Doanh nghiệp gas bắt tay làm giá

04/02/2012 08:15 GMT+7

Giá gas đang tiếp nối cảnh “loạn giá” khi các doanh nghiệp (DN) đầu mối và đại lý ấn định giá nào thì người tiêu dùng chỉ biết đến giá đó.

>> Nhiều doanh nghiệp tùy tiện tăng giá gas
>> Tự tiện tăng giá gas
>> Tước giấy phép kinh doanh các công ty gas tự tiện tăng giá

Nhìn nhau tăng giá

Không nằm trong mặt hàng bình ổn giá, cũng không bị quản lý chặt chẽ như giá xăng dầu (gas chỉ phải đăng ký giá), các DN đầu mối kinh doanh gas mặc sức cùng nhau tăng giá. Phải giải thích lý do và gửi thông báo mỗi khi tăng, giảm giá theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính, nhưng liên tục trong 2 năm qua, nhiều đầu mối kinh doanh gas lớn, nhỏ “nhờn” thuốc không đăng ký hoặc đăng ký muộn, đăng ký theo kiểu cho có, chấp nhận bị xử lý hành chính. Đại diện Cục Quản lý giá (QLG) Bộ Tài chính cho biết, Bộ chỉ kiểm soát giá gas thông qua đăng ký giá của DN. Tính tới chiều 2.2, tức là sau 2 ngày tăng giá, cũng chỉ mới có Saigon Petro thực hiện đúng nghĩa vụ gửi đăng ký giá tới Cục QLG với mức tính toán mỗi kg gas tăng 3.500 đồng do giá gas thế giới tăng 13%. Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết, chỉ có một vài DN kinh doanh gas trên địa bàn gửi đăng ký giá về Sở.

Có dấu hiệu bắt tay nhau tăng giá, vi phạm luật Cạnh tranh hay không sẽ phải dựa trên kết quả phân tích, đánh giá cụ thể. Về mặt lý thuyết, nếu hành vi lặp đi lặp lại có thể sẽ có vấn đề, nên Cục đang tiếp cận điều tra, đưa vấn đề này vào “tầm ngắm
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh

Trên thực tế, dù hoạt động kinh doanh gas đã bị siết lại bằng Nghị định 107/NĐ-CP nhưng chỉ mới loại bỏ các DN kinh doanh gas nhỏ lẻ không đủ điều kiện, mà không có tác dụng nhiều với tình trạng tùy tiện tăng giá gas. Cũng như mặt hàng sữa, vì lý do bí mật kinh doanh, khung bảng tính giá gas này chưa bao giờ được công khai để người tiêu dùng được biết chi phí, giá thành thực tế của DN và mức hoa hồng cho đại lý hay lợi nhuận mà DN đang hưởng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas VN, phủ nhận việc tăng giá gas bất hợp lý. Lý giải việc tại sao các DN đồng loạt tăng giá cùng thời điểm với mức tăng xấp xỉ nhau, ông Thắng cho rằng hiệp hội đã đưa ra khung chung cho từng vùng (gồm giá tính toán với toàn bộ chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân viên...), mức tăng mới nhất của các DN từ ngày 1.2 (bình quân 42.000 đồng/bình 12 kg) đã được tính toán dựa trên khung này.

Tuy nhiên, việc liên tục chọn tăng giá cùng thời điểm đã ít nhiều cho thấy việc DN nhìn nhau tăng giá. Cụ thể, tháng 12.2011, với lý do giá thế giới tăng thêm 15 USD/tấn, các DN gas lớn đã điều chỉnh giá gas tăng thêm 5.000 đồng/bình 12 kg. Trong tháng 1.2012 các DN tiếp tục tăng giá gas 2 lần tổng cộng 32.000 đồng, và đầu tháng 2.2012, các DN gas lớn một lần nữa cùng ca bài tăng giá với mức tăng 42.000 đồng/bình 12 kg.

 
Giá gas tăng quá cao gây áp lực lớn lên túi tiền eo hẹp của người tiêu dùng - Ảnh: Ngọc Thắng

Hiện tượng lặp lại nhiều lần

Nguồn gas nhập về của các đầu mối gas hiện nay khác nhau, ngoài lượng gas trong nước sản xuất được, có công ty nhập từ Trung Quốc, Malaysia, có công ty nhập gas từ các nước Ả Rập... với mức giá không hề thống nhất. Đây là lý do mà theo một công ty kinh doanh gas, nếu giá gas tăng hoặc giảm theo giá thế giới, các công ty gas sẽ có sự điều chỉnh giá bán khác nhau, không thể công bố cùng một mức tăng/giảm giá trong cùng thời điểm. Nhưng theo chia sẻ, các DN gas nhỏ trên thị trường luôn phải nhìn ngó các động thái của “ông lớn”, dẫn tới một khi DN lớn tăng giá thì DN nhỏ cũng phải tăng theo. Cuối năm 2010, Công ty PV South Gas đã từng bị các DN gas khác phản ứng mạnh khi đi ngược dòng, giảm giá gas. Điều này cho thấy, dù vẫn được xem là cạnh tranh do có nhiều DN hoạt động, nhưng giữa các DN vẫn có sự “thống nhất” ngầm khi tăng, giảm giá bán.

Một chuyên gia của Bộ Công thương cho biết, gas là một trong số các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát bởi Bộ Tài chính, phải đăng ký giá. Về lý thuyết, những hiện tượng lặp lại nhiều lần (cùng tăng/giảm giá bán - PV) có thể cho thấy chuyện bắt tay tăng giá. Nhưng để kết luận có phải hành vi vi phạm luật Cạnh tranh hay không, Cục Quản lý cạnh tranh phải thu nhập chứng cứ, điều tra.

Tuy nhiên, theo ông này, “do luật Cạnh tranh chưa có quy định nào về việc hễ hành vi tăng giá lặp đi lặp lại nhiều lần cùng vào thời điểm của các DN sẽ có chế tài xử lý. Phải đề xuất để có biện pháp hoặc chế tài để ngăn cản hành vi này”.

Còn theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Cục đang thu nhập số liệu, xem xét, đánh giá thực trạng tăng giá gas thời gian vừa qua của các DN. “Có dấu hiệu bắt tay nhau tăng giá, vi phạm luật Cạnh tranh hay không sẽ phải dựa trên kết quả phân tích, đánh giá cụ thể. Về mặt lý thuyết, nếu hành vi lặp đi lặp lại có thể sẽ có vấn đề, nên Cục đang tiếp cận điều tra, đưa vấn đề này vào “tầm ngắm”, ông Mừng khẳng định.

Chiều đại lý, ép người tiêu dùng

Mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ quá cao là một trong các yếu tố đẩy giá gas lên cao ngất ngưởng.

Phó giám đốc kinh doanh một công ty gas tại TP.HCM ước tính mức lãi gộp các đại lý bán lẻ được hưởng hiện nay từ 40.000 - 50.000 đồng/bình 12 kg, có DN cho hưởng đến 60.000 đồng/bình 12 kg. Ông Đỗ Trung Thành - Phó phòng Kinh doanh gas Saigon Petro - cho biết: “Trước đây mức lãi gộp của đại lý bán lẻ chỉ khoảng 30.000 đồng/bình 12 kg. Từ giữa năm 2011, các DN gas cạnh tranh nhau giữ đại lý nên tăng mức lãi”.

Đại diện một công ty gas cho biết do TP.HCM hiện không cấp phép mở đại lý, cửa hàng bán lẻ gas mới nên các đại lý bán lẻ gas gây áp lực đòi tăng quyền lợi. Phó giám đốc một công ty gas nói: “Nếu tôi thấy đại lý bán lẻ này đòi chiết khấu cao quá nên không bán gas thì lập tức cho ông đầu mối khác nhảy vào bán cho họ, thành ra tôi bị mất mối, mất thị trường”.

Ông Nguyễn Mộng Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) TP.HCM, cho biết: “Cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra các yếu tố hình thành giá gas có hợp lý chưa? Không để công ty gas o bế đại lý dẫn đến thỏa thuận ngầm trong kinh doanh. Nhà nước cũng cần quy định mức trần để các công ty đưa chiết khấu cho địa lý bán lẻ”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN - nhận định: “Cách cạnh tranh của các công ty gas trong việc giành giật, lôi kéo đại lý bán lẻ bằng cách chiết khấu cao cho họ là kiểu cạnh tranh đánh vào NTD, đưa NTD vào thế không có sự lựa chọn, giá nào cũng phải mua. Nhà nước cần xem lại chính sách, cần chế tài hình thức chiết khấu quá cao cho đại lý khiến giá thành bị đẩy lên cao, gây thiệt hại cho NTD. Theo tôi, cần triệt tiêu kiểu cạnh tranh này”. 

Hoàng Việt

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.