Đọc lại Hữu Loan

03/01/2006 10:01 GMT+7

Thơ Hữu Loan thật thà, cảm động, cứng cỏi. Đọc thơ ông đã lâu nhưng tôi mới được gặp ông từ vài năm nay. Và Hữu Looan cũng giống như thơ ông: thật thà, cảm động, cứng cỏi. Đi với ông, tôi thấy từ quán cà phê nhỏ đến đến hội trường lớn, đâu đâu người ta cũng thuộc, cũng đọc bài thơ “Màu tím hoa sim” của ông. Rất thật thà, Hữu Loan mừng và tin bài thơ ấy đã sống được trong lòng người, đặc biệt là trong lòng người Miền Nam. Có phải vì người Miền Nam cũng có những nét giống ông: thật thà, cảm động, cứng cỏi.

Hữu Loan đã từng “giũ áo từ quan” (nếu thời cách mạng ta cũng có quan) từ hơn ba mươi năm trước, ông về quê Nga Sơn (Thanh Hóa) làm phu xe thồ chở đá kiếm sống. Vợ chồng ông sinh đẻ không có kế họach nên quá đông con, đời sống cực kỳ vất vả. Đã vậy, ông còn không ngớt bị người ta o ép, cô lập. Vậy mà ông chỉ cười. Tôi có nói đùa với ông là ở quê ông có ba người nổi tiếng: một là ông, hai là ông Hà Trọng Hòa nguyên Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, ba là ông gì nguyên Bí thư huyện Nga Sơn của ông. Nghe vậy, ông lại cười. Thì ra nổi tiếng cũng khó lắm chứ bộ !

Thơ Hữu Loan thật thà ở chỗ nào ? Xin dẫn chứng bài “Màu tím hoa sim”. Đây là bài thơ Hữu Loan khóc vợ, bà Lê Đỗ Thị Ninh.

Trong một thời (quá dài) chúng ta không công nhận bi kịch, không cho phép khóc than, thì bài thơ khóc vợ mình (chứ chưa dám khóc vợ ai) có vẻ yếu đuối quá, “tiểu tư sản” quá. Thậm chí dạo năm 57, 58 có người còn viết phê bình giễu Hữu Loan là “anh bộ đội sụt sịt” – nghe thật tàn nhẫn. Bi kịch trong bài thơ này nằm ngay hoàn cảnh ra đời của nó:

“Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương”

Hoàn cảnh như phi lý, không hợp qui luật trong chiến tranh. Nhưng hoàn cảnh ấy đã xảy ra, vợ nhà-thơ-lính đã mất, và ông khóc thương vợ bằng tất cả nỗi đau khổ tự lòng mình:

“Em ơi ! giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần !”

Sự cảm động của bài thơ do ở sự thật thà của người viết, từ bàng hoàng, ray rứt đến ám ảnh. Cái màu tím cứ hun hút kia dẫn ta về cõi nào, bài thơ đã mấp mé giữa hai bờ thực, ảo.

Cái hoàn cảnh phi lý cứ bám riết lấy cuộc đời Hữu Loan. Là một trong những hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng đến đại hội nhà văn lần IV vừa rồi, chuyện có nên mời Hữu Loan dự với tư cách hội viên hay không lại được  đưa ra bàn cãi. Hỏi có phải Hữu Loan bị khai trừ không, thì hóa ra không. Ông chỉ bị cảnh cáo nội bộ trong vụ Nhân Văn giai phẩm (tương đương với xử lý nội bộ bây giờ). Nhiều người đã trúng quả nhờ bị xử lý nội bộ. Hữu Loan thì không. Hôm rồi đọc báo Tuổi Trẻ thấy nói nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn mới làm đơn xin ra khỏi Hội Nhà văn, với lý do đơn giản: không thích. Tôi lấy làm mừng vì đây là chuyện bình thường. Nhưng nghĩ đến trường hợp Hữu Loan, lại thấy nó thế nào. Hữu Loan không làm đơn ra khỏi Hội, ông chỉ đơn giản bỏ về quê, thế thôi. Thiết nghĩ, Hội nhà ta nên rộng lòng rộng cửa đón đứa con lưu lạc (về quê lao động sản xuất mà gọi là lưu lạc ư ?) cho nó vui vẻ cả nhà.

Trước Tết con ngựa vừa rồi, trên đường “hành phương nam”, Hữu Loan ghé lại Quảng Ngãi vui chơi với chúng tôi ngót nửa tháng. Ông đã dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày sinh nhà thơ Bích Khê đã đi đọc thơ và nói chuyện thơ ở một số nơi. Tại những nơi đó, Hữu Loan như trẻ lại. Người nghe đã tiếp nhận ông (cả thơ và người) một cách chân tình và mừng vui. Bài thơ “Màu tím hoa sim” đã được đọc, được ngâm, được hát như thể nó là một bài thơ  vui chứ không phải như một trong những bài thơ buồn nhất của văn học Việt Nam. Trong một đêm thơ nhạc từ thiện gây quỹ giúp học sinh nghèo ở trường PTTH Tư Nghĩa, hàng nghìn người đã vỗ tay nồng nhiệt khi Hữu Loan xuất hiện với chòm râu cước và giọng nói xứ Thanh thật thà.

Bảy mươi lăm tuổi, dù là nhà thơ, thì cũng phải được nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu, bạn bè. Nhưng xem ra Hữu Loan vẫn còn lận đận. Sáng 25 Tết Ngựa, nhạc sĩ Trần Hinh ở Qui Nhơn tiễn Hữu Loan ra xe đò đi Nha Trang, để lại đi tiếp. Không biết rồi Hữu Loan đón xuân ở đâu ? Dạo cuối năm ngoái trong một chuyến xe đò, tôi có gặp một ngư dân ở Diễn Châu làm nghề câu mực, anh đang trên đường vào Nam tìm đất sống và nước sống (hay biển sống). Tôi chợt nghĩ đến thân phận Hữu Loan cũng giống như người câu mực ấy. Và nhà thơ, nói chung, cũng giống như người câu mực, và những bài thơ của anh, cũng giống như những con mực mà anh câu được. Nhiều khi đọc một bài thơ, người ta hay nhầm cái túi mực và con mực. Con mực nào chẳng có túi mực để tự vệ, cũng như bài thơ đích thực nào chẳng có cái phần mù mờ của nó, chắc cũng để tự vệ. Chấp nhận bài thơ là chấp nhận nguyên con, như con mực sống. Lại hiện trước tôi một Hữu Loan – người-câu- mực: thật thà, cảm động, cứng cỏi. Bây giờ ông đang buông câu ở vùng biển nào ?

Thanh Thảo

(Thanh Niên 25/3/1990)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.