|
“Lửa” của âm nhạc C’tu
Nói không hề quá, tiếng chơgôr gióoh (loại trống nhỏ), cồng, chiêng là những loại nhạc cụ thắp lửa cho mọi hoạt động văn hóa của người C’tu. Nó không chỉ thể hiện nét văn hóa mà còn có một ý nghĩa tâm linh sâu sắc của những thôn, bản người C’tu. Không một hoạt động nào của người C’tu mà thiếu đi điệu nhạc vang vọng từ những nhạc cụ thấm đẫm chất núi rừng này.
Vào những ngày lễ tết, lễ hội đâm trâu, lễ mừng lúa mới... trong làng mạc, thôn bản của người C’tu không bao giờ thiếu vắng tiếng trống chơgôr gióoh, cồng, chiêng... Các loại nhạc cụ này cùng nhau hòa nhịp, tiếng vang vọng, rộn ràng của những nhạc cụ thuộc bộ gõ này đủ để cho mọi đôi chân nhún nhảy, ngay khi lễ hội vừa mới bắt đầu.
Già làng Y Kông khoe sưu tầm đầy đủ bộ chơgôr gióoh, cồng, chiêng và đối với già đây là một “kho báu” mà già cất công gìn giữ từ thời thanh niên đến giờ. Hai chiếc trống chơgôr gióoh, một chiếc chiêng, cồng và một chiếc toỏng (thường gọi là dùi) dùng để đánh cồng, chiêng. “Không dễ để già sưu tầm đủ bộ, vì cả làng phải dành dụm lắm mới có thể mua được một bộ đầy đủ để phục vụ cho những lễ hội. Phải thật sự tâm huyết gìn giữ, mới còn giữ được trọn bộ này. Về việc sử dụng những nhạc cụ này, với chơgôr gióoh thì có nơi dùng 2 cái, có nơi dùng 3 đến 4 cái trong một lễ hội; ngay cả cồng, chiêng cũng vậy, tùy lễ hội lớn nhỏ mà sử dụng nhiều hay ít. Nhưng thông thường, mỗi làng có 1 chiếc cồng, 1 chiếc chiêng và 2 trống chơgôr gióoh cũng đã là một tài sản lớn rồi”, già Y Kông vừa săm soi những chiếc chơgôr gióoh, cồng, chiêng của mình vừa giải thích.
Tiếng gọi thần linh
Sở dĩ người C’tu coi trọng chơgôr gióoh, cồng, chiêng là bởi họ tin rằng chính tiếng chơgôr gióoh và cồng, chiêng mới đủ sức mời được thần linh xuống cùng chứng kiến sự chân thành, thành kính của họ. Và nhờ vậy, thần linh sẽ phù hộ để mọi người trong thôn, bản được no đủ, hạnh phúc. Khi điệu chơgôr gióoh và chơgôr gióoh và cồng, chiêng cùng hòa âm vang lên, người dân cùng nhau vui vẻ, nhảy múa, tức là thần linh đã mang niềm vui đến với người trong thôn, bản của họ.
Thông thường, chơgôr gióoh và cồng, chiêng luôn được những chàng trai khỏe mạnh, giỏi giang, nhân cách tốt... sống trong làng, qua những đợt tuyển chọn kỹ lưỡng tham gia vào đội cồng chiêng... Theo các già làng người C’tu, điều đó thể hiện sự tôn kính của người C’tu với các vị thần linh. Rất nhiều điệu nhạc của người C’tu được xây dựng trên nền điệu chơgôr gióoh và cồng, chiêng. Và tất cả đều mang một âm vực rất rộng và rộn ràng. Và tùy vào mỗi lễ hội, tết mừng, thì tiếng chơgôr gióoh và cồng, chiêng sẽ mang những giai điệu khác nhau.
Cùng với vũ điệu tung tung-da dá, tiếng chơgôr gióoh, cồng, chiêng tô đậm đặc trưng văn hóa-nghệ thuật của đồng bào C’tu. Đây là niềm tự hào của mỗi người dân C’tu...
Nhạc cụ truyền thống của đồng bào C’tu có đến hơn 20 loại khác nhau, thuộc các bộ gõ, bộ hơi, bộ dây... Điều đáng nói là những nhạc cụ này làm ra từ những chất liệu hoàn toàn từ nơi núi rừng, gần gũi với đồng bào C’tu ở những vùng cao Quảng Nam. Đối tượng sử dụng của mỗi loại nhạc cụ cũng đều được những bậc cao niên C’tu quy định, truyền lại cho mỗi đời con cháu tuân thủ. |
Diệu Hiền
Bình luận (0)