Đọc Khi đồng minh tháo chạy - Kỳ 3: Có vay được cũng khó nuốt

19/08/2005 23:35 GMT+7

Khi nguồn viện trợ và chi tiêu của Hoa Kỳ giảm xuống thê thảm, Thiệu bàn với phụ tá đặc biệt của mình cách "đi tìm những nguồn viện trợ khác". Hưng viết "tôi nghĩ ngay đến Ngân hàng Thế giới (World Bank) và cho đây sẽ là nguồn chính". (tr.180)

Ngân hàng Thế giới (NHTG) thành lập từ sau Thế chiến thứ hai nhằm tài trợ tái thiết các nước, nên mang tên Ngân hàng Tái thiết và phát triển thế giới (International Bank for Reconstruction and Development, viết tắt: IBRD). Nguyễn Tiến Hưng rất kỳ vọng vào đồng đô la vay được từ tổ chức này nhờ hai lý do. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) là thành viên kỳ cựu của NHTG từ  1956. Mãi đến những năm đầu 1970, mặc dù NHTG đã "cho các quốc gia hậu tiến vay một lượng tiền lớn", song miền Nam "chưa vay một xu nào" (vì được Hoa Kỳ viện trợ). Thứ hai, thời điểm vay nằm sau ngày Hiệp định Paris 1973 ký kết, lúc "miền Nam đang bắt đầu công việc tái thiết nền kinh tế bị tàn phá vì một cuộc chiến kéo dài", nên có danh chính ngôn thuận để vay. Lại thêm, về phương diện tình cảm, ông Chủ tịch NHTG là người "quá quen thuộc", từng gắn bó với Sài Gòn, đó là cựu Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ: Robert Mc Namara. Lúc ấy tuy "Mc Namara không còn dính dáng gì đến Việt Nam nữa, nhưng hy vọng ông còn chút ít tình cảm đối với nhân dân miền Nam. Ông là người có trách nhiệm đem nửa triệu quân Mỹ vào Việt Nam và điều khiển việc leo thang chiến tranh. Chính ông là người đã cho trắc nghiệm chương trình khai hoang bằng chất hóa học da cam (agent orange) ở Việt Nam, gây không biết bao tai hại". Cũng dưới thời Mc Namara, hiệu quả hoạt động của quân đội Hoa Kỳ "được đo lường một cách hết sức máy móc (xa thực tế) bằng xác định quân và những bảng liệt kê vũ khí chiếm được. Sau bao nhiêu sai lầm, ông ngang nhiên bỏ cuộc, xin làm Chủ tịch NHTG. Vì cái dĩ vãng đó, tôi chắc lương tâm ông nầy còn chút dằn vặt. Gõ cửa NHTG qua ông thì chắc ăn rồi". (tr.181)

Nhưng không phải vậy. Trái lại, khi Hưng bấm nút thang máy trụ sở NHTG lên lầu thứ 12 gặp "ông chủ tịch", trình bày gãy gọn nhu cầu tái thiết ở miền Nam để "hỏi ý kiến ông" về khoản tiền 50 triệu đô la muốn vay đợt đầu, thì Mc Namara cố tình "không hiểu" những gì Hưng nói, cũng không đả động đến khó khăn của Sài Gòn. Thay vào đó, Mc Namara lại nhấn mạnh tới "khó khăn của NHTG ". Mặc cho Nguyễn Tiến Hưng ngồi đó với "dự án tái thiết" trong đầu và với "hy vọng vào thái độ thông cảm của ông cựu Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ", Mc Namara vẫn cứ phớt tỉnh chậm rãi phàn nàn về việc Quốc hội Hoa Kỳ không chịu tăng ngân khoản đóng góp cho NHTG:
- Tôi muốn giúp "nước ông" lắm chứ, nhưng nếu Quốc hội không chấp thuận ngân khoản cho Hiệp hội Phát triển quốc tế IDA thì tôi cũng đành chịu bó tay.

Mc Namara nói trớ qua như thế. IDA là một cơ quan trợ giúp các nước nghèo của NHTG. Nguyễn Tiến Hưng viết: "Tôi nhắc ông (Mc Namara) rằng Việt Nam Cộng Hòa là một trong những thành viên kỳ cựu nhất của NHTG và chưa hề vay mượn đồng nào của cơ quan này trong gần 20 năm qua. Tiếp tục trình bày, tôi còn tránh không nói tới việc xây dựng lại hạ tầng cơ sở bị tàn phá bởi chiến tranh và chỉ nói tới nhu cầu phát triển canh nông của miền Nam: "Vâng, vấn đề canh nông bao giờ cũng hấp dẫn đối với tôi - Mc Namara trả lời - Ngân hàng đang có một vài dự án quan trọng về gạo Thần nông". Mc Namara lại cố lái câu chuyện qua đề tài khác rồi "đứng dậy đi tới bàn giấy của ông, lấy một hộp pha lê đựng gạo mẫu Thần nông đưa cho tôi xem. "Thưa ông, hiện nay Việt Nam Cộng hòa là quốc gia duy nhất trên thế giới cần đến chương trình tái thiết thời hậu chiến", tôi cứ tiếp tục đầu đề chính của buổi họp mặt. Nhưng Mc Namara lại quay về câu chuyện "thần nông" (...). Ông không nhìn tôi nữa mà cứ nhìn vào hộp gạo (...). Đến đây thì tôi đã thấy rõ thái độ (phũ phàng, tránh né) của ông này rồi. "Cám ơn ông chủ tịch, tôi đã nhìn thấy cả loại IR-8 rồi, còn tốt hơn IR-3". Thấy tôi không chú ý tới đề tài của mình nữa, ông ngừng và mời tôi uống ly cà phê đen để sẵn trên bàn:

- Cám ơn ông chủ tịch, tôi nghĩ trước hết chúng tôi còn phải giải quyết vấn đề "hóa học da cam" trước khi có thể mở rộng diện tích canh tác lúa thần nông!. (Tr.182).
Nói câu châm chích đó xong, ông Hưng đứng dậy chào Mc Namara và ra về. Sau lưng ông, có thể Mc Namara đang đỏ bừng mặt, vì chất độc màu da cam tội lỗi mà Mc Namara cho rải xuống Việt Nam vừa bị Hưng nhắc tới và mỉa mai. Phần Hưng, ông bước xuống thang máy trong tâm thái chán chường và nghĩ có lẽ NHTG quay lưng với chế độ VNCH để "chỉ muốn dồn tiền bạc vào những nước mà Mỹ đang còn o bế như Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan". Thất vọng, Sài Gòn hướng về châu u. Bấy giờ (1974) Pháp đã cử ông Jean Marie Mérillon tới Sài Gòn làm đại sứ (sau 7 năm cắt quãng ngoại giao tính từ 1966) và đề nghị cho Sài Gòn vay.

Để xúc tiến, một phái đoàn do Nguyễn Tiến Hưng làm trưởng đoàn gồm các chuyên gia trẻ và những người xuất thân từ các đại học lớn ở nước ngoài, được cử sang Pháp và "chỉ sau một ngày làm việc đã nhận ra là thể thức viện trợ Pháp không có đơn giản. Tuy nói là chính phủ cho vay dài hạn và với lãi suất ưu đãi, nhưng luật lệ lại đòi là "mỗi một đồng quan (franc) viện trợ của chính phủ phải kèm theo một đồng quan của ngân hàng tư", do Hiệp hội Ngân hàng COFACE điều hành. Mới nghe thì thấy có vẻ hợp lý vì có sự tham gia của lãnh vực tư. Nhưng có bắt tay vào việc mới thấy đây là một trở ngại lớn cho quốc gia nhận viện trợ. Trở ngại đó là: Tiền của Chính phủ Pháp thì cho vay dài hạn và lãi suất thấp, nhưng tiền của các ngân hàng tư thì lại ngắn hạn và lãi suất cao. Tính ra thì "phần tặng dư" hay cho không (grand element)  rất thấp. Cho nên xét cho kỹ thì mô hình này không hấp dẫn như ta tưởng. Ngoài ra, còn một điều kiện khác nữa: quốc gia nhận viện trợ phải mua hàng của Pháp" (tr.184). Cuối cùng, Pháp đồng ý cho vay 130 triệu quan, tương đương 26 triệu đôla, mà Sài Gòn định dùng phát triển nông nghiệp và giải quyết phần nào nạn thất nghiệp, nạo vét kênh rạch sình lầy ở khu Thị Nghè, cầu Công Lý, hồ Than Thở (Đà Lạt)... Nhưng Pháp tạo áp lực muốn Sài Gòn dùng tiền ấy mua máy nhiệt điện, hệ thống phát sóng tối tân cho đài truyền hình, điện thoại, xe đạp Peugeot. Do "phía Việt Nam không đồng ý nên viện trợ bị khựng lại". Bấy giờ Đại sứ Merillon gặp ông Thiệu bảo là nếu viện trợ năm nay "có sẵn" không chịu nhận thì "làm sao nói đến viện trợ năm tới?". Thiệu liền gặp riêng Hưng, nói đại ý lúc này cần từng đồng, từng xu, thôi cứ thuận theo họ cho ổn đi đã.

Sau Pháp, Sài Gòn thử hướng về các nước giàu có ở châu Á, nhất là Nhật. Theo Nguyễn Tiến Hưng, tuy thể thức vay của Nhật đỡ gò bó hơn Pháp, cho phép vay dài hạn, nhẹ lãi, song chẳng khác gì Pháp ở chỗ "Nhật cũng đòi phải mua hàng hóa của Nhật. Họ muốn dùng một phần tiền viện trợ để giúp "nhập cảng thương mại", nói trắng là gồm cả các loại hàng không cần thiết. Sài Gòn đã có cái biệt hiệu báo chí ngoại quốc gọi là Hondaville (thành phố của xe Honda Nhật), bây giờ chắc phải nhập thêm đồ phụ tùng cho xe Honda. (Nếu không, sợ mất lòng Nhật)?". Thật là, như tác giả thở dài, nếu có "vay được lại khó nuốt". Trong cơn nghẹn, Sài Gòn quay qua thăm dò các quốc gia thuộc khối dầu lửa Ả Rập. Và họ gặp được hai ông vua phóng khoáng, dễ chịu, cho vay nhẹ lãi, bất ngờ như chuyện cổ tích "nghìn lẻ một đêm".

(Xem tiếp kỳ sau)

Mai Nguyễn
(giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.