'Độc lạ' ý tưởng máy bay 'chim săn mồi' của Airbus

20/07/2019 15:08 GMT+7

Ý tưởng máy bay lai “chim săn mồi” được thiết kế lấy từ cảm hứng loài chim trong tự nhiên, và dựa trên nguyên lý khí động học của chúng để tiết kiệm nhiên liệu.

Airbus vừa tiết lộ một ý tưởng thiết kế mẫu máy bay mới có tên gọi là “Bird of Prey” (chim săn mồi) và nó có vẻ phù hợp với cái tên mà hãng đặt cho. Cụ thể, bề ngoài độc đáo của nó dễ gây tò mò nhưng cũng có thể khiến nhiều người e sợ. Mẫu máy bay này giống như một con chim “giận dữ” với nhiều động cơ đẩy tích hợp trên đôi cánh vuốt lên như lông vũ và một cái đuôi xòe ra như đuôi chim.
Nhiều người cho rằng, thân máy bay được sơn màu đồng này trông có vẻ giống… cá hơn là chim. Nhưng đáng nói hơn cả, dải “lông vũ” phía ngoài hai cánh cho thấy có vẻ như các nhà thiết kế đang quá mơ mộng khi đưa ra mẫu thiết kế như vậy. Airbus đã giới thiệu ý tưởng này tại triển lãm hàng không Royal International Air Tattoo ở Anh, may mắn là ông lớn hàng không của Pháp không có ý định sản xuất mẫu máy bay “quái vật ngoài hành tình” này, tốt nhất là thế.
Theo mô tả của các nhà thiết kế, hệ thống khí động học của nó kết hợp với các công nghệ đang phát triển có thể giúp Bird of Prey giảm tới 30-50% nhiên liệu đốt so với các máy bay hiện nay, một bước nhảy vọt về tính hiệu quả. Martin Aston - một giám đốc cấp cao của Airbus cho biết, “một trong những ưu tiên của ngành là làm thế nào để hàng không trở nên bền vững, sạch sẽ và thân thiện với môi trường hơn. Chúng tôi đã nhận ra điều này khi đưa mẫu máy bay A350 XWB vào sử dụng với công nghệ sinh học tiên tiến”.
Tuy nhiên, việc áp dụng các hệ thống động cơ lai và chạy bằng pin trong lĩnh vực này đang mất nhiều thời gian hơn ta tưởng, vì việc đưa máy bay lên không trung tốn rất nhiều năng lượng. Hiện tại, các thỏi pin quá nặng và đắt đỏ, mật độ và dung lượng lưu trữ pin hiện không đủ để đưa một chiếc máy bay vụt lên khỏi mặt đất. Hãy nhớ rằng, các nhiên liệu mà máy bay phản lực sử dụng hiện nay tạo ra một nguồn năng lượng mạnh gấp 43 lần so với thỏi pin cùng dung tích.
Theo TheVerge, ý tưởng của Airbus về khí động học dựa trên đặc điểm sinh học lấy cảm hứng từ thiên nhiên chắc chắn sẽ rất hấp dẫn, kết hợp với các công nghệ vật liệu mới sẽ giúp nó cứng cáp hơn. Airbus không đơn độc trong ý tưởng này, đội ngũ các nhà nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đang tìm cách chế tạo một loại cánh linh hoạt có thể “biến hình” khi bay, được chế tạo từ hàng ngàn mảnh polyetherimide rồi gia cố bằng cách ghép các mảnh này (được in 3D) lại và hoạt động như một cánh chim khi bay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.