Độc đáo mãng cầu Bà Đen

05/07/2013 10:50 GMT+7

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trái mãng cầu ở Tây Ninh được nhà vườn chủ động cho ra trái vào bất cứ thời điểm nào.

Tây Ninh là nơi trồng mãng cầu lớn nhất nước, với diện tích  khoảng 5.100 ha.

Độc đáo mãng cầu Bà Đen
Tây Ninh hướng đến việc trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP

Ra trái theo ý muốn

Điểm độc đáo của mãng cầu Tây Ninh nói chung và mãng cầu Bà Đen nói riêng là có thể cho trái theo ý muốn. Theo một người dân, nếu như ngày trước, mỗi năm mãng cầu chỉ cho 1 vụ trái cố định vào khoảng tháng 7 – 8 âm lịch,  thì khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhà vườn đã chủ động cho mãng cầu ra trái vào bất cứ thời điểm nào trong năm bằng việc…tuốt lá để kích thích cây ra hoa. Được biết. kỹ thuật lạ lùng này được một nông dân trồng mãng cầu tình cờ phát hiện và nhanh chóng được nhiều người ứng dụng thành công.

Ngoài việc cho trái vụ, theo một cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh, để phát triển giá trị kinh tế của trái mãng cầu ta, sở đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ tiến hành thực hiện nghiên cứu sản xuất trái mãng cầu ta an toàn theo hướng VietGAP. Người may mắn được chọn triển khai mô hình VietGAP đối với cây mãng cầu là ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân, TX.Tây Ninh). Sau nhiều năm trồng mãng cầu theo kiểu truyền thống, ông Chiêu được hướng dẫn trồng hơn 5 ha mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận tuân thủ theo quy trình này. Đây là mô hình sản xuất mãng cầu ta đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. “Trồng mãng cầu theo mô hình này có nhiều cái lợi. Năng suất trái tăng cao hơn trước, bình quân đạt 9- 10 tấn/ha; trái mãng cầu to, đẹp hơn và bảo quản được lâu hơn so với trước khi trồng theo mô hình VietGAP”, ông Chiêu cho biết.

Độc đáo mãng cầu Bà Đen
Đóng thùng mãng cầu đưa đi tiêu thụ

Tiềm năng xuất khẩu

Từ lâu trái mãng cầu Tây Ninh nói chung và mãng cầu núi Bà Đen nói riêng rất được thị trường ưa chuộng. “Có lẽ vì khu vực quanh quần thể núi Bà là nơi được trồng nhiều mãng cầu trước nhất và cho chất lượng trái ngon nên nổi tiếng như vậy”, ông Dương Hoàng Anh, một nông dân trồng mãng cầu ở xã Thạnh Tân (TX. Tây Ninh) nói.

Hiện mãng cầu Bà Đen đã xuất khẩu sang một số nước như Pháp, Malaysia, Campuchia… Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ, hiện nay trái mãng cầu xuất khẩu vẫn còn rất ít so với tiềm năng của loại trái cây này. Thị trường hiện nay chủ yếu vẫn là tiêu thụ nội địa. “Một trong những nguyên nhân chính là do trái mãng cầu ở đây chưa bảo đảm về chất lượng và an toàn”, một chuyên gia Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ cho biết.

Cùng với việc áp triển khai mô hình VietGAP, cách đây 3 tháng Cục Sở hữu trí tuệ còn cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Bà Đen cho sản phẩm mãng cầu ta trồng ở khu vực quanh ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ này. Theo một cán bộ sở Khoa học và Công nghệ, thương hiệu “mãng cầu Bà Đen” được xác nhận là cột mốc quan trọng đánh dấu bước đi đầy triển vọng của loại trái cây được khách hàng từ Nam ra Bắc ưa chuộng, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên từ việc xây dựng thành công thương hiệu đến việc sử dụng và phát huy thương hiệu “mãng cầu Bà Đen” còn là cả một quá trình nỗ lực của nhà vườn cũng như của các cơ quan có liên quan…

Công Sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.