh, sản xuất nếu có yêu cầu diện tích lớn mà trên đó đã có nhiều hộ dân đang sử dụng. Nhà nước chỉ can thiệp mạnh với các công trình phúc lợi công cộng, cơ quan hành chính, sự nghiệp. Nếu DN bức xúc tự làm thì mức thỏa thuận với các hộ dân sẽ vô cùng, phá vỡ mặt bằng bồi hoàn. Đề nghị Chính phủ và các cơ quan Nhà nước sớm có chính sách giải phóng mặt bằng tích cực theo tinh thần "đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý". Nhà nước cần khắc phục tình trạng quy hoạch treo hiện nay trong khi nhà đầu tư không có mặt bằng thích hợp để đầu tư vì hiện trạng các khu công nghiệp cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của DN...
Ông Nguyễn Đăng Cường - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam: "Cần xem việc sản xuất nguyên liệu là chiến lược quốc gia"
Nhà nước đã có chiến lược sản xuất nguyên liệu nhựa giai đoạn 2001-2010 nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Vì vậy, Chính phủ phải xem đây là một bộ phận của chiến lược quốc gia về nguyên liệu nói chung và cần phải có sự đầu tư của Nhà nước bên cạnh kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Ngay bây giờ phải có dự án cụ thể cho từng hạng mục, từng nhà máy mà không đợi đến khi có sản phẩm hóa dầu mới bắt đầu sản xuất nguyên liệu. Có như vậy mới kịp đạt được mục tiêu đến năm 2010 đáp ứng được 20-30% nhu cầu nguyên liệu cho ngành nhựa. Bên cạnh đó, Chính phủ nên có những cơ chế chính sách khuyến khích về thuế, vốn để khuyến khích DN nhựa đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2006.
Mạnh Quân - M.Phương (ghi)
Bình luận (0)