Doanh nghiệp gỗ tiến thoái lưỡng nan

04/10/2011 15:24 GMT+7

Trong bối cảnh các nền kinh tế Mỹ, châu u, Nhật Bản đều chưa khởi sắc, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Theo ông Đặng Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), doanh nghiệp (DN) trong nước phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu gỗ, giá nguyên liệu này luôn tăng, DN càng sản xuất càng lỗ, nhưng không sản xuất thì còn lỗ nhiều hơn, nên vẫn phải cố gắng sản xuất để giảm lỗ. Theo các tính toán, nếu sản xuất thì DN lỗ khoảng 20% định phí (các loại phí cố định, như lương công nhân, khấu hao máy móc, nhà xưởng…), nếu không sản xuất thì mất trắng, có thế dẫn đến đóng cửa nhà máy, máy móc thành phế liệu. Về việc này, ông Điền Quang Hiệp - Giám đốc Công ty Mifaco -  cho biết có DN lỗ, có DN lãi ít đi. Doanh số có tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại giảm, do chi phí sản xuất tăng… Nhìn chung, DN phải đối mặt với khả năng lỗ là vô cùng lớn, khó khăn vô vàn.

Bà Bùi Thị Thanh An, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện tại TP.HCM - Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, cho biết: “Trong 7 tháng đầu năm, lượng hàng tồn kho của các DN chế biến gỗ, mỹ nghệ lên tới 70%, do khi ký hợp đồng giá thấp nhưng chi phí sản xuất cao”. Éo le nhất là tại Hội chợ Expo 2011 sắp tới, DN không dám ký hợp đồng với đối tác, vì càng sản xuất thì càng lỗ. Theo ông Hùng, DN rất hoang mang, tiến thoái lưỡng nan trong bối cảnh hiện nay.

Bà Thanh An cho biết kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ và mỹ nghệ trong 8 tháng đầu năm 2011 đạt 2,4 tỉ USD, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu là 4 tỉ USD trong năm nay. Tuy nhiên, do thị trường Mỹ chiếm tới 44%, châu u chiếm 29% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và mỹ nghệ của VN nhưng cả 2 thị trường này đều đang rất khó khăn. Mỹ, châu u kinh tế vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường khác như Nhật cũng chưa khởi sắc nên rủi ro cao. Đó là lý do nhiều DN tỏ ra nghi ngờ mục tiêu 4 tỉ USD. Ông Hiệp nhận định, trước những khó khăn hiện nay chúng ta rất khó đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ USD đề ra. Cao lắm là đạt khoảng 3,8 tỉ USD.

Trong khi thị trường truyền thống “ngủ đông”, thị trường mới lại chưa được khai thác hiệu quả, khó khăn của ngành xuất khẩu gỗ là rất lớn. Theo ông Hùng, Trung Quốc hiện trở thành thị trường xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ lớn thứ 2 của nước ta. Tiềm năng thị trường này rất lớn và cũng là cơ hội lớn cho DN ngành gỗ, mỹ nghệ. Tuy nhiên, thâm nhập thị trường này cũng không hề đơn giản. Ông Điền Quang Hiệp cho biết kế hoạch mở phòng trưng bày giới thiệu đồ gỗ, mỹ nghệ của VN tại Trung Quốc dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 10 đang gặp một số khó khăn phát sinh nên chậm lại, vẫn chưa biết ngày nào chính thức hoạt động. Thị trường nội địa được coi là “phao cứu sinh” của nhiều ngành khi xuất khẩu gặp khó khăn nhưng với ngành gỗ, cũng khó khai thác được.

Theo lãnh đạo các DN, ngành chế biến gỗ, mỹ nghệ hiện nay trong tâm lý cầm cự, chờ khó khăn qua đi chứ tại thời điểm này, có hợp đồng cũng lỗ, không có hợp đồng thì nguy cơ phá sản là khó tránh.

Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.