Độc đáo nhạc cụ C’tu: Tiếng đàn tình yêu

27/06/2014 10:47 GMT+7

“Mấy ngàn, mấy triệu đôi lứa người C’tu đều yêu nhau qua tiếng đàn Abel đó! Tiếng đàn chỉ cất lên thôi, thì yêu thương đã ngập tràn...” già Y Kông tâm đắc chia sẻ.

 
“Chỉ cần nghe được tiếng kèn Abel, người thương sẽ hiểu được tình yêu của mình dành cho họ sâu sắc đến nhường nào” - Ảnh: Diệu Hiền

Réo rắt tiếng đàn Abel

Chiếc đàn Abel là một trong những sáng chế độc đáo của kho tàng nhạc cụ người C’tu. Cấu trúc của kèn không đơn điệu như các loại nhạc cụ khác, mà vô cùng tinh tế. Đàn Abel với một ống tre trúc, được mài nhẵn bên ngoài, độ dài chừng 70-80cm. Trên thân của một phần đầu ống tre được đục 3 lỗ, và đắp lên những miếng gỗ, dán kín, chỉ chừa ra những khe hở nhỏ để điều khiển âm thanh. Cũng ngay tại phần đầu đó, có một cần nhỏ để vừa là chỗ tì tay khi cầm đàn, vừa là nơi để móc thêm một sợi dây đàn. Vốn trước đây, sợi dây song song với thân cây tre trúc là loại dây mây, nhưng dần dà được cải tiến thành dây thép. Phần quan trọng nhất của đàn Abel có tên là Khêl. Khêl là một sợi dây kết nối với phần cuối của dây đàn, có một miếng hình tròn nơi đầu dây, vốn được làm từ lớp vỏ của con tê tê... Vỏ được mài nhẵn và hình tròn đường kính chừng 1,5-2cm. Vì là phần quý nhất của Khêl, nên giờ không có nhiều người có được chiếc đàn Abel là vì vậy. Dưới chuôi của cây đàn Abel, là một thân gỗ dài chừng 5-7cm, được đẽo thành hình giống như biểu tượng thường treo trước những khu mộ người C’tu. Thêm một cây tre dài được mài nhẵn thín, mềm mại, để làm cần kéo trên sợi đàn.

Để đàn Abel vang lên tiếng, rõ ràng cả là một nghệ thuật. Từ tư thế cầm đàn, đến cách làm cho tiếng đàn phát ra âm thanh ngân nga, phải học thật lâu mới có thể làm được. Già Y Kông tâm đắc: “Đánh được chiếc đàn ni ngân thành tiếng, đã không dễ, mà đàn cho hay, càng khó đến nhường nào. Nên trong làng, ai mà đánh hay đàn Abel, thì người “hâm mộ” nhiều lắm”. Nói rồi, già bỏ Khêl vào miệng, bắt đầu kéo đàn. Khi kéo, già Y Kông dùng lưỡi để điều khiển Khêl trong vòm miệng. Âm thanh thoát ra từ chiếc đàn Abel nỉ non đến nao lòng...  

Tiếng đàn của tình yêu

Già Y Kông giải thích về cách để sử dụng đàn Abel, đó chính là khi bỏ Khêl vào miệng, lúc ấy phải nín thở, để âm phát ra không bị hòa chung với tiếng thở, hòa lẫn với tiếng thở. Trong khi chơi đàn, những chàng trai vừa kéo đàn, vừa dùng mắt để đưa tình với bạn gái mình. Nhiều cặp yêu nhau thì khi sử dụng đàn, chàng trai sẽ kéo đàn còn cô gái sẽ ngậm Khêl, và giữa cả 2 kết nối với nhau là sợi chỉ mảnh mai, nhưng rất bền chặt, và hai tâm hồn gần như đã hòa quyện thành một. “Khi ấy, tiếng đàn Abel chính là tiếng lòng, tiếng từ trong tâm khảm, trong trái tim mình đang phát ra cho người mình thương. Chỉ cần nghe được tiếng đàn Abel, người thương sẽ hiểu được tình yêu của mình dành cho họ sâu sắc đến nhường nào...”, già Y Kông diễn giải.

 
Chiếc kèn Abel

Theo người C’tu, tiếng đàn Abel chính là đại diện cho tiếng nói tình yêu nam nữ vô cùng thiêng liêng. Đối với những đôi lứa yêu nhau, tiếng đàn Abel còn giúp cho tình cảm của họ luôn trong sáng. Tập tục của đồng bào C’tu, một khi chưa phải là vợ chồng thì nhất định không được quan hệ với nhau. Nhưng, giữa những nam nữ có quan hệ yêu đương với nhau, thôn làng người C’tu đều tạo điều kiện cho tìm hiểu, những cặp nam nữ có thể đến nhà đựng lúa của gia đình (thường cách nhà chính vài chục mét-PV) để vui chơi và ngủ cùng nhau nhiều ngày liền. Ngủ với nhau nhưng tuyệt nhiên cấm quan hệ. Nếu quan hệ, cả làng sẽ lập tức mang ra xử phạt vạ rất nặng, có thể bị đuổi ra khỏi làng vì tội làm hoen ố, mang lại xui xẻo cho các gia đình trong làng. Vì vậy, trong những ngày vui chơi, tìm hiểu giữa những cặp nam nữ, Abel chính là một nhạc cụ để các cặp đôi cùng nhau thộ lộ tình yêu của mình dành cho người kia sâu nặng đến thế nào. Họ cùng nhau kéo đàn Abel suốt ngày, suốt đêm cho thỏa những yêu thương...

Nhưng, không phải cặp đôi nào cũng thành. Nhiều cặp đôi dù đã gặp nhau, yêu thương nhau vẫn không đến được với nhau do cha mẹ nghèo, muốn gả con vào nhà có nhiều thóc lúa, để gia đình đỡ khổ. Nhiều thanh niên C’tu vẫn bị cha mẹ buộc cưới những phụ nữ chết chồng đã 50-60 tuổi, nhưng có nhiều của nả. Khi ấy, tiếng đàn Abel trở thành một công cụ để chia sẻ những tâm tư, tình cảm của những đôi yêu nhau mà không được thành vợ thành chồng. Một trong những điệu nhạc quen thuộc của những cặp đôi bất hạnh đó là giai điệu nỉ non: “Em ơi tối đêm nay ở đây cho vui vẻ... Mọi điều đều do cha mẹ quyết định rồi... Dù có yêu, có thương mấy thì chúng ta cũng không thể vượt qua... Thôi thì chúng ta hãy cùng nhau trò chuyện. Để lưu lại những ký ức đẹp...”. Và khi những giọt nước mắt chia ly nhỏ xuống, chỉ tiếng đàn Abel mới đủ sức xoa dịu nỗi đau mất mát ấy bằng tiếng kèn nỉ non, dịu dàng...

Diệu Hiền

 >> Nhạc cụ độc đáo
>> Nhạc cụ cổ xưa nhất
>> Học chơi nhạc cụ tăng kỹ năng vận động
>> Cậu bé mù chơi 5 nhạc cụ
>> Học nhạc cụ giúp tăng IQ
>> Đàn nón - nhạc cụ dân tộc mới nhất của Việt Nam?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.