Doanh nghiệp nợ tiền bỏ trốn, mọi sự rối bời

11/03/2012 03:55 GMT+7

Sau nhiều lần hoãn xử, cuối cùng phiên xử phúc thẩm tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Công ty TNHH An Phúc cũng diễn ra. Nhưng sau phiên tòa, mọi chuyện vẫn rối như tơ vò bởi 2 thành viên chủ chốt của doanh nghiệp này đã cao chạy xa bay.

Sau nhiều lần hoãn xử, cuối cùng phiên xử phúc thẩm tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Công ty TNHH An Phúc cũng diễn ra. Nhưng sau phiên tòa, mọi chuyện vẫn rối như tơ vò bởi 2 thành viên chủ chốt của doanh nghiệp này đã cao chạy xa bay.

 
Minh hoạ: DAD

Theo trình bày của các bên tại tòa, ngày 10.12.2008, VCB chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương ký hai hợp đồng cho Công ty An Phúc của vợ chồng Phạm Thị Ái Loan và Hồ Minh Hậu vay tổng cộng 100 tỉ đồng. Bảo đảm cho khoản vay này là 5 tài sản thế chấp, gồm 2 sổ đỏ diện tích 25.785 m2 và 3.060,64 m2; nhà kho 17.052 m2 của Công ty An Phúc tại Bình Dương; số nông sản (tiêu, cà phê) và sổ đỏ đất của ông Trần Hữu Hùng và bà Lê Thị Na tại quận Tây Hồ (Hà Nội).

Gần 1 năm sau (ngày 24.8.2009), ông Nguyễn Minh Tấn và bà Triệu Thị Mỹ Hạnh tiếp tục đưa thêm sổ đỏ 3.012,4 m2 đất tọa lạc tại số 1006 Trường Chinh (P.15, Q.Tân Bình) bảo lãnh cho Công ty An Phúc.

Doanh nghiệp gian dối, ngân hàng... hớ hênh

 

Bác bỏ đề nghị của Viện Kiểm sát

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND tối cao cũng đề nghị hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm về tố tụng và nội dung. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của Công ty An Phúc bỏ trốn, nhưng vẫn còn 4/6 thành viên thành lập công ty mà không cử đại diện tham dự phiên tòa là vi phạm tố tụng. Về tài sản thế chấp, công tố viên phân tích, số hàng nông sản trị giá 44 tỉ đồng, đến nay xử lý như thế nào không hề có thông tin, không đưa vào vụ án; đất của ông Hùng, bà Na bán cho người khác cũng chưa được xem xét là không toàn diện. Quan trọng hơn, cần phải điều tra xem xét kỹ có dấu hiệu lừa dối trong việc ký hợp đồng bảo lãnh thế chấp 3.012,4 m2 đất của ông Tấn để nhằm “rút ruột” tài sản thế chấp trước đó hay không...

Nhưng Hội đồng xét xử cũng không chấp nhận.

Vài ngày sau khi có bảo lãnh của ông Tấn và bà Hạnh, Công ty An Phúc xin mượn lại giấy tờ của 4 trong số 5 tài sản đã thế chấp trước đó (gồm đất, nhà kho, giấy tờ của ông Hùng, bà Na) để đi làm thủ tục chuyển đổi giấy phép kinh doanh. VCB chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương đồng ý và ký vào đơn xóa thế chấp cho An Phúc.

Chỉ chờ có thế, Công ty An Phúc đưa thẳng giấy tờ của 4 tài sản nói trên đến thế chấp tại Ngân hàng liên doanh Việt - Nga, không qua công chứng, và được giải quyết cho vay 128,9 tỉ đồng.

Ngày 13.9.2011, Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Cơ quan thường trực phía Nam, Bộ Công an) có kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng liên doanh Việt - Nga, chi nhánh TP.HCM.

Theo đó, Hồ Minh Hậu và Phạm Thị Ái Loan thành lập và điều hành 3 công ty: TNHH SX-TM-DV-VT Minh Chí (TP.HCM), TNHH An Phúc (Bình Dương), CP xuất nhập khẩu nông thổ sản An Bình Phú (Lâm Đồng).

Tháng 5.2008, Hậu và Loan vay vốn tại Ngân hàng liên doanh Việt - Nga chi nhánh TP.HCM để thu mua nông sản xuất khẩu.

Trong thời gian từ tháng 5.2008 đến tháng 11.2009, ba công ty trên được giải ngân cho vay số tiền trên 1.000 tỉ đồng, trong đó có nhiều khoản được hưởng hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ.

Đến nay, còn dư nợ 171 tỉ đồng đã quá hạn nhưng không còn khả năng thanh toán, vợ chồng Hậu - Loan đã bỏ trốn. Interpol truy nã quốc tế nhưng vẫn chưa có tung tích gì.

Trong khi Bộ Công an khởi tố điều tra vụ án hình sự nói trên thì trước đó VCB chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương cũng khởi kiện Công ty An Phúc ra tòa đòi thanh toán số nợ lên đến hơn 119 tỉ đồng.

Rối bời sau các bản án

Tuy nhiên, diễn biến tại phiên tòa chỉ xoay quanh tranh chấp giữa VCB chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương (nguyên đơn), Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga và ông Tấn (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan). Trong khi đó, bị đơn (Công ty An Phúc) vắng mặt vì người đại diện theo pháp luật đã… bỏ trốn, những thành viên còn lại của công ty bị Hội đồng xét xử từ chối tư cách bị đơn, nhưng khi họ thuê luật sư thì lạ lùng thay luật sư được chấp nhận tham dự phiên tòa.

Ngày 8.6.2011, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm tuyên buộc Công ty An Phúc phải trả số nợ nói trên. Nếu không, VCB chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương có quyền phát mãi 25.785 m2 và 3.060,64 m2 đất; nhà kho 17.052 m2 của Công ty An Phúc và 3.012,4 m2 đất của ông Tấn để thu hồi nợ.

Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, Ngân hàng liên doanh Việt -Nga “kêu” bản án sơ thẩm tuyên như trên là thiệt thòi cho họ và cũng không thể thi hành. Vì mảnh đất ông Tấn đem thế chấp bảo lãnh ở VCB chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương là tài sản hình thành từ vốn Công ty An Phúc vay của họ, liên quan đến vụ án hình sự; những tài sản bị tuyên phát mãi còn lại đang bị cơ quan điều tra kê biên, tạm giữ để đảm bảo thi hành án trong vụ án hình sự nên không thể thi hành trong vụ án dân sự...

Thế nhưng, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định xử y án sơ thẩm.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.