Doanh nghiệp vẫn khó vì lãi suất

06/02/2012 03:07 GMT+7

Năm nay, dự báo tình hình sẽ còn khó khăn gấp bội phần, khi mà lãi suất - điểm tựa sinh tử của các doanh nghiệp (DN) - vẫn chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều.

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng trong 2012 khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế nằm ở việc có xử lý được thanh khoản của hệ thống  ngân hàng (NH) hay không. Bởi đó là yếu tố tiên quyết “cứu” các DN thoát khỏi tình trạng “sống mòn” trong năm 2011.

Tuy nhiên, “hạn mức” tín dụng năm nay vẫn bị siết lại ở mức 15 - 17%, đồng nghĩa với việc NH hạn chế rót vốn, cho vay. Đáng ngại hơn là việc nhiều NH dù có được cho vay thoải mái thì cũng không dám mạnh tay, khi họ đã trải qua một “cơn ác mộng” nợ xấu trong 2011, mà cho tới nay vẫn chưa thể giải quyết xong, hàng loạt DN rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ.

“Nếu không xử lý được thanh khoản, thì đừng nói đến chuyện hạ lãi suất. Đã không hạ được lãi suất, thì đừng nói đến chuyện DN hết khó khăn, và nền kinh tế khó mà đạt mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra”, ông Nghĩa nói.

TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ví von trong thời gian tới các DN đang phải đối mặt với 2 trạng thái hoặc là “chết dần” hoặc “hy sinh” vì lợi ích của đất nước. Trạng thái chết dần, do các DN đã quá khó khăn, sống dở chết dở nhưng không chấp nhận giải thể, phá sản, cố gắng kéo dài sự sống để tìm kiếm thời cơ, cơ hội. Trạng thái hy sinh, các DN thua lỗ, nợ nần đứng trên bờ vực phá sản, chấp nhận “hy sinh” vì mục tiêu tái cơ cấu của nền kinh tế. “Chúng ta, thà hy sinh vì lợi ích chung, còn hơn kéo dài sự sống mà không mang lại điều gì cho Tổ quốc. Hy sinh để hồi sinh, sống lại một cách mạnh mẽ hơn là lựa chọn đúng đắn”, ông Hưởng nói. Riêng về lãi suất NH, điểm tựa sống còn của các DN, ông Hưởng cho rằng năm nay khó có cơ hội, do tín dụng thu hẹp, và các NH đã quá sợ hãi khi hàng loạt DN làm ăn thua lỗ, để lại cả đống nợ xấu cho NH. “Thanh khoản của LienVietPostBank vẫn rất tốt, chúng tôi có nguồn vốn huy động dồi dào, nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ dám cho vay mạnh tay. Nền kinh tế khó khăn, một NH khỏe mạnh cũng có thể lăn ra chết bất cứ lúc nào. Vì vậy, 2012, chúng tôi sẽ thận trọng trong chính sách cho vay đối với các DN”, ông Hưởng chia sẻ.

Ám ảnh lãi suất

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại quốc tế CDC (Gia Lâm, Hà Nội) - vẫn còn bị ám ảnh nỗi sợ phải đi vay vốn trong 2011, khi mà công ty của ông cần tiền để nhập khẩu đồ nhựa gia dụng từ Hàn Quốc, bỉm trẻ em ở Malaysia, nhưng gõ cửa nhà băng nào cũng bị lắc đầu, có nhà băng gật đầu thì lãi suất lên tới trên 20%/năm. Những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, công ty của ông vẫn đang “nằm im” vì chưa có được hợp đồng, vốn từ NH cũng chẳng hy vọng nhiều với một năm “thắt chặt” và lãi suất cao như hiện tại.

Ông Ngô Thành Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Alibaba (Cầu Giấy, Hà Nội), lo ngại 2012 sẽ lại là một năm đầy rẫy khó khăn của công ty mình khi nhiều dự báo cho thấy lãi suất chưa thể hạ ngay trong quý 1/2012. “Tôi cũng nghe người đứng đầu NHNN tuyên bố lãi suất chưa thể hạ trong quý 1, do khó khăn thanh khoản của hệ thống. Nếu đúng như vậy thì chắc chúng tôi phải sống cầm hơi một thời gian, chứ không mạo hiểm kinh doanh với lãi suất cao chót vót như hiện tại”, ông Phương tâm sự.

Về phía NHNN, cơ quan này cũng thẳng thắn thừa nhận việc giảm lãi suất đại trà ngay trong quý 1 là bất khả thi, thậm chí sang quý 2 cũng còn phải tùy theo tình hình thanh khoản của hệ thống và lạm phát mới có thể quyết định được có giảm hay không. Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, cho biết lạm phát giảm là điều kiện cần nhưng chưa đủ, vì hiện thanh khoản của hệ thống còn nhiều khó khăn, thời gian tới NHNN đưa ra nhiều giải pháp tái cấp vốn, xử lý các NH yếu kém, giải quyết dứt điểm thanh khoản, tạo đà giảm lãi suất cho vay.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.