Năm 2023 chỉ mới trải qua 5 tháng rưỡi nhưng người đứng đầu Phúc Sinh Group đã có 4 tháng ở nước ngoài. Từ châu Âu đến châu Phi, Trung Đông và riêng thị trường Mỹ ông đã có 4 chuyến đi, trong đó có đợt kéo dài hơn 3 tuần. Những chuyến đi để gặp gỡ trực tiếp với khách hàng, ăn bữa cơm để cùng nhau nói chuyện, "bù" cho quãng thời gian gần 3 năm qua kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Để gặp được nhiều khách hàng nhất tại Mỹ, có những ngày ông phải dậy từ 3 giờ sáng, di chuyển ra sân bay để đáp chuyến bay kịp đúng hẹn, trao đổi được một chút và sau đó quay trở lại trong ngày ở một bang khác.
Cũng nhờ đó, ông mới tận mắt thấy nhiều đối tác giảm bớt nhân viên; giá hàng hóa, dịch vụ nhiều nơi đã tăng 40 - 50% so với trước dịch, lượng người vô gia cư cũng nhiều hơn trước dù ở những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới… Từ đó ông mới hiểu được khách hàng cần gì, mong muốn gì cũng như xu hướng tiêu dùng sắp tới của thế giới là như thế nào. Quan trọng nhất, khó khăn, thách thức của đối tác là không của riêng một đơn vị hay ở một quốc gia nào mà đang diễn ra trên toàn cầu. Ông cũng sẽ hiểu được công ty mình cần phải làm gì để có thể tiếp tục vượt qua khó khăn và đi lên.
"Nếu như trước đây đối tác có đơn hàng dành cho 20 doanh nghiệp ở các nước nhưng nay nhu cầu giảm, lượng hàng chỉ còn đủ dành cho 5 đơn vị thì Phúc Sinh cố gắng duy trì có tên trong 5 đơn vị đó. Vì vậy không chỉ tôi phải đi liên tục mà nhân viên trong công ty cũng chia nhau đi hội chợ, gặp gỡ đối tác ở mọi nơi. Hiện Phúc Sinh đã xuất khẩu và bán hàng đến 102 nước nên thường xuyên có những người phải ra nước ngoài là vậy", ông Phan Minh Thông nói.
Những chuyến đi nối tiếp nhau đã mang lại nhiều hợp đồng, khách hàng mới từ nhiều vùng đất xa xôi. Trong lúc khó khăn bủa vây chung nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp nhiều ngành nghề hầu hết bị giảm đơn hàng thì trong 5 tháng đầu năm nay, Phúc Sinh Group vẫn tăng trưởng doanh thu 35% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các sản phẩm chế biến đã chiếm khoảng 60% tổng doanh thu của công ty và mục tiêu sẽ tăng lên đến 80% trong vòng 1 năm tới. Những gói cà phê mang thương hiệu K-Coffee hiện đã được bày bán ở nhiều siêu thị của Mỹ; những lọ sốt tiêu, tiêu sấy lạnh K-Pepper xuất hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng, quán ăn ở các quốc gia châu Âu, Trung Đông…
CEO Phúc Sinh Group chia sẻ: "Gần 22 năm xuất khẩu tiêu, cà phê và đã làm sản phẩm chế biến sâu mang thương hiệu riêng hơn 15 năm, nhưng lần này tôi mới mạnh dạn tham gia cuộc thi chất lượng cà phê thế giới tại Hy Lạp. Chỉ đúng 30 phút để mình tham dự cuộc thi nhằm đưa ra tách cà phê chất lượng, đặc sản của riêng VN là phải đóng phí 550 euro. Nếu không tự tin là sẽ không tham gia. Thị trường hiện nay là không biên giới, rộng lớn vô cùng và có nhiều phân khúc, nhu cầu khác nhau. Đặc biệt nhu cầu cà phê đang tăng nhanh. Chỉ riêng ở các nước Trung Đông, nhu cầu đã tăng gấp 5 lần. Đây chính là cơ hội không những cho Phúc Sinh mà cả ngành cà phê VN tiếp tục phát triển hơn".
Khởi điểm từ một công ty nhỏ chuyên xuất khẩu sản phẩm thô, chỉ sau hơn 3 năm thành lập, Phúc Sinh đã bắt đầu xây dựng nhà máy, chế biến sản phẩm với tên gọi của công ty. Dĩ nhiên trong thời gian đầu sản phẩm của công ty chưa có gì khác biệt nên cũng dễ bị hòa lẫn giữa vô vàn hàng hóa khác. Để có tiền mua máy móc chế biến, xây dựng nhà xưởng, ông Phan Minh Thông quyết định mỗi năm sẽ dành ra khoảng 5% doanh thu để lấy tiền đầu tư. Từ đó, mỗi lần đi tham dự hội chợ, gặp gỡ khách hàng, ông thuyết phục đối tác mua một ít các sản phẩm chế biến của công ty bên cạnh những tấn hồ tiêu hay cà phê thô. Và cứ thế, sản phẩm chế biến của Phúc Sinh dần dần được khách hàng chọn lựa. Cũng như công ty đã làm sản phẩm tiêu sấy lạnh được 5 năm và sốt tiêu được 7 năm với số lượng nhỏ, tới khoảng 2 năm nay mới bán được nhiều hơn, bắt đầu có lãi. Nhưng một khi đã được khách hàng chấp nhận thì số tiền thu được rất nhiều. Cụ thể, 1 tấn tiêu sấy lạnh có giá 18.000 USD, gấp 6 lần hạt tiêu đen truyền thống (3.000 USD/tấn).
Tương tự, Phúc Sinh là công ty VN đầu tiên sản xuất quy mô lớn loại trà cao cấp từ vỏ cà phê arabica (Cascara). Đây là một bước tiến đáng tự hào của đội ngũ R&D của Phúc Sinh, vì sản phẩm mới này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân. Chỉ vỏ cà phê arabica mới làm được Cascara nên sản lượng hằng năm của trà Cascara vẫn còn khá khiêm tốn. Thử so sánh, cà phê Blue Sơn La của Phúc Sinh hiện được bán với giá 358.000 đồng/nửa ký, còn 300 gr Cascara có giá tới 420.000 đồng. Tức là giá trà từ vỏ cà phê đang cao hơn cả cà phê. Vị CEO của Phúc Sinh phân tích: Hiện tại, trà Cascara của Phúc Sinh xuất chủ yếu qua thị trường Ý. Các nước Nam Mỹ đã sản xuất trà Cascara từ lâu, nhưng cũng mới xuất khẩu qua châu Âu từ tháng 2.2022. Starbucks cũng có bán trà Cascara, song chỉ ở thị trường Mỹ. Giống như bưởi ở mỗi vùng thì có màu sắc và hương vị khác nhau, trà Cascara cũng thế, nên không hẳn trà Cascara của Sơn La là đối thủ của trà Cascara đến từ Brazil hoặc Colombia. Theo kế hoạch, nhà máy trà Cascara của công ty sẽ được hoàn thành trong năm nay, mở rộng sản lượng xuất khẩu đi các nơi.
Dù đã thành công ở thị trường quốc tế nhưng vài năm gần đây, khi Phúc Sinh quyết định tham gia bán hàng trực tiếp tại thị trường nội địa với mục tiêu cung cấp sản phẩm tiêu, cà phê, gia vị… cũng gặp muôn vàn khó khăn. Đến nay mảng kinh doanh trong nước chưa có lãi nhưng công ty vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, từ bán hàng trực tiếp đến online cũng như mở chuỗi quán cà phê.
Ông Phan Minh Thông thường xuyên ra nước ngoài để trao đổi và gặp gỡ khách hàng
Ông Phan Minh Thông nhắc lại câu chuyện mà nhiều người đã trăn trở, là tại sao VN cũng nằm trong top 5 về xuất khẩu dệt may, da giày nhưng không có thương hiệu nào được người tiêu dùng nhắc đến? Hay VN xuất khẩu thứ 2 thế giới về cà phê nhưng 80% vẫn chỉ xuất thô? Nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung hoạt động xuất khẩu và đến khi thị trường biến động, đơn hàng lao dốc thì mới quay lại làm hàng cho thị trường nội địa. Làm sao có thể làm được trong một thời gian ngắn? Đã qua rồi cái thời người tiêu dùng thương cảm, mua hàng giùm cho một ai đó. Cũng như nếu Phúc Sinh không làm nhiều năm trước thì sẽ không ai biết K-Coffee hay K-Pepper.
"Đối với ngành nông nghiệp, có càng nhiều nhà máy chế biến thì vào vụ mùa sẽ không lo dư thừa. Bản thân chúng tôi hết vụ mùa vẫn còn hàng để bán mấy tháng sau đó. Không ai cứu được mình ngoài việc tự nỗ lực tìm đường riêng. Chỉ có chế biến sâu mới là "cứu tinh" cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Có thể nói, nhờ tăng cường chế biến sâu xuyên suốt, Phúc Sinh đã gia tăng cao nhất có thể giá trị sản phẩm của mình ở phân khúc mà chúng tôi tham gia, tấn công trực diện vào các thị trường ngách. Vì vậy giá các loại cà phê của Phúc Sinh luôn cao hơn giá trung bình thế giới từ 5 - 10%. Với doanh thu hàng trăm triệu USD/năm, con số chênh lệch này tạo nên khác biệt đáng kể. Hơn nữa, Phúc Sinh cũng sẽ không quá phụ thuộc vào mùa vụ, luôn có hàng để sản xuất và phân phối suốt năm. Bất kể ngành nào, công ty nào dù nhỏ cũng có thể bắt đầu làm được, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, cho công ty. Đừng nói rằng chúng ta không có tiền. Như lúc mới bắt đầu, Phúc Sinh cũng phải lấy tiền từ xuất khẩu nông sản thô để từ từ xây dựng nhà máy; cũng như hiện nay vẫn tiếp tục nuôi mảng tiêu dùng trong nước. Tôi nhớ mãi lúc còn đi học đã được nghe nói: Không từ bỏ là chưa thất bại. Không bắt đầu thì sẽ không có tiếp diễn và không có cái lớn", ông Phan Minh Thông chia sẻ thêm.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước đạt hơn 4 tỉ USD. Theo CEO Phúc Sinh Group, ngoài nhu cầu về loại thức uống này đang tăng cao, giá cà phê từ đầu năm đến nay cũng lên gần gấp đôi năm trước, đạt khoảng 68 triệu đồng/tấn. Ông ước tính cả năm 2023 ngành cà phê có thể mang về 5 - 6 tỉ USD xuất khẩu nhờ giá tăng cao dù sản lượng có giảm. Như vậy bình quân mỗi năm VN có thể khai thác được từ 4 - 5 tỉ USD ở riêng sản phẩm cà phê. Song song đó cũng mang về nhiều tỉ USD khác đối với nhiều nông thủy sản.
Đây là "mỏ vàng" của cả nước. "Nếu như mỏ than, mỏ sắt… khai thác một thời gian sẽ hết và ảnh hưởng đến môi trường thì việc nuôi trồng hằng năm vẫn cứ tạo ra sản lượng đều đều và cứ bán ra là sẽ mang tiền quay về, góp phần phát triển kinh tế. Phúc Sinh hiện chỉ chiếm khoảng 6 - 7% sản lượng cà phê cả nước và với nhu cầu ngày càng tăng, thị trường đa dạng nên tiềm năng vẫn đang rộng mở phía trước", ông Thông lạc quan.
Không chỉ nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng của công ty, tạo ra giá trị cho nông sản Việt, mà với Phúc Sinh, việc kinh doanh là không hạn chế. Công ty này cũng đã trở thành nhà buôn lớn trên thế giới trong ngành trà, cà phê và gia vị. Ông Thông kể 16 năm trước có một khách hàng tại Pháp gọi cho ông vì "đang có một lô nhục đậu khấu cần giải phóng". Sau khi tìm hiểu, ông biết khách hàng này mua của một nhà buôn Bỉ, còn nhà buôn Bỉ lại mua từ một nhà xuất khẩu Madagascar. Sau đó, người mua lô nhục đậu khấu này của Phúc Sinh lại bán qua Ả Rập Xê Út và số hàng nhục đậu khấu đó đã được chở từ Madagascar đến thẳng Ả Rập Xê Út.
"Tôi nghĩ rằng các công ty ở Hà Lan hay Singapore có thể mua và bán hàng khắp thế giới. Người ta làm được thì mình cũng làm được! Cũng như các công ty từ Ấn Độ, Đức, Hà Lan… khi vào VN làm sao để thành công? Họ cần phải làm sáng tạo hơn thì mới có thể đứng vững, vượt mặt các công ty nội địa", ông Thông đặt vấn đề và tự trả lời. Vậy nên hiện tại Phúc Sinh không quá phụ thuộc vào nguồn cung ở VN, vì còn có nguồn ở Indonesia, Brazil. Không quan trọng là mặt hàng gì và nguồn gốc ở đâu, chỉ cần có lời là công ty sẽ mua và bán. Thị trường có nhiều nhu cầu ở các phân khúc khác nhau, công ty chế biến sâu làm ra sản phẩm khác biệt sẽ bán giá cao; trong khi xuất khẩu thô nhóm hàng ở giá thấp đáp ứng cho nhu cầu nhiều người sử dụng sản phẩm này. Kết quả nếu như trước đây mỗi tháng công ty chỉ bán được 400 - 500 container tất cả sản phẩm thì nay chỉ riêng cà phê đã xuất đi hơn 500 container.
Người đứng đầu Phúc Sinh Group đúc kết: VN đã phát triển rất nhiều nhưng bản thân chúng ta tự nghĩ là kém xa nước ngoài. Khi đi ra nước ngoài, người Việt quá hiền và thậm chí còn mang chút tự ti. Vì vậy cần có khát vọng mạnh mẽ hơn, tư duy rộng mở, sáng tạo và tự tin. Việc đi ra thế giới, quan sát thị trường là một cách để thấy nếu khách hàng thiếu sản phẩm chế biến thì mình làm hàng chế biến; hay thị trường thiếu nguồn hàng thì mình đi mua ở Indonesia, Brazil để bán lại cho họ…
"Sau đại dịch Covid-19, ai cũng biết thực phẩm quan trọng đến mức nào. VN an bình vì sản xuất được nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm. Chúng ta có hàng trăm "mỏ vàng" nhưng chưa được khai thác. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp này khó khăn nhưng không có nghĩa mọi doanh nghiệp đều đóng cửa mà sẽ có đơn vị khác thay thế. Thế hệ trẻ cần dũng cảm, tự tin và đi ra nước ngoài nhiều hơn nữa để kinh doanh buôn bán. Chúng ta không chỉ mang hàng hóa VN ra bán cho thế giới mà còn tiến lên mua của nước này bán cho nước khác. Chúng ta chấp nhận sự đa dạng của thị trường nên tầm nhìn và tư duy là quan trọng nhất", ông Phan Minh Thông nhấn mạnh.
Bình luận (0)