Độc đáo di tích Bãi Cọi

21/05/2009 22:38 GMT+7

Trong khi khai quật di tích khảo cổ học Bãi Cọi (thuộc xóm 1, thôn 9, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cuối năm 2008 và đầu năm 2009, trên tổng diện tích 164,2m2, các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã phát hiện 16 ngôi mộ cùng nhiều di vật phong phú về loại hình (dao găm, giáo, cuốc chữ U, rìu, khuyên tai, nồi, chõ, bình, bát, mâm bồng...) và đa dạng về chất liệu (đá, đồng, gốm, sắt, thủy tinh, đất nung...).

Đáng chú ý, đoàn khai quật đã làm phát lộ một ngôi mộ chum hình trái đào, đáy bằng, được đặt nằm nghiêng theo hướng tây - đông, miệng chum được úp một chiếc nắp nón cụt; và một ngôi mộ bình gồm một chiếc bình vai gãy được chôn thẳng đứng và có một chiếc nồi vai xuôi úp khít lên được coi là loại hình táng thức tiêu biểu của cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung. Bên cạnh đó, các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn tìm thấy một chiếc khuyên tai 3 mấu màu xanh ngọc có chiều dài 3,5 cm và bề dày 2 cm, cũng được coi là loại hình hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.

Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh cho biết: “Sở đã kiến nghị đình chỉ việc mở đường ngang qua di tích đồng thời mở rộng diện tích khai quật và lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận Bãi Cọi là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”. 

Tuy nhiên, việc xác định đặc trưng loại hình di tích Bãi Cọi là di tích thuộc văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Sa Huỳnh đang là câu hỏi hóc búa. Các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng di tích Bãi Cọi (niên đại đầu Công nguyên đến thế kỷ II sau Công nguyên) hội tụ những yếu tố văn hóa chủ đạo của cư dân Sa Huỳnh (với truyền thống gốm màu nâu đỏ, xương gốm thô, pha nhiều cát, hoa văn khắc vạch in chấm chữ S...), có sự giao lưu với văn minh Đông Sơn và phảng phất yếu tố Hán. Song, nhiều chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam lại thấy yếu tố văn hóa Đông Sơn (niên đại 2.500 năm) đậm nét trong di tích với kiểu táng thức mộ đất đặc trưng, kiểu hiện vật đồ sắt (dao, rìu). 

Ngày 20.5, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với đông đủ các chuyên gia đầu ngành về khảo cổ học thời tiền sơ sử. Thế nhưng, vẫn khó có thể đưa ra kết luận trong một sớm một chiều về đặc trưng loại hình di tích. Dẫu vậy, đa số các chuyên gia đều tán đồng khẳng định Bãi Cọi là “vùng giao thoa” giữa văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh, hoặc nói cách khác, đây là điểm cực bắc của văn hóa Sa Huỳnh và cũng là cực nam của Đông Sơn. Chỉ có điều, những hiện vật phát lộ từ di tích Bãi Cọi, được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mang về trưng bày, đã sứt mẻ khá nhiều...

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.