Doanh nghiệp xuất khẩu trước thách thức bản quyền

13/10/2011 18:29 GMT+7

Gần đây, Mỹ liên tục ra những đạo luật mới về xử lý vi phạm bản quyền phần mềm. Đây là rào cản kỹ thuật mà các nhà xuất khẩu VN cần phải đặc biệt lưu ý.

Tháng 6.2011, nghị viện các bang Washington và Louisiana đã thông qua một đạo luật mới có tên “Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin”. Luật này nhằm mục đích ngăn chặn việc sử dụng phần mềm, phần cứng vi phạm bản quyền  ở nước ngoài bằng cách gây sức ép với các nhà nhập khẩu tại Mỹ. Từ đó yêu cầu các nhà xuất khẩu ở nước ngoài phải chấm dứt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình từ khâu kho bãi, vận chuyển đến hệ thống kiểm toán, kế toán.

 
Doanh nghiệp xuất khẩu của VN có thể gặp nhiều rắc rối nếu sử dụng phần mềm lậu - Ảnh: D.Đ.M

Theo ông Vũ Bá Phú - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), đạo luật này sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu của các nước, trong đó có VN. Khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ, các doanh nghiệp phải xuất trình giấy chứng nhận để chứng minh việc sử dụng sản phẩm phần mềm có bản quyền trong toàn bộ quy trình sản xuất, xuất khẩu và phân phối sản phẩm đó.

Theo báo cáo của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA), các hãng phần mềm trên thế giới thiệt hại hơn 58 tỉ USD trong năm 2010 do nạn vi phạm bản quyền gây ra và con số này có thể tăng thêm 14% trong năm 2011. Nếu giảm được 10% số lượng phần mềm bị ăn cắp sẽ mang lại 142 tỉ USD trong các hoạt động kinh tế toàn cầu, tăng 32 tỉ USD tiền thuế và 500.000 việc làm mới ở lĩnh vực công nghệ cao.

“Đây là một thách thức lớn đối với các nhà xuất khẩu VN vì trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất đa số là vừa và nhỏ nên chi phí bản quyền phần mềm sẽ chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm”, ông Phú nói. Bên cạnh đó, cũng theo ông Phú, hàng hóa xuất khẩu của VN vào Mỹ có khả năng bị gia tăng nguy cơ áp biên độ phá giá cao hơn trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá. Ông Phú ví dụ: giá bán một đôi giày trên thị trường VN là 100 đồng, giá xuất khẩu sang Mỹ là 105 đồng. Nếu cơ quan điều tra cộng thêm các chi phí bản quyền phần mềm cho các khâu trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là 10 đồng thì giá bán trên thị trường VN phải là 110 đồng. Trong khi giá xuất khẩu vẫn là 105 đồng thì sẽ bị xem là có hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà cụ thể là có bán phá giá với biên độ 4,76% (5 đồng).

Ông Phú nói không thể chắc chắn rằng đạo luật này chỉ áp dụng trong 2 bang Washington và Louisiana mà không lan khắp nước Mỹ, thậm chí các nước phát triển khác.

Trong khi đó, theo đại diện của Công ty luật Leadeco, bang Washington và Louisiana cũng đã ban hành Luật Chống cạnh tranh bất bình đẳng (UCA) và luật này đang được thảo luận tại một số bang khác của Mỹ. Nội dung chính của UCA quy định các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ có thể bị khởi kiện nếu sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin bất hợp pháp trong quá trình sản xuất, phân phối, tiếp thị và bán hàng hóa đó. Bên thứ ba bán hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm cũng có thể bị khởi kiện. Hậu quả của việc khởi kiện là doanh nghiệp sẽ bị cấm bán hàng hóa tại các bang có luật UCA được thông qua; bị tịch thu hàng hóa; phải bồi thường thiệt hại và giảm uy tín đối với đối tác kinh doanh. Do đó, theo ông Vũ Bá Phú, nếu việc vi phạm bản quyền không sớm được giải quyết thì sẽ tạo ra một ấn tượng xấu cho sản phẩm xuất khẩu của VN trên thị trường Mỹ nói riêng và thị trường thế giới nói chung. Các doanh nghiệp của VN nên thay đổi về nhận thức và xem việc sử dụng phần mềm có bản quyền như một phần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn tạo ra một hình ảnh đáng tin cậy hơn cho sản phẩm của VN khi xuất khẩu sang thị trường thế giới.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.