(TNO) Ngày 20.3, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có buổi họp kín với các doanh nghiệp cá tra liên quan đến việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa tăng thuế cao chót vót đối với mặt hàng này.
Kết thúc cuộc họp, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đi Mỹ cho hay VASEP và các doanh nghiệp liên quan (xuất mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ trong giai đoạn từ 1.8.2010 đến 31.7.2011) đã thống nhất sẽ kiện quyết định của DOC ra Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT).
Chi phí ban đầu thuê luật sư đeo đuổi vụ kiện, theo đại diện doanh nghiệp này: “Tốn khoảng vài trăm ngàn USD. Doanh nghiệp nào vừa rồi có mức thuế thấp sẽ góp nhiều chi phí, còn doanh nghiệp có mức thuế cao đóng thấp hơn”.
Bangladesh không cung cấp dữ liệu
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP, cho hay trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) vừa qua, có tới bốn nước là Indonesia, Philippines, Ấn Độ và Bangladesh được DOC dự tính chọn làm quốc gia thay thế chi phí giá thành cá tra VN.
Trong các nước trên thì Bangladesh có điều kiện tương đồng VN. Những lần POR trước, DOC đều sử dụng số liệu từ Bangladesh.
Tuy nhiên, trong lần này, khi DOC gửi bản câu hỏi thì Bangladesh không trả lời. Điều này, buộc DOC phải chọn Indonesia làm nước thay thế.
|
“Giá nguyên liệu cá tra của Indonesia là 1,73 USD/kg, trong khi ở VN và Bangladesh chừng 1 USD/kg. Đó cũng là lý do để thuế cá tra VN lần này tăng cao chót vót”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông Minh, việc tăng thuế của DOC sẽ không làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Dự kiến trong năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn giữ ở mức 300 triệu USD, ngang bằng với năm 2012.
“Điều may mắn là sản lượng cá tra năm nay giảm 30% so với năm trước nên áp lực dư thừa nguyên liệu hầu như không có mà chỉ có áp lực việc một số doanh nghiệp bị đánh thuế cao”, ông Minh nói.
Thời gian tới đây, tám doanh nghiệp có mức thuế thấp ở Mỹ sẽ không đẩy mạnh bán về số lượng mà coi trọng về chất lượng và giá cả.
Ông Minh phân tích thêm: “Năm vừa rồi VN xuất sang Mỹ khoảng 90.000 tấn cá nhưng năm nay chỉ xuất 70.000 tấn cá thôi nhưng sẽ cố gắng bán với giá cao. Tính ra thì giá trị xuất khẩu của hai năm ngang nhau”.
VASEP đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn nợ cho các doanh nghiệp có mức thuế thấp, từ đó tìm cách chuyển đổi thị trường xuất sang Mỹ.
DOC từng thua kiện
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho hay mức thuế cao chót vót mà DOC công bố trong POR8 khiến doanh nghiệp rất bất ngờ.
Bởi nếu so sánh với POR7, ở lần xem xét sơ bộ, mức thuế mà DOC áp cho cá tra VN là 136% nhưng trước phản ứng của doanh nghiệp VN, DOC phải điều chỉnh mức thuế về bằng 0 trong lần xem xét chính thức.
|
Còn POR8, ở lần xem xét sơ bộ, mức thuế mà doanh nghiệp VN phải chịu bằng 0. Cho nên doanh nghiệp nghĩ rằng không thể nào có mức thuế như DOC vừa công bố được.
“Chưa kể, bảy lần xem xét hành chính trước, Bangladesh cũng không trả lời câu hỏi của DOC nhưng kết quả cuối cùng rất tốt cho doanh nghiệp VN. Lần này Bangladesh cũng không trả lời câu hỏi. Tại sao DOC lại đánh mức thuế cao như vậy?”, ông Hòe đặt hỏi.
Theo ông Hòe, sự việc cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện bởi việc Bangladesh không trả lời câu hỏi chưa phải là lý do chính để DOC đánh thuế cao như vừa qua.
Trong lúc này doanh nghiệp VN không thể kiến nghị DOC thay đổi thuế được mà phải có hành động rõ ràng là tác động đến một cơ quan cao hơn. Cơ quan này chính là CIT.
Tổng thư ký VASEP cho hay đây không phải là lần đầu tiên VN kiện DOC lên CIT mà trước đó đã kiện nhiều lần và có kết quả khả quan.
Đơn cử là vụ kiện tôm ở POR2, khi DOC áp mức thuế 4,27 USD/kg cho các bị đơn còn lại trong khi hai bị đơn bắt buộc có mức thuế bằng 0, doanh nghiệp Việt Nam đã kiện DOC lên CIT.
Sau đó, CIT đã nhận định DOC đưa ra mức thuế không đúng và buộc cơ quan này phải thay đổi mức thuế.
Hay như vụ kiện cá tra trước đây, DOC áp mức thuế khác 0, doanh nghiệp VN cũng kiện lên tòa án về kết quả giá trị thay thế. Sau đó DOC cũng phải thay đổi cách tính thuế.
Nhắc lại hai vụ kiện trên, ông Hòe cho hay khi kiện DOC ra tòa án, doanh nghiệp VN cần có đủ cơ sở pháp lý.
“Hiện nay các luật sư đang nghiên cứu kỹ những lập luận của DOC trong POR8 chứ không thể kiện khơi khơi được”, ông Hòe nói.
Khai thác phân khúc giá cao
Tám doanh nghiệp có mức thuế thấp có khả năng thay thế ở thị trường Mỹ hay không? Ông Trương Đình Hòe cho hay điểm yếu của tám doanh nghiệp là chưa có nhiều mối quan hệ thân thiết với các đối tác nhập khẩu bên Mỹ.
Tuy nhiên trong trường hợp ở Mỹ thiếu hàng, chắc chắn các nhà nhập khẩu sẽ liên lạc với các doanh nghiệp trên để đề nghị nhập hàng.
Tuy vậy, doanh nghiệp VN cũng như đối tác nhập khẩu phải có thời gian thẩm định về năng lực của nhau trước khi ký kết hợp đồng.
Theo ông Hòe, trong lúc này thay vì xuất khẩu chạy theo số lượng như trước đây, các doanh nghiệp nên ngồi lại để thống nhất khai thác ở phân khúc giá cao.
Việc hướng theo phân khúc giá cao này có cái hay là sẽ khống chế số lượng hàng cá tra không tăng đột biến để Mỹ không có cơ hội nói cá tra VN gây thiệt hại cho Mỹ.
Ngoài ra, nếu giá xuất khẩu cá tra tăng cao sẽ mang lại lợi thế cho các kỳ xem xét hành chính tiếp theo.
Chưa kể khi đã xác lập được mặt bằng giá cao ở thị trường Mỹ sẽ tránh hiện tượng doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh lộn xộn như trước đây.
Khi phán quyết của DOC được đăng lên Công báo Liên bang Mỹ (dự kiến tuần này), hải quan Mỹ sẽ dựa vào đó để tiến hành tăng các khoản thuế. Theo đó các lô hàng của doanh nghiệp VN phải đóng khoản thuế tương ứng với phán quyết, đồng thời đóng thêm khoản tiền “ký quỹ” đề phòng sau này thuế sẽ tăng cao. VASEP cho hay sau phán quyết của DOC, doanh nghiệp VN có thời hạn 35 ngày để khiếu nại lên tòa án. Nếu không nộp đơn kiện trước thời điểm này, doanh nghiệp phải đóng thuế. Còn nếu nộp đơn và được tòa thụ lý, các khoản thuế đó sẽ được lùi lại đến khi nào vụ việc sáng tỏ. “Việc kiện quyết định của DOC lên CIT là điều chắc chắn phải làm. Bởi nếu không kiện doanh nghiệp cũng không biết lấy đâu ra tiền để đóng”, ông Trương Đình Hòe nói. |
Trung Hiếu
>> Xuất khẩu cá tra bế tắc
>> VASEP phản đối mức thuế cá tra của Mỹ
>> Mỹ chọn Indonesia để tính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam
>> Mỹ phán quyết tăng thuế với cá tra Việt Nam
>> Đề nghị tăng thời hạn cho vay vốn nuôi cá tra
>> Khó tiếp cận vốn “giải cứu” cá tra
>> Thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam
>> Đơn hàng mua cá tra từ EU đang tăng lên
Bình luận (0)