|
Nhiều ưu đãi khủng
Để khuyến khích các DN tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê, dự thảo đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi như: DN được miễn tiền sử dụng đất; được miễn, giảm thuế thu nhập từ hoạt động cho thuê nhà ở; được vay vốn ưu đãi hoặc được bù lãi suất khi vay vốn từ Ngân hàng phát triển Việt Nam, được vay vốn từ các Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tiết kiệm nhà ở (nếu có); được tăng hệ số sử dụng đất lên 1,3 lần so với tiêu chuẩn quy hoạch hiện hành; được sử dụng tầng 1 nhà chung cư để kinh doanh thương mại nhằm giảm giá cho thuê nhà ở…
Sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày bàn giao đưa nhà ở vào sử dụng cho thuê, chủ sở hữu nhà ở thương mại cho thuê được quyền bán nhà ở cho thuê và khi đó những trường hợp được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở cho thuê sẽ chỉ phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo giá quy định cho Nhà nước.
Dự thảo cũng cụ thể hóa quy định về quỹ đất dành cho nhà cho thuê. Với các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên thì ngoài yêu cầu phải dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở, dự thảo còn quy định bắt buộc chủ đầu tư phải dành thêm một diện tích đất nhất định để xây dựng nhà ở cho thuê theo hướng: tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I phải dành thêm tối thiểu 15% tổng diện tích đất xây dựng nhà ở của dự án để xây dựng nhà ở cho thuê; tại đô thị loại II phải dành thêm tối thiểu 10% tổng diện tích đất xây dựng nhà ở của dự án để xây dựng nhà ở cho thuê…Đặc biệt, dự thảo cho phép DN xây nhà ở loại này có thể xây căn hộ nhỏ nhất là 25m2.
Sợ sa lầy như làm nhà thu nhập thấp
Khi được hỏi về chính sách ưu đãi mà Bộ Xây dựng đề xuất cho chủ đầu tư nhà ở cho thuê, nhiều DN từng làm nhà ở thu nhập thấp tỏ vẻ thờ ơ. Cái mà DN lo nhất là sợ chính sách này đề ra nhưng không thực hiện được, nhất là việc cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng phát triển.
Vì thực tế, chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp cũng đề ra như vậy, nhưng gần đến trên 95% các DN đã và đang đầu tư không vay được vốn ưu đãi của ngân hàng này, mà phải đi vay thương mại, lãi suất cao.
Nay thị trường ế ẩm, các DN đều bị sa lầy, không bán được căn hộ, bị đọng vốn lớn, lỗ nặng.
Một doanh nghiệp tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng nhà ở xã hội tính toán: “Với những ưu đãi, nhà cho thuê có phần được nhiều hơn nhà thu nhập thấp ở hệ số sử dụng đất, diện tích căn hộ... nhưng điều quan trọng nhất vẫn là vốn cho DN triển khai.
Hiện, hầu hết các DN tham gia chương trình nhà ở TNT đều phải tự xoay xở vốn vay.
Mỗi căn hộ chung cư nhà TNT ở Hà Nội có giá từ 600 - 900 triệu đồng/căn. Nếu DN xây nhà cho thuê có được miễn giảm thêm thì giá khoảng: 500 – 700 triệu đồng/căn.
Với số tiền này tính theo lãi suất gửi ngân hàng hiện nay thì một tháng DN thu được 5 - 7 triệu đồng/căn. Mà đã là nhà ở xã hội thì giá thuê phải rẻ ở mức: 1 -2 triệu đồng/căn. Tính theo bài toán kinh doanh như vậy thì DN quá thiệt”.
Ông Trần Văn Nguyên - Phó Giám đốc Cty Handico 3 (chủ đầu tư dự án nhà TNT Sài Đồng, Long Biên) cho biết: “Chính sách mới đưa ra DN rất ủng hộ vì đều nhằm mục đích an sinh xã hội cho người có khó khăn về nhà ở.
Nhưng thực tế, DN đầu tư vào nhà TNT hiện đang khó khăn khi bị đọng vốn lên đến hàng trăm tỷ, đầu ra không đảm bảo thì liệu với chính sách mới nhà ở cho thuê có thực sự khuyến khích DN tham gia hay không?
Trong bối cảnh khó khăn thế này, nếu chính sách không được áp dụng một cách linh hoạt thì DN kinh doanh khó mà thu hồi được vốn”.
Theo lãnh đạo của một DN địa ốc đầu tư nhà ở xã hội tại Gia Lâm chia sẻ: “Cái DN lo nhất là những ưu đãi đề ra lấy gì để đảm bảo sẽ thực hiện được, nhất là vấn đề vốn? Nếu cơ quan quản lý không tính toán kỹ, chính sách lại hụt hơi như nhiều chương trình khác. Khi đó thì tôi e không có DN nào chịu đầu tư vào mảng nhà ở cho thuê này”.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)