Chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng
Mặc dù trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị “vừa sản xuất vừa chống dịch” đã giúp cho Bình Dương đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tình hình dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo, giữ vững. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết trong 9 tháng của năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020; Kim ngạch xuất khẩu tăng 26,7%, nhập khẩu tăng 34%; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 25% so với cùng kỳ; Thu ngân sách đạt 47.900 tỉ đồng, tăng 10% và đạt 82% dự toán được giao.
DN sản xuất “3 tại chỗ” ở Bình Dương |
Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG |
Theo ông Minh việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong 3 tháng còn lại của năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, hiệu quả và thời gian khống chế dịch bệnh sẽ quyết định đến sự ổn định lao động, quá trình phục hồi hoạt động của doanh nghiệp và đưa địa phương vào trạng thái “bình thường mới” giai đoạn sau giãn cách. Bình Dương sẽ từng bước mở lại hoạt động kinh tế theo nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”; tiếp tục quan tâm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông…
Không để đứt gãy nguồn nguyên liệu
Trao đổi với PV, doanh nhân Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB, chủ đầu tư KCN KSB) cho biết trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đã nỗ lực duy trì sản xuất theo tinh thần vừa đảm bảo an toàn cho người lao động tham gia sản xuất vừa hỗ trợ tối đa cung cấp hàng hóa cho đối tác khách hàng. Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong thời điểm căng thẳng của dịch bệnh, KSB đã triển khai nhiều kế hoạch và kịch bản phòng ngừa, đảm bảo duy trì sự ổn định trong sản xuất, cung cấp hàng hóa cho thị trường từ những ngày đầu tiên áp dụng các biện pháp giãn cách phòng chống dịch Covid-19. “Nhờ chủ động thực hiện công tác dự báo ngay từ đầu, nên nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ cho sản xuất tại công ty không bị đứt gãy, công tác điều phối và vận hành liên tục được theo dõi sát sao để linh hoạt thay đổi khi có biến động. Nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất xuyên suốt, chúng tôi cũng đã hỗ trợ các đối tác khách hàng cùng ổn định chiến lược sản xuất kinh doanh trong thời điểm khó khăn này”, ông Đạt nói.
Bên cạnh đó, các kịch bản ứng phó, phương án phòng chống dịch cũng được Ban chỉ đạo phòng chống dịch KSB xây dựng rất chặt chẽ, luôn cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình dịch bệnh cũng như hướng dẫn của cơ quan y tế và chính quyền địa phương. Với quyết tâm bảo đảm sức khỏe cho công nhân và người lao động, đồng thời duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, KSB đã tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân, người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Các doanh nghiệp “3 tại chỗ” ở Bình Dương duy trì sản xuất từ 30-50% công suất |
Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG |
Nỗ lực khôi phục sản xuất
Theo ông Phan Tấn Đạt, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường, với tinh thần luôn sẵn sàng quay trở lại hoạt động bình thường bất cứ lúc nào, Ban lãnh đạo KSB đã bám sát các chỉ thị, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, xây dựng các kịch bản, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp nhất khi được chính quyền địa phương cho phép hoạt động trở lại. Một là: tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống dịch bệnh như: các biện pháp 5K, bố trí lực lượng sản xuất hợp lý ở các khâu công việc, tránh việc tập trung đông người. Hai là: liên hệ cơ quan chức năng để đăng ký, tổ chức tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động của công ty, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, ổn định tư tưởng người lao động, yên tâm trở lại tham gia sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2021 được giao. Ba là: Rà soát đối tác, khách hàng bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ như: giảm giá, giãn nợ, chiết khấu… Bốn là: tiếp tục công tác thiện nguyện chung tay cùng các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để sớm đưa Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới.
Doanh nghiệp có thị trường trong tỉnh sẽ phục hồi nhanh
Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, trong thời gian tới những doanh nghiệp chỉ hoạt động trên địa bàn Bình Dương và có chuỗi cung ứng nằm hoàn toàn trong tỉnh thì họ có thể hoạt động trở lại. Nếu thị trường của họ cũng chỉ nằm trong tỉnh thì họ sẽ phục hồi nhanh, kịp phục vụ Tết Nguyên đán, tuy nhiên số doanh nghiệp này rất ít. Với những doanh nghiệp có thị trường là cả khu vực hay cả nước và làm xuất khẩu thì việc cung ứng cũng như kinh doanh của họ sẽ lệ thuộc vào nhiều yếu tố, mà trước nhất là sự mở cửa của các tỉnh trong cùng khu vực, nhất là TP.HCM. “Nếu không có sự đồng bộ giữa các địa phương trong việc mở cửa thì các doanh nghiệp khó có thể phục hồi nhanh. Số này chúng tôi đánh giá là nhiều hơn”, ông Tín nói.
Bình luận (0)