Doanh nghiệp nô nức chốt đơn xuất khẩu vải thiều

18/05/2022 07:25 GMT+7

Quả vải thiều ở Bắc Giang trên cây vẫn còn non nhưng đã có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua để xuất khẩu đến Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc... cho thấy loại trái cây này ngày càng được ưa chuộng ở các thị trường khó tính.

Thành công này thúc đẩy doanh nghiệp và nông dân sớm bắt tay từ đầu vụ để cùng chuẩn bị cho một mùa vải hứa hẹn bội thu.

Giá cao hơn năm 2021

Mùa vụ xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều ở H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, năm nay mở màn rất sớm từ khoảng giữa tháng 4, khi Công ty CP miền đất nông nghiệp Việt - Pháp (TP.HCM) liên tục ký thỏa thuận hợp tác và cung ứng vải thiều tại các huyện Tân Yên và Lục Ngạn để xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU). Theo hợp đồng đã ký, doanh nghiệp này cam kết thu mua khoảng 200 tấn bao gồm vải thiều chín sớm và vải thiều chính vụ ở các nhà vườn được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGap. Dự kiến ngày 25.5, doanh nghiệp sẽ có lô vải chín sớm đầu tiên ở H.Tân Yên được làm thủ tục xuất khẩu đi các nước châu Âu.

Quả vải thiều vẫn còn non nhưng đã có nhiều doanh nghiệp đến Bắc Giang chốt hợp đồng mua hàng xuất khẩu

P.Hậu

Nằm trong số nhà vườn ký hợp đồng bán vải cho Việt - Pháp, ông Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hải, cho biết giá vải được doanh nghiệp cam kết thu mua 35.000 đồng/kg, cao hơn mùa vụ năm 2021. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cử cán bộ giám sát, tư vấn và hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý, đúng chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. “Có hợp đồng tiêu thụ và tư vấn kỹ thuật từ doanh nghiệp, các nhà vườn đều yên tâm, tập trung đầu tư chăm sóc để quả vải thiều đạt chất lượng cao nhất”, ông Liên nói.

Ngoài Việt - Pháp, Công ty CP xuất nhập khẩu Toàn Cầu - doanh nghiệp duy nhất tại Bắc Giang có cơ sở được Nhật Bản công nhận đủ điều kiện đóng gói, xử lý vải xuất khẩu vào Nhật Bản, cũng đang tất bật chuẩn bị cho mùa vụ xuất khẩu vải thiều năm nay. Theo bà Đỗ Linh Nhâm, Phó giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, trước mắt đã ký xong hợp đồng thu mua 300 tấn vải thiều xuất khẩu theo đường hàng không đến Úc, Nhật Bản, EU. Doanh nghiệp này đang làm việc cụ thể với đối tác để lên kế hoạch thu mua. Ngoài đường hàng không, số lượng vải thiều xuất khẩu đi theo đường biển hoặc chế biến vải đông lạnh trong mùa vụ năm nay dự kiến tăng lên hàng nghìn tấn so với năm 2021 khi không còn chịu tác động của dịch Covid-19.

UBND H.Lục Ngạn cho biết, tính đến cuối tháng 4, các nhà vườn, hợp tác xã đã ký hợp đồng cung ứng khoảng 1.500 tấn vải thiều cho các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu đi các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc... Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND H.Lục Ngạn, thị trường xuất khẩu vải thiều khởi động rất sớm là điểm mới, tín hiệu tích cực trong mùa vụ năm nay. Qua ghi nhận từ các nhà vườn, giá vải doanh nghiệp cam kết thu mua năm nay ở mức khá cao. Nếu năm 2021, giá vải xuất khẩu đi Nhật Bản, EU từ 20.000 - 25.000 đồng/kg thì năm nay đã lên 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho biết mùa vụ năm 2021 đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về số lượng vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản, EU. Dự báo mùa vụ năm nay, số lượng vải đi EU sẽ tiếp tục gia tăng, khi từ đầu năm đến nay, thông qua các đại sứ quán và tham tán thương mại, Bắc Giang liên tục đón các đoàn doanh nghiệp của Mỹ, Bỉ, Hà Lan đến khảo sát, đánh giá thực tế trước khi thu mua.

Kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Tổng giám đốc Công ty CP miền đất nông nghiệp Việt - Pháp (TP.HCM), cho biết tiềm năng xuất khẩu vải thiều VN đi EU còn rất lớn. Khi ở thời điểm hiện nay, đối tác của Việt - Pháp đã ký hợp đồng thu mua 8.000 tấn vải từ Madagascar, cao gấp hàng chục lần so với 200 tấn nhập từ VN. Bà Hường khẳng định doanh nghiệp ký hợp đồng hợp tác với các nhà vườn ngay từ đầu vụ có lợi cho cả đôi bên. Doanh nghiệp chủ động và kiểm soát được chất lượng của vải thiều để thuận lợi khi xuất khẩu vào EU. Còn ở phía nhà vườn, nông dân được tư vấn, hướng dẫn chuẩn hóa công việc canh tác, chăm sóc cây vải hằng ngày, cụ thể chi tiết từng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có được phép sử dụng hay không và chỉ có như thế thì quả vải mới đáp ứng được các tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe của EU về dư lượng thuốc BVTV, các loại vi chất hóa học khác.

Bà Đỗ Linh Nhâm cũng chia sẻ mùa vụ năm 2021, doanh nghiệp này từng có một lô hàng xuất khẩu vào Nhật Bản vượt ngưỡng tồn dư thuốc BVTV; ngoài thiệt hại kinh tế, còn ảnh hưởng về uy tín, thương hiệu đối với đối tác. Đối với các thị trường khó tính, doanh nghiệp chủ động hợp tác với nông dân từ đầu vụ ràng buộc trách nhiệm giữa các bên cũng như giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV để giảm thiểu thấp nhất rủi ro khi xuất khẩu.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND H.Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi, trước mỗi vụ vải thiều, cơ quan chức năng đều tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong sử dụng thuốc BVTV, phân bón. Nhưng để cụ thể, doanh nghiệp có kinh nghiệm, am hiểu về thị trường mới là người tư vấn, hướng dẫn tốt nhất cho nông dân trong sản xuất để có các sản phẩm phù hợp với từng thị trường khác nhau.

Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, cho hay các vùng trồng vải thiều xuất khẩu đi EU, Mỹ, Nhật Bản… đều được giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV, trong đó khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc sinh học, chế phẩm vi sinh, thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, nông dân phải ghi chép nhật ký canh tác để thực hiện truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, đối với diện tích trồng vải xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Úc, EU… ngoài việc giám sát sản xuất, cán bộ bảo vệ thực vật phải định kỳ lấy mẫu phân tích về dư lượng thuốc BVTV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.