Cuộc trở về với tre của Hải Bằng rất công phu và tỉ mỉ. Tre được bóc vỏ cật, cắt bỏ mắt, chẻ nhỏ đem ngâm trong nước một đêm, sau đó nấu với nước vôi khoảng 12 tiếng rồi đem xả sạch với nước. Tiếp đó chọn lọc và phân loại các loại xơ tre rồi nghiền nhỏ thành bột giấy, công đoạn cuối cùng là xeo giấy. Để Trúc Chỉ trở thành tác phẩm nghệ thuật tùy thuộc vào quy trình xeo giấy, có 2 cách xeo. Cách thứ nhất, bột giấy tre cho vào bể nước sâu dùng gậy đánh cho tan đều trong nước, dùng khuôn múc bột giấy, sau đó trải ra thành một tệp đưa vào máy ép cho khô nước rồi đem phơi khô. Cách thứ hai, khung xeo được cho vào bể nước cạn, cho bột giấy tre vào khung, vỗ đều và nhấc ra, dùng nước phun trên mặt giấy đang ướt có các hình hoa văn chuẩn bị sẵn để tạo ra những hoa văn chìm rồi mang phơi khô.
Tiến sĩ Phan Thanh Bình (ĐH Nghệ thuật Huế) cho biết: “Trường tạo điều kiện cho họa sĩ Phan Hải Bằng lập xưởng giấy ngay trong khuôn viên trường, và đây cũng là xưởng giấy tạo hình đầu tiên xuất hiện trong một trường mỹ thuật ở Việt Nam”. Trong quy trình làm giấy, Hải Bằng tạo nên xúc cảm sáng tạo trực tiếp, nói khác đi anh đã biết cách thổi “hồn” cho từng tờ giấy Trúc Chỉ, nên giấy Trúc Chỉ thường là độc bản, ít có những tờ giống nhau.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (làng Sình, Huế) đã ứng dụng hiệu quả việc in tranh trên giấy Trúc Chỉ với nét in rất sắc sảo và tạo được rung cảm cho người xem. Hải Bằng cùng với các sinh viên ĐH Nghệ thuật Huế còn thể nghiệm Trúc Chỉ với các kỹ thuật chất liệu đồ họa như etching, lithograph, in kỹ thuật số… cũng cho kết quả tốt. Trúc Chỉ còn được dùng để thiết kế những tác phẩm mỹ thuật như chao đèn, hộp đựng quà, danh thiếp, bìa sách, nón, quạt, diều… Còn tại XQ Sử quán Đà Lạt, các nghệ nhân đang dùng Trúc Chỉ để thêu tranh, vẽ chân dung, phong cảnh…
Lâm Viên
Bình luận (0)