Đọc Lời cảm ơn ngọn lửa (NXB Trẻ 1999 của tác giả Nguyễn Công Khế)

22/12/2005 14:53 GMT+7

"Thế nào là một nhà báo? - Đó không phải là một người quản lý kinh doanh hoặc một người xuất bản và cũng không phải một sở hữu trong ngành báo chí. Một nhà báo là một người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền nhà nước. Anh ta ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời khi thời tiết tốt. Anh xuất hiện trong sương mù và bão tố để dẫn đầu trong việc báo trước những nguy hiểm...".

Lời của ký giả bậc thầy Joseph Pulitzer vẫn còn ý nghĩa đối với chúng ta. Đọc Lời cảm ơn ngọn lửa của tác giả Nguyễn Công Khế, tôi càng thấm thêm điều đó. Thật vậy, với vai trò một tổng biên tập - nhưng anh Nguyễn Công Khế vẫn không ngừng lao động miệt mài trên trang viết. Anh đã sống với niềm vui của một nhà báo khi cảm nhận được mọi vấn đề thời sự.

Khi nhìn qua những sự kiện đổi mới từng ngày, từng giờ trên đất nước ta, Nguyễn Công Khế đã trân trọng đặt bút: "Xin nghìn lần cảm ơn ngọn lửa đem lại cho con người nồi cơm" (tr.16). Những người đốt lửa ấy, có những lúc cũng gặp khó khăn nên anh chia sẻ với họ và tự nhủ: "Thông tin trung thực nhiều chiều và có trách nhiệm của báo chí cũng góp vào việc củng cố niềm tin của quần chúng" (tr.19). Điều đáng quý, là ở cương vị của mình, mọi thời tiết chính trị, xã hội đều được anh quan tâm đến. Trước hết, đó là sự "nối nhịp" của con đường sắt xuyên Việt dài 1.730 km đã âm vang tiếng còi tàu Thống Nhất. Là việc thông tin "một cây cầu bắc qua sông Tiền" (tr.36). Thật ra, từ sự "nối nhịp" qua sự vật cụ thể, Nguyễn Công Khế đã đặt vấn đề có tầm vóc khái quát hơn: "Những cây cầu bắc qua sông lớn sẽ tạo cơ hội để chúng ta đi nhanh hơn. Song những cây cầu bắc qua ý thức của mỗi con người để chúng ta hiểu được sự bức bách và những tai hại của sự chậm trễ, thì chưa phải ai cũng hiểu được để cũng nhau rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta với thế giới bên ngoài" (tr.94). Tự ý thức như thế nên những chuyến công tác ra nước ngoài - nói như nhà nghiên cứu, nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng - thì anh đều "có dịp so sánh, suy nghĩ và hy vọng". Đến bất cứ nơi đâu, anh đều "muốn giới thiệu" cái gì đó của Việt Nam với bạn bè các nước.

Đấy cũng là suy nghĩ của bất kỳ một nhà báo nào có trách nhiệm với đất nước. Nội lực giữa chúng ta và thế giới vẫn còn một khoảng cách lớn, khi nhìn thấy điều đó, anh mạnh dạn nêu lên mặt báo để mọi người cùng suy nghĩ, chứ không giấu giếm, không ngoài mục đích "gấp rút chạy đua với thời gian may ra mới có thể hòa nhập và đuổi kịp" với thế giới bên ngoài. Những trang viết tâm huyết như thế xuyên suốt trong tập Lời cảm ơn ngọn lửa.

Với anh, 20 năm cầm bút và trăn trở với từng vấn đề của xã hội để nay tập hợp lại trong tập sách này, có những vấn đề đã đi qua mà cũng còn đó những vấn đề nóng bỏng ý nghĩa thời sự. Nhưng người đọc đã thấy được cái tâm của một ngòi bút luôn tự ý thức "cái mới không dễ dàng vượt qua, các thử thách cũng không kém gay gắt, nhưng nhất định công cuộc đổi mới là không đảo ngược. Cái mới đã đi vào hiện thực cuộc sống (tr.19). Niềm tin này có được cũng chính là lý tưởng mà anh đã chọn từ khi tham gia phong trào SVHS ở đô thị miền Nam, từng bị tù đày trong nhà lao Mỹ - ngụy... Qua nhiều năm tháng, còn giữ được ngọn lửa của niềm tin và thể hiện có trách nhiệm trên từng trang viết.

Lê Minh Quốc
(Báo Phụ nữ Việt Nam)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.