Đọc ‘Điểm đến của cuộc đời’ để biết trân quý cuộc sống hơn

05/12/2020 10:00 GMT+7

Có bao giờ bạn đọc một cuốn sách mà không muốn buông xuống? Và bạn còn lưu mãi trong mình những xáo trộn, day dứt tâm can... Tôi đã có tâm trạng ấy khi đọc Điểm đến của cuộc đời (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2020) của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Ngay từ bìa sách đã có lời giới thiệu “Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống”. Lẽ hiển nhiên, nhiều người không muốn nói đến cái chết, thậm chí họ lảng tránh và không dám đối diện. Đặng Hoàng Giang lại tìm hiểu về nó, ông gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của những người sắp rời khỏi thế gian, đi cùng họ trong những ngày cuối cùng đáng nhớ.
Cuốn sách Điểm đến của cuộc đời gồm ba câu chuyện, cũng là ba cuộc đời nay đã hóa hư vô. Tôi khóc nhiều nhất với câu chuyện của mẹ Hà và bé Nam. Chị Hà là một bà mẹ mạnh mẽ và hiểu biết. Nam, cậu con trai tám tuổi của chị mắc bệnh ung thư xương. Đó là cậu bé ngoan, hồn nhiên và trong sáng. Những câu nói ngô nghê của con làm chị Hà đứt từng khúc ruột. Chị không giấu bệnh với con, chị muốn cùng con đón nhận bởi điều này chẳng thể nào thay đổi. Hai mẹ con đã chấp nhận sự thật về bệnh tật, trải qua những cuộc sinh thiết, truyền hóa chất và cắt bỏ chân. Trước mặt con thì mẹ Hà cứng cỏi nhưng trong chị, mọi đớn đau đã đến tận cùng. Khi hồi tưởng lại phút giây cuối cùng của con trai, chị Hà vẫn bảo mình may mắn, bởi trước đó Nam đã kịp nói lời tạm biệt mẹ. “Không một lời nào có thể mô tả nỗi đau này”. Một người mẹ mất con, buông tay con và không cứu được, đó là nỗi đau vĩnh viễn không bao giờ nguôi ngoai.
Câu chuyện thứ hai là của cô gái trẻ, tên Liên. Liên là một cô gái nghị lực và khát khao sống. Cô phải chiến đấu với bệnh tật giữa lúc nhiều ước mơ, dự định còn bỏ ngỏ. Liên vừa làm hóa trị, vừa làm luận án tốt nghiệp. Cô chống chọi và vượt qua ngưỡng thời gian mà các bác sĩ tiên đoán bằng nghị lực, sự bình thản và hài hước. Những người sắp đi xa, họ sẽ kết thúc hành trình ở nhân gian này một cách đau đớn nhưng lại luôn nghĩ cho người đang sống. Liên cũng vậy, cô bảo sẽ nhiều người buồn khi cô mất đi nhưng ba mẹ cô là người đau buồn và day dứt nhất. Thế nhưng, ở đâu đó trong lòng cô gái trẻ, nỗi lấn cấn về tình yêu vẫn còn đó. Những ngày cuối đời, người từng làm tổn thương cô xin gặp mặt nhưng Liên không đồng ý, bởi cô nghĩ họ gặp mặt để bản thân họ thanh thản chứ không phải thực sự nghĩ cho cô.
Câu chuyện cuối cùng là của Vân, một chị gái ở Thanh Hóa. Câu chuyện của chị có lẽ gợi nhiều suy nghĩ về việc lựa chọn cái chết nhân đạo và nghĩa cử hiến giác mạc, hiến xác cho y học. Ở nước ta, vấn đề này luôn nhạy cảm bởi những quan niệm truyền thống của người Việt. Chị Vân có hai đứa con gái, lúc mắc bệnh, đứa nhỏ nhất chỉ mới bốn tháng tuổi, mẹ chồng phải bồng đi xin sữa khắp làng. Chồng chị là anh chàng nhà quê cục mịch, không tỏ bày tình cảm như người ta nhưng anh ngủ ngoài ghế bệnh viện hàng đêm để tiết kiệm tiền mua thuốc cho vợ. Dù vợ cau có, khó chịu, mỗi ngày anh đều lau dọn, tắm rửa cho vợ. Trước đó chị nghĩ hai vợ chồng chẳng có tình cảm sâu nặng gì nhưng đến khi nằm bệnh, tình yêu lại được nuôi dưỡng sâu đậm nhất.
Sinh mạng của con người vốn dĩ là một biến số. Chẳng ai đo lường hay biết trước được mình và người khác sẽ sống được bao lâu. Đến khi thân thể mang bệnh tật, người ta nhận án tử và tính thời gian sống bằng ngày, bằng giờ, bằng phút. Cả bé Nam, Liên, chị Vân và gia đình của họ đều trải qua những đớn đau về thể xác, tinh thần. Liên từng nói, “Cái câu cố lên nhiều lúc làm người ta mệt lắm anh à. Nó tước khỏi người ta quyền được mệt mỏi, được khóc, không ngừng đẩy người ta lên bục anh hùng”. Ở hoàn cảnh của họ, không ai cố gắng để làm anh hùng. Họ đã sống thật nhất và muốn sống thật nhất. Đọc Điểm đến của cuộc đời, tôi thực sự đồng cảm và kính trọng tác giả, chính ông cũng bộc bạch quãng thời gian ông ghi lại những câu chuyện này, bản thân ông đã trải qua những cảm xúc đan xen, rối bời. Cảm giác chứng kiến người ta vật vã giành sự sống, ngó vào nơi thẳm sâu nhất của con người, nơi đó họ loay hoay chuẩn bị cho sự dời đi của mình, thấy được điều đẹp đẽ và cả sự sụp đổ.
Mỗi câu chuyện, mỗi chi tiết và lời nói của nhân vật khiến tôi phải dừng lại bởi quá xót xa. Có nhiều người e ngại với những cuốn sách buồn bã như thế này nhưng tôi vẫn muốn khẳng định rằng, với Điểm đến của cuộc đời, bạn nên đọc ít nhất một lần, để biết rằng những mệt mỏi của mình trong đời sống này, những nỗi buồn, cơn thất tình, bực dọc thường hằng chẳng là gì, quá sức bé mọn và vụn vặt, không nghĩa lý. Thấy mình bé nhỏ và nhiều khi vớ vẩn trước vài ba dự định hẹp hòi của bản thân.
Đọc Điểm đến của cuộc đời, bạn sẽ nhận ra rằng, việc không phải cố gắng nắm níu từng hơi thở đôi khi đã là một hạnh phúc. Không phải chứng kiến người thương của mình đớn đau bệnh tật là một ơn may. Hiểu được cốt yếu điều này, mong chúng ta sẽ sống một cuộc đời an lạc hơn, bỏ bớt dăm ba sân si, tị hiềm để thực sự cảm nhận và trân trọng bình an đang có…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.