Độc đáo mận 'ngủ mùng'

20/01/2018 07:44 GMT+7

Cách làm sáng tạo của ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác mận xã Phong Hòa (H.Lai Vung, Đồng Tháp), đã hạn chế tối đa sâu bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nhà vườn.

Ông Nguyên kể, khoảng năm 2010, ruồi vàng thường tấn công trái mận từ lúc trổ bông đến khi chín nhưng phương pháp truyền thống lấy túi ni lông bao trái không đem lại hiệu quả, dẫn đến nhiều vườn mận bị giảm sản lượng trái đến 70%, nông dân thua lỗ, cạn kiệt vốn. Vườn của ông lúc đó cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Để chống chọi với dịch ruồi vàng, ông đã thử nhiều cách nhưng không đem lại hiệu quả.
Phát kiến bất ngờ
Năm 2012, ông bỏ công đi nhiều nơi để tìm hiểu những giải pháp hạn chế tình trạng ruồi vàng đục trái. Tình cờ, trong chuyến đến Tiền Giang, ông thấy người dân ươm cây giống trong nhà lưới ở Trạm bảo vệ thực vật phía nam. Bất chợt, ông lóe lên suy nghĩ về mô hình dùng lưới cước bao phủ cho vườn mận. “Lúc đó, tôi có suy nghĩ, nếu họ bao lưới bảo vệ cây giống hạn chế tối đa nguồn sâu bệnh ảnh hưởng đến cây, thì với cây mận, khi bao lưới giống như vậy ruồi vàng sẽ không có đường vào vườn đục trái, khả năng trái bị hao hụt sẽ rất thấp”, ông Nguyên kể lại.
Sản lượng trái đạt 100% khi cho mận “ngủ mùng”
Nghĩ là làm, ông mua lưới cước về bao một số ít cây mận đang trong thời kỳ cho trái để thử nghiệm, đối chiếu. Đến khi thu hoạch, cây được bao lưới cho trái đạt 100%, còn cây bên ngoài lưới cho trái phần lớn bị ruồi vàng tấn công nên năng suất chỉ đạt 30%. Mùa mận sau, ông đầu tư mua lưới cước bao phủ diện tích trên 5.000 m2, với chi phí khoảng 5 triệu đồng/1.000 m2, thời gian sử dụng lưới khoảng 3 năm. Chỉ trong vòng 1 năm, vườn mận đạt năng suất cao, ông thu hồi hoàn toàn số tiền đầu tư mua lưới.
Thấy được hiệu quả từ mô hình này, nhiều bà con đến học hỏi kinh nghiệm và tham gia mô hình trồng mận “ngủ mùng”. Từ đó, tổng diện tích mận “ngủ mùng” của tổ hợp tác sản xuất mận tăng vọt lên hơn 20 ha.
Trái ngon vào siêu thị


Cũng có nhà vườn băn khoăn về hoạt động quang hợp của cây mận khi trùm mùng lưới. Nhưng trên thực tế, trải qua nhiều vụ mùa, cây mận vẫn quang hợp tốt và phát triển bình thường như khi trồng tảng nắng. Trái mận vẫn ngon ngọt và to đẹp.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác mận xã Phong Hòa

Ông Nguyên cho biết phương pháp cho mận “ngủ mùng” giúp hạn chế hơn 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật phải phun, tiết kiệm từ 5 - 6 triệu đồng/công so với vườn không bao lưới. Trái mận khi được kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều đảm bảo chất lượng, sạch và an toàn, ngon, màu sắc bắt mắt, chất lượng cao. Nhờ đó, Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup đã ký hợp đồng bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm của Tổ hợp tác mận xã Phong Hòa với giá cao hơn thị trường, tạo đầu ra ổn định.
Cũng theo ông Nguyên, nhờ bao phủ toàn bộ vườn nên vườn mận hạn chế được tối đa nguồn sâu hại, trái đạt năng suất cao, không bị rụng, nhất là vào mùa nghịch và mận cho trái quanh năm. Trung bình mỗi ngày, tổ hợp tác cung cấp cho Công ty VinEco khoảng 1 tấn trái, với mức giá hiện tại 20.000 đồng/kg, vì vậy mỗi công mận “ngủ mùng” có thể lãi khoảng 40 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với mận trồng bình thường. “Cũng có nhà vườn băn khoăn về hoạt động quang hợp của cây mận khi trùm mùng lưới. Nhưng trên thực tế, trải qua nhiều vụ mùa, cây mận vẫn quang hợp tốt và phát triển bình thường như khi trồng tảng nắng. Trái mận vẫn ngon ngọt và to đẹp”, ông Nguyên chia sẻ.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn xã Phong Hòa, cho biết: “Thời gian gần đây, nhà vườn ở xã Phong Hòa vô cùng phấn khởi khi tìm được giải pháp cho mận “ngủ mùng”. Hiện nhiều diện tích mận ở địa phương đã được khôi phục. Xã Phong Hòa cũng xác định mô hình sản xuất trái cây sạch là hướng đi tất yếu giúp nâng cao vị thế cho nông sản. Do đó, thời gian tới, xã sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn hướng dẫn nhà vườn sản xuất mận theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới được cấp chứng nhận VietGAP”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.