Độc đáo du lịch sinh thái xứ Dừa

29/04/2021 11:51 GMT+7

Bến Tre là nơi phải đến, nếu tôi có dịp khám phá du lịch sông nước miền Tây trong các dịp lễ, tết hay ngắn ngủi như ngày nghỉ cuối tuần.

Tình yêu xứ Dừa trong lòng du khách

Đi du lịch ở Bến Tre, đôi khi bạn sẽ phát hiện có những nét duyên ngầm ẩn giấu dưới hàng mi của cô chèo thuyền; tính chân chất có phần cục mịch của ông lão nhà quê đối diện với khách; hay sự tái hiện cổ kính toát lên từ những di tích lịch sử hào hùng của quê hương Đồng Khởi và khám phá những khu rừng ngập mặn đầy vẻ hoang sơ nằm ẩn mình sau bãi cát mịn màng của Biển Đông…
Là phụ nữ, tôi thích nhất cảm giác chìm đắm, bâng khuâng giữa ngàn hoa Chợ Lách. Đây không chỉ là “Vương quốc hoa kiểng” mà còn lại nơi sản sinh ra trái cây “Chỉ dẫn địa lý Cái Mơn” trứ danh hơn 100 năm qua ở cả trong và ngoài nước. Hương vị sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, nhãn…ở Cái Mơn không thể lẫn với trái cây ở xứ nào cả. Trái cây mang đặc trưng của Bến Tre cũng rất phong phú tại các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và thật thú vị khi ngồi sau lưng của những nữ xà ích len lỏi giữa vùng quê Châu Thành thanh bình, giản dị.
Cách những dãy phố hiện đại, sầm uất dọc 2 bên sông ở TP.Bến Tre khoảng 10 km, du khách có thể chứng kiến cảnh các trai làng tát nước bắt cá đồng; hoặc chèo xuồng khám phá sông nước hữu tình ở Cồn Phụng, Cồn Lân, Phú An Khang... Sự kết nối liền mạch giữa các điểm du lịch sẽ giúp bạn luôn dễ dàng tham gia các tour homestay ở Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm để được trải nghiệm vào cuộc sống dân dã, giản dị của người dân địa phương và thưởng thức những món ăn đặc trưng của quê hương Đồng Khởi.
Một góc đô thị TP.Bến Tre về đêm. ẢNH: B.B

Một góc đô thị TP.Bến Tre về đêm

ẢNH: B.B

Nếu về biển sinh thái Thạnh Phú, bạn có thể tự tay tách yếm những con mắm ba khía thơm lừng, cũng như thỏa sức no nê với “tất tần tật” các món hải sản tươi sống giá "rẻ như cho" và ngắm Biển Đông lộng gió rì rầm sóng vỗ. Tại huyện biển Thạnh Phú, du khách còn được tìm hiểu làng bánh dừa Giồng Luông trứ danh và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo trong ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ được xây cất kỳ công bậc nhất miền Tây, thăm nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 anh hùng,…
Doanh nhân Nguyễn Anh Thư (nhà đầu tư lữ hành du lịch, đến từ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), chia sẻ lý do chọn kết nối với Bến Tre là nơi duy nhất trong tour xuyên Việt của mình: "Tỉnh Bến Tre đã khai thác du lịch trong 3 môi trường sinh thái nước lợ, mặn, ngọt. Các khu vực tách biệt nhau trong bán kính nhỏ nên khoảng cách giữa các điểm tương đối gần, trong khi hạ tầng giao thông, sự kết nối các điểm nội tỉnh rất thuận lợi, những mô hình du lịch cộng đồng đã lan tỏa thật sự. Chỉ cần đến Bến Tre là đủ để trải nghiệm các nét đặc trưng của du lịch miền Tây rồi. Ngoài ra, Bến Tre luôn có những sản phẩm du lịch đặc thù và rất riêng của mình”

“Văn hóa dừa”- sản phẩm du lịch đặc trưng

Sản phẩm du lịch đặc biệt nhất của Bến Tre là “văn hóa dừa” và bạn sẽ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào.
Mỗi lần về Bến Tre, trong đầu tôi lại văng vẳng câu thơ: “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ” của nhà thơ Lê Anh Xuân và mỗi khi qua các cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên là tôi đều cảm thấy rất khoan khoái bởi rừng dừa bạt ngàn, xanh tốt mênh mông hiện ra trước mắt. Nhìn từ trên cao, chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng thốt lên: “Đúng là xứ Dừa!”
Theo Bộ NN- PTNT, “thủ phủ dừa xanh” có hơn 72.000 ha vườn dừa. Sản lượng dừa Bến Tre nhiều nhất cả nước, đạt gần 800 triệu trái/năm, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Hiện có hơn 200.000 hộ trồng dừa (chiếm khoảng 2/3 tổng số hộ dân toàn tỉnh) và cũng chính vì thế, cây dừa có mặt ở hầu khắp trong đời sống, sản xuất và đã trở thành biểu tượng văn hóa của người Bến Tre. Ngoài khai thác cây dừa như một cây trồng đặc thù với các sản phẩm được chế biến từ dừa khá phong phú (thực phẩm, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ…), thời gian gần đây, Bến Tre xác định cây dừa trong hoạt động du lịch là đặc thù của quê hương.
Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam, du lịch của tỉnh Bến Tre đứng thứ 8/13, doanh thu đứng thứ 6/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Tốc độ tăng trưởng của du lịch Bến Tre năm sau tăng gần gấp đôi so với năm trước. Một phần quan trọng giúp du lịch Bến Tre tăng trưởng là do người Bến Tre sống có chiều sâu: nhẹ nhàng, không khoa trương, ồn ào nhưng bộc trực và mãnh liệt theo cách rất riêng của mình. Đây là nét văn hóa độc đáo và cũng là sản phẩm du lịch đặc thù khó miền đất nào có được.
Hơn 65 km bờ biển còn rất hoang vu, thơ mộng đang được tỉnh Bến Tre phát triển du lịch sinh thái. ẢNH: B.B

Hơn 65 km bờ biển còn rất hoang vu, thơ mộng đang được tỉnh Bến Tre phát triển du lịch sinh thái

ẢNH: B.B

Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bến Tre, cho rằng khi nói đến Bến Tre, du khách trong và ngoài nước đều nhớ đến hình ảnh cây dừa. Cây dừa và những sản phẩm từ dừa là điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch xứ dừa. Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang xây dựng sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu du lịch, ẩm thực… gắn với cây dừa. Đây được xem là giá trị nổi bật, khác biệt để xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa”.
Theo ông Bàn, du lịch là một ngành đặc thù nhưng nó phải theo kịp sự chuyển động của hành trình văn hóa. Phát triển du lịch bao giờ cũng khởi đầu bằng văn hóa. Để thành công trong ngành “Công nghiệp không khói”, các thời lãnh đạo tỉnh Bến Tre luôn yêu cầu ngành du lịch phải đầu tư khôi phục, chọn lọc, tiếp nhận và phát triển văn hóa. Trong nhiều thập kỷ qua, ngành du lịch Bến Tre luôn phấn đấu, nỗ lực trao đổi văn hóa với các vùng miền khác. Xây dựng con người Bến Tre nói chung và nhân viên trong lĩnh vực du lịch nói riêng phải hành động theo kiểu những con người tìm đến nhau bằng văn hóa, bằng sự tế nhị, mến khách và sâu xa là bản chất, nhân văn trong tâm hồn con người, cùng với các sản phẩm du lịch đặc thù khác để nâng cao sức hấp dẫn lâu dài của du lịch Bến Tre.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.