Lễ hội Nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông (cá voi) như một vị thần thiêng liêng, chỗ dựa tinh thần mỗi khi ngư dân gặp sóng to gió lớn, con người bị đe doạ… Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương.
|
Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu được Bộ VH-TT-DL và Tổng cục Du lịch chọn là 1 trong 15 lễ hội lớn của cả nước từ năm 2000. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chọn lễ hội này là 1 trong 9 sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật của địa phương trong năm 2012. Lễ hội không chỉ là ngày Tết của riêng ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn là điểm hẹn của hàng chục ngàn du khách từ các tỉnh, thành lân cận như: TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu…và du khách nước ngoài.
Chị Minh Thúy (du khách đến từ TP.HCM) cho biết: “Lúc đầu cũng vì tò mò, nhưng xem xong tôi thấy đây là một lễ hội rất hay của ngư dân miền biển. Một vài địa phương khác cũng có Lễ hội Nghinh Ông, nhưng chỉ ở Vũng Tàu mới được tổ chức quy mô như thế này. Nếu được, có thể phát triển thành một hoạt động để quảng bá cho ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu”. Anh Nguyễn Thanh Long (ngụ TP.Vũng Tàu) nói: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày cúng nghinh ông là cả nhà tôi ra đây để đón xem đoàn rước kiệu về. Mong rằng lễ hội được duy trì và phát triển hơn nữa để đây thật sự là ngày hội của người ngư dân không chỉ ở Vũng Tàu mà cả ngư dân đến làm ăn ở đây”.
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu năm nay đã được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Ngày 1.10, diễn ra lễ rước dưới biển, đoàn Nghinh Ông khởi hành từ cảng Cầu Đá (Bãi Trước) đến miếu Hòn Bà - mũi Nghinh Phong. Sau đó, diễu hành qua nhiều tuyến đường để về lại Đình thần Thắng Tam. Ngày 2.10, lễ hội tiếp tục diễn ra với nhiều nghi thức cúng cầu ngư, cầu quốc thái dân an, cầu cho người dân được ấm no hạnh phúc, đánh bắt được nhiều tôm cá...Cùng với các nghi thức quan trọng như lễ Nghinh Ông, lễ cúng tiền hiền, cúng Ông Nam Hải và biểu diễn hát bả trạo, tuồng cổ. Du khách đến với lễ hội còn được tham gia các trò chơi dân gian mang đặc trưng miền biển, như: bơi biển, chạy tiếp sức trên cát, gánh cá chạy trên cát, đan lưới…
Bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu năm 2012 cho biết: “Năm nay ngoài ý nghĩa là một hoạt động văn hóa dân gian thường niên, lễ hội còn góp phần quảng bá, nâng tầm thương hiệu du lịch tỉnh, có giá trị như một bức thông điệp gửi đến bạn bè và du khách gần xa về TP.Vũng Tàu văn minh, thân thiện nhưng cũng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân gian”.
Hội yến Diêu Trì Cung Hội Thánh Cao Đài Vào tối ngày 30.9 (nhằm 15.8 âm lịch Nhâm Thìn), hơn 100.000 tín đồ đạo Cao Đài cả nước và du khách đã đến Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh (thuộc H.Hòa Thành), dự Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung Hội Thánh Cao Đài.
Theo thuyết pháp của đạo Cao Đài, đây là ngày toàn đạo quy tụ về Tổ đình dâng công, hiến lễ lê đức Đại Từ phụ, đại Từ mẫu thiêng liêng, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lễ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày Rằm tháng 8 Ất Sửu (1925), tại tư gia của Đức Cao Thượng Phẩm (Sài Gòn) theo lệnh của Đức Chí Tôn. Thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến hội yến là lễ hội múa Rồng nhang được biểu diễn qua các con đường trong Nội ô. Bên cạnh đứa con trai 7 tuổi, anh Nguyễn Thành Hải (45 tuổi, Tây Ninh) nhận xét: “Hội yến đúng ngày Tết trung thu là dịp cho đứa con trai tôi được vui đêm trăng rằm; đồng thời cho bản thân tôi được xem lại điệu múa rồng nhang độc đáo chỉ có tại Tòa Thánh”. Anh Hải cũng kể thêm, trước đây còn nhỏ, năm nào anh cũng được ba mẹ đưa đến xem múa rồng nhang. “Cứ Rằm tháng 8 là tôi đưa gia đình đến đây bởi những sự kiện trở thành ký ức ấm áp của chúng tôi từ nhỏ”, anh Hải nói. Giang Phương |
Nguyễn Long
Bình luận (0)