Sau khi hai chiếc ô tô thương hiệu VinFast trình làng tại Paris vào tháng 9 vừa qua, TS Lý Quí Trung, Tổng giám đốc Tập đoàn nội thất AKA, viết trên Facebook cá nhân: “Phải nói lần này mình mới thật sự ngả mũ chào Tập đoàn Vingroup, vì hai chiếc xe VinFast vừa được trình làng tại cuộc triển lãm ô tô ở thủ đô Paris nước Pháp, phải nói là rất ấn tượng. Sản phẩm thì bóng nhoáng, nhìn bề ngoài không thua bất cứ đối thủ quốc tế nào. Xe sẽ được bán ở đâu trước chưa biết, thành bại ra sao chưa biết, nhưng nó được hình thành và ra mắt với một tâm thế quốc tế. Có người chê xe Việt gì mà toàn đồ Đức, công nghệ Đức, cái gì cũng Đức, nhưng trong tủ lạnh thiếu món nào cứ chạy ra ngoài mua đỡ cái đã. Nằm đó mà chờ không biết chừng nào mới ăn được bữa cơm ngon”.
Nhiều hàng Việt đã lên quầy kệ nước ngoài
|
Giải thích cho điều này, ông Trung dẫn chứng Hãng Hyundai của Hàn Quốc cũng phải vay mượn công nghệ của Hãng Ford (Mỹ) để ra mắt chiếc xe hơi đầu tiên của họ mang tên Cortina vào năm 1968. Đến năm 1974 với chiếc “The Pony”, người Hàn Quốc mới thật sự có một chiếc xe hơi “madein Korea” 100% để bắt đầu xuất khẩu rầm rộ sau đó.
“Phải bắt đầu từ đâu đó. Trước mắt điều mà họ đã làm là làm nhiều người trên thế giới muốn thốt ra câu “Good job Vietnam!” - VN bây giờ không vừa đâu nhé! Vậy là đã đủ để ngả mũ chào rồi”, ông Lý Quí Trung nói và tái khẳng định bất kỳ doanh nghiệp (DN) Việt nào dám dấn thân vào lĩnh vực khó khăn hoàn toàn xứng đáng được khen, ngay cả khi họ có thất bại đi chăng nữa.
Bà Mandy Nguyễn, Giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - Startup Vietnam Foundation (SVF), một trong những khách mời của Bộ Ngoại giao Mỹ tham dự Hội nghị Doanh nhân toàn cầu do Mỹ tổ chức tại Ấn Độ cuối năm 2017, kể câu chuyện bà từng nhìn thấy lon cà phê Highland bày bán trong cửa hàng tiện lợi nhỏ ở Namdaemun (Hàn Quốc), hay hộp chocolate của VN bán trong trung tâm thương mại lớn tại Nhật với “cảm xúc rất lạ, vừa thân thuộc, vừa tự hào”.
Theo bà Mandy, thế giới phẳng, thị trường cũng phẳng, DN dễ dàng tiếp cận thông tin về các quy chuẩn hàng hóa nước ngoài qua các tập đoàn phân phối, các nhà thu mua... nên cơ hội để họ ra biển lớn là rất lớn. Cơ hội ra biển lớn của thế hệ doanh nhân trẻ nay còn lớn hơn thế hệ trước do lợi thế về tính nhanh nhạy, ngoại ngữ, đi ra nhiều hơn... Vì thế, cộng đồng DN Việt nhỏ ngày nay cũng khá tự tin, thoải mái trong giao thương toàn cầu.
Nếu trước đây chỉ xuất thô, ngày nay nhiều sản phẩm chế biến của VN đã đi thẳng vào hệ thống siêu thị của các nước phát triển. Đó là sản phẩm sữa bột pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus của NutiFood vào khoảng hơn 300 siêu thị ở bang California (Mỹ); King Coffee vượt qua nhiều đối thủ quốc tế để chính thức lên kệ của hệ thống siêu thị Kim’s Club hàng đầu của Hàn Quốc và có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn của người Việt tại Mỹ...
Kiên cường đi qua khủng hoảng
Không chỉ là câu chuyện của “doanh nhân khen doanh nhân”, các chuyên gia đều nhìn nhận sau khi đất nước đổi mới và đặc biệt từ khi luật Doanh nghiệp ra đời, DN Việt nói chung và lực lượng doanh nhân VN ngày càng lớn mạnh. Trong bối cảnh khó khăn, sức sống của DN Việt là rất đáng tự hào.
GS Nguyễn Mại bộc bạch sự nỗ lực lớn lên từng ngày của DN Việt trong 30 năm qua rất đáng trân trọng. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào hàng nhập, đến tự sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu nhiều nhóm sản phẩm ra thế giới với số lượng lớn.
“Phải công tâm mà nói rằng, trong hơn 30 năm mở cửa (tính từ năm đổi mới 1986), DN chỉ có khoảng hơn chục năm “yên ổn” lo làm ăn và lớn mạnh. Còn lại mất một quãng thời gian dài trong những năm đầu “vừa đi vừa dò đường”. Đi được một đoạn thì lại gặp cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, rồi đến khủng hoảng toàn cầu. Những cơn “dư chấn” kinh tế toàn cầu để lại hậu quả kéo dài rất lâu. Trong khi DN Việt đang nhỏ và yếu nên bị ảnh hưởng rất lớn. Nói những điều này ra để thấy rằng, nỗ lực của DN tư nhân rất kiên cường”, ông Mại nói.
|
TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh rằng cả xã hội nói chung và Chính phủ cũng như người dân nên cảm ơn lực lượng doanh nhân. Chính họ là những người tiên phong tiến lên phía trước, hy sinh tiền bạc và thời gian để tạo dựng các DN, phát triển các dự án để tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người. Nếu những người có tiền mà chỉ biết gửi vào ngân hàng thì sẽ không có việc làm cho những người khác. Vì vậy, ngày nay chúng ta không nên giữ tâm lý ganh ghét đối với những doanh nhân đi xe đẹp, có biệt thự sang trọng nếu họ giàu có chính đáng.
Đánh giá chung, ông Ngân cho rằng hàng triệu doanh nhân đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế VN. Đặc biệt đến năm 2007, VN đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO với rất nhiều cơ hội giao thương được mở ra. Tất cả những điều này làm cho khu vực kinh tế tư nhân sống động hẳn lên, giúp cho khả năng phát triển kinh tế vượt trội. Kinh tế tư nhân đã đóng góp hơn 43% GDP. Nếu cộng chung cả khu vực kinh tế nhà nước thì DN nội địa đã đóng góp hơn 80% GDP. Trong khi đó, khối DN có vốn nước ngoài cũng chỉ đóng góp khoảng 19% GDP.
Các chuyên gia đều thừa nhận sự thay đổi này đến từ nỗ lực không ngừng của chính các DN và cũng có phần nhờ vào những chính sách nhà nước ngày càng cởi mở, thân thiện hơn. Ví dụ trong các hội đồng tư vấn chính sách của Chính phủ đã có sự góp mặt của các doanh nhân. Hay mới nhất là tại Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XII đã nhấn mạnh đến kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ngoài việc cải cách các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thì Chính phủ phải xem xét lại toàn bộ chính sách liên quan đến DN trong nước. Ví dụ nên xem xét ưu tiên cho các doanh nhân Việt tham gia sở hữu vào các DN nhà nước khi cổ phần hóa. Đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm kéo giảm thật nhanh các loại chi phí bất hợp lý để DN tăng sức cạnh tranh, tiến ra biển lớn.
TS Võ Đại Lược
Tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân phải được khai thác hiệu quả với hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch. Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh để DN tư nhân có điều kiện phát triển. Đặc biệt, luật liên quan DN cần có những sửa đổi bổ sung để phù hợp thời đại. Chẳng hạn, có luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa thì cũng cần quy định riêng cho các tập đoàn kinh tế tư nhân bởi một chiếc áo không thể dùng cho nhiều người mặc có kích cỡ khác nhau được.
GS Nguyễn Mại
|
Bình luận (0)