Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chuyển mình cùng ông lớn Hàn Quốc

28/11/2024 11:30 GMT+7

Từ những doanh nghiệp sản xuất 2.0, nhiều doanh nghiệp Việt đã lột xác, chuyển đổi sang nhà máy thông minh. Câu chuyện thành công của doanh nghiệp Việt đã được đăng tải trên Maeil Business Newspaper, báo kinh tế hàng đầu Hàn Quốc.

Thăng Long và Bình Minh TMC là 2 doanh nghiệp Việt được Maeil Business Newspaper trực tiếp thăm, tìm hiểu và kể lại câu chuyện thay đổi vào đầu tháng 11.2024.

Theo đó, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bao bì Thăng Long là một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì đặt tại tỉnh Bắc Ninh với doanh thu hàng năm trên 550 tỉ đồng (khoản 30 tỉ won). Trước đây, tất cả các quy trình, từ vận hành máy in, sản xuất in ấn, quản lý kho, bảo trì thiết bị đều phụ thuộc vào phương pháp thủ công. Toàn bộ các thông tin thu thập được từ các khâu sản xuất đều được ghi tay rồi nhập vào Excel để lưu trữ. Trong khi đó máy in thường hỏng đột ngột gây ra nhiều trở ngại.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chuyển mình cùng ông lớn Hàn Quốc

Bà Đỗ Thị Phương Liên, Phó tổng giám đốc Công ty Thăng Long chia sẻ cùng chuyên gia tư vấn của Samsung cạnh máy in trong xưởng sản xuất

Các quy trình của Thăng Long đã cho thấy giới hạn trong việc nâng cao năng suất và kiểm soát chất lượng. Điều này cũng trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững của công ty.

Samsung đã vào cuộc hỗ trợ xây dựng hệ thống sản xuất thông minh cho Thăng Long. Một hệ thống thu thập, phân tích và quản lý dữ liệu về năng suất sản xuất, tình trạng thiết bị và dòng chảy sản phẩm theo thời gian thực đã được thiết lập. Mọi thiết bị tại các công đoạn đều được trang bị cảm biến hiện đại, qua đó tạo thuận lợi trong việc thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Công nghệ tự động hóa cũng được áp dụng vào quản lý chất lượng máy in - tài sản cốt lõi của các công ty in ấn. Bên cạnh đó, một hệ thống giám sát trạng thái thiết bị theo thời gian thực, cảnh báo phát ra khi vượt quá giới hạn cho phép cũng đã được thiết lập, qua đó giúp kiểm tra và phòng ngừa hỏng hóc trước khi phát sinh.

Nhờ những hỗ trợ đó, Thăng Long đã cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng và tăng cường quản lý ESG (Môi trường, Trách nhiệm xã hội và Quản trị minh bạch). Các thiết bị sẽ tự động tắt nguồn khi không hoạt động, tối ưu hóa việc vận hành máy sấy in, giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng. Quy trình sản xuất cũng được tái cấu trúc để phù hợp với luồng công việc, từ đó nâng cao hiệu suất tổng thể.

Chia sẻ với Maeil Business Newspaper, bà Đỗ Thị Phương Liên, Phó tổng giám đốc công ty Thăng Long cho biết "Nhờ sự hỗ trợ của Samsung mà nhà máy của chúng tôi đã tái sinh thành một nhà máy thông minh hoàn toàn khác biệt so với trước đây, điều này chẳng khác gì như một lần khởi nghiệp thứ hai".

Công ty TNHH Bình Minh TMC - một doanh nghiệp chuyên gia công cơ khí chính xác(CNC) cũng là doanh nghiệp gây ấn tượng mạnh mẽ với Maeil Business Newspaper.

Maeil Business Newspaper mô tả, từ một không gian chỉ khoảng 150m² vào năm 2008, Bình Minh TMC đã phát triển thành một doanh nghiệp với quy mô 10.000m² với tổng 320 nhân viên. Dự án nhà máy thông minh của Samsung đã mang đến cho công ty những bước ngoặt quan trọng.

Các quy trình ghi chép và quản lý thủ công lặp đi lặp lại hàng ngày nay đã được số hóa hoàn toàn. Toàn bộ thông tin sản xuất đều có thể kiểm tra theo thời gian thực, giúp giải quyết vấn đề ngay lập tức. Samsung đã áp dụng hệ thống điều hành sản xuất (MES) tại Bình Minh TMC. Đây là công cụ quản lý nhằm tối ưu hóa các hoạt động sản xuất trong nhà máy. Hệ thống MES giúp theo dõi tiến độ sản xuất theo thời gian thực, điều chỉnh kế hoạch và tình hình thực tế để vận hành nhà máy hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chuyển mình cùng ông lớn Hàn Quốc- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Bình Minh TMC đang trao đổi cùng nhân viên vận hành về máy gia công chính xác

Nhờ sự hỗ trợ của Samsung, tỷ lệ hoạt động của thiết bị đã tăng đáng kể. Công ty dự kiến doanh thu năm nay sẽ tăng hơn 30% so với năm trước. Hiện tại, công ty đang tiến hành thử nghiệm chuyển đổi một số dây chuyền sản xuất thành dây chuyền thông minh và có kế hoạch mở rộng áp dụng ra toàn nhà máy.

Trao đổi với phóng viên Maeil Business Newspaper, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Việc đổi mới quy trình sản xuất trong thời gian ngắn đã giúp chúng tôi tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Dự án này mở ra cơ hội để công ty vươn lên một tầm cao mới, trở thành doanh nghiệp sản xuất linh kiện chính xác chất lượng cao".

Được biết, dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh của Samsung tại Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ năm 2022. Đến nay dự án đã tư vấn cho 72 doanh nghiệp Việt Nam; đào tạo 123 chuyên gia tư vấn.

"Hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương không chỉ tạo ảnh hưởng tích cực đến hệ sinh thái hợp tác của Samsung mà còn có là một hoạt động cống hiến xã hội có ý nghĩa của chúng tôi. Đây cũng là một trong số các hoạt động trách nhiệm xã hội của Samsung đang triển khai trên hành trình nỗ lực trở thành một doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam" - ông Kim Tea Hoon, Phó tổng giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.