Độc đáo Mộc bản Trường Lưu

Chiều 19.5, Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Thừa Thiên-Huế) được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc MOWCAP.

Hai di sản của VN được công nhận cùng với 12 di sản của 8 nước, gồm Trung Quốc (4 di sản), Hàn Quốc (2), Malaysia, Uzbekistan, Nhật Bản, Iran, Myanmar và Mông Cổ mỗi nước có 1 di sản. Theo đánh giá của MOWCAP, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đáp ứng đầy đủ các tiêu chí độc đáo, duy nhất, mang ý nghĩa quốc tế, tính toàn vẹn, có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học. Đặc biệt, Mộc bản trường học Phúc Giang (còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) được đánh giá rất có giá trị trên nhiều phương diện, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở VN.
Mộc bản quý của ngôi làng hơn 5 thế kỷ
Ông Nguyễn Huy Thiện (72 tuổi, Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu) cho biết làng Trường Lưu có lịch sử hơn 5 thế kỷ, song nổi tiếng khắp nước là từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) về hưu, dày công xây dựng thành một làng có 8 cảnh đẹp. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã lập nên “Phúc Giang thư viện” rồi mở trường dạy học gọi là “Trường Lưu học hiệu” để đào tạo nhân tài cho vùng quê xứ Nghệ.
Độc đáo Mộc bản Trường Lưu 1
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế Ảnh: Lê Công Doanh
Mộc bản Trường Lưu có hơn 2.000 bản gỗ được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời hậu Lê do 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy sáng tạo, biên soạn là Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự.
Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, nói Mộc bản Trường Lưu là các bản gỗ được khắc chữ nổi ở cả 2 mặt trên ván gỗ (mỗi mặt khoảng 18 - 20 hàng, chữ được khắc theo chiều ngang của ván gỗ), được làm từ gỗ thân cây thị vừa dai vừa mềm, lại có độ bền cao. Mỗi cuốn mộc dài 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm. “Toàn bộ Mộc bản Trường Lưu hiện được lưu giữ, bảo quản là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở VN”, ông Hạnh nhận định.
Trước đây, Mộc bản Trường Lưu được xếp đầy ở ba gian nhà của “Phúc Giang thư viện”, là nơi thờ Nguyễn Huy Oánh. Từ năm 1953 - 1955, do nơi này bị xuống cấp, Mộc bản Trường Lưu được chuyển về nhà thờ Nguyễn Huy Tựu, lúc đó, số lượng còn gần 1.700 bản. Về sau, do nhận thức của nhân dân chưa cao nên nhiều bản bị chẻ làm củi đun.
Độc đáo Mộc bản Trường Lưu 2
Chữ Hán - Nôm được khắc nổi trên ván gỗ thân cây thị Ảnh: Nguyên Dũng
“Sau năm 1960, các phái đoàn của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đưa sinh viên đến tìm hiểu về lịch sử của mộc bản. Kể từ đó đến nay, mộc bản mới được con cháu lưu giữ cẩn thận hơn”, ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, năm 1991, ông Nguyễn Huy Tự được nhà nước công nhận danh nhân quốc gia, lúc đó đền thờ Nguyễn Huy mới được trùng tu và mộc bản được nhà nước cấp một hòm sắt để gìn giữ. Hiện nay, số mộc bản cổ nói trên chỉ còn 375 bản và đang được gia đình Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ - Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu lưu giữ cẩn thận và đã được sao chụp, số hóa gần 800 trang.
“Nói về dòng họ Nguyễn Huy, con cháu ai cũng tự hào và không ngừng rèn luyện trong học tập. Thừa kế, phát huy truyền thống của cha ông phấn đấu hết sức mình để cống hiến cho đất nước, xứng đáng là con cháu của dòng họ”, ông Thiện bày tỏ.
Mỗi bài thơ kèm một bức tranh
Thơ văn trên kiến trúc gỗ cung đình Huế là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván ở cung điện, đền miếu, lăng tẩm hoàng gia thuộc di tích kiến trúc Huế xây dựng trong giai đoạn triều Nguyễn (1802 - 1945).
Mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Thơ phổ biến là thể ngũ ngôn, thất ngôn. Tùy vào chất liệu (gỗ, đồng, đá, bê tông, vôi vữa...), nghệ nhân xưa đã khéo léo lựa chọn những màu sắc phù hợp cùng cách thể hiện (sơn, thếp, chạm, khảm, tráng men, đắp gắn...). Thơ văn đều theo mạch chủ đề ca ngợi đất nước văn hiến, hùng cường, ca ngợi non sông gấm vóc, ca ngợi triều Nguyễn... Hiện nay, trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ.
Tuyết Khoa

tin liên quan

VN có thêm 2 di sản ký ức thế giới
Chiều 19.5, tại TP.Huế, 14 di sản của 9 nước đã được công nhận di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.