Theo nhạc sĩ Dương Trường Giang, trên thế giới từng có việc ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift phải ra lại cả album chỉ vì hãng thu âm album của cô do kinh doanh khó khăn đã bán hết quyền sở hữu hãng đĩa cho một công ty khác. “Đó là việc không may và rất đáng tiếc”, nhạc sĩ nói. Còn với vụ việc vừa xảy ra trong làng nhạc Việt, anh cho rằng: “Nhạc sĩ không nên tự hủy bỏ tất cả sản phẩm âm nhạc của mình, bởi âm nhạc mang giá trị nghệ thuật, văn hóa với nhiều người chứ không phải riêng một ai”.
Bán độc quyền xong có nên bán độc quyền tiếp ?
Nhạc sĩ Dương Trường Giang - tác giả bản hit Phố không mùa, cho biết anh có thể sáng tác theo đặt hàng của ca sĩ hoặc ca sĩ mua ca khúc trong kho sáng tác của anh. Với những giao dịch như thế, nhạc sĩ và ca sĩ (hoặc phía đại diện) đều thỏa thuận bằng hợp đồng. “Thường thời gian ca sĩ mua độc quyền ca khúc khoảng 1 - 2 năm, và trong khoảng thời gian độc quyền ca khúc, ca sĩ có toàn quyền sử dụng, sau đó nhạc sĩ có thể tiếp tục bán ca khúc”, nhạc sĩ Dương Trường Giang nói. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhắc lại câu chuyện bán độc quyền ca khúc Hà Nội 12 mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Son. “Trong 2 năm ca khúc được bán độc quyền cho một ca sĩ, vì lý do nào đó, ca sĩ này chưa ra sản phẩm, nhưng nhạc sĩ cũng không làm gì được. Chỉ sau khoảng thời gian đó, nhạc sĩ Giáng Son mới có thể bán tác quyền ca khúc cho người khác”, ông Nguyễn Quang Long nói.
Theo nhạc sĩ Dương Trường Giang, sau thời gian bán độc quyền ca khúc ở lần đầu tiên, nhạc sĩ có quyền tiếp tục bán ca khúc độc quyền (cho một người toàn quyền sử dụng) hoặc bán tác quyền (cho nhiều người quyền sử dụng). Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận thì cho rằng: “Tôi chỉ bán độc quyền ca khúc với ca sĩ sử dụng lần đầu, còn những lần sau, là bán tác quyền”, và nói thêm: “Rất hiếm có ai bán độc quyền tác phẩm cho một ca sĩ/đơn vị khác sau khi đã từng có ca sĩ độc quyền và phát hành trước đó, vì như vậy sẽ bị va chạm chồng chéo rất nhiều giữa người sử dụng trước và sau. Không lẽ vì bán cho người sau rồi chúng ta bắt những người đã sử dụng trước không được biểu diễn nữa và gỡ hết các clip đã phát hành trước đó xuống?”.
Về trường hợp ca sĩ Nathan Lee vừa “mua đứt” những bản “hit” của Cao Thái Sơn do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác (Con đường mưa, Pha lê tím, Tình yêu trở lại, Cầu vồng sau mưa), nhạc sĩ Dương Trường Giang không đồng tình với cách cư xử của cả người bán lẫn người mua. “Nhạc sĩ có thể bán tác quyền cho ca sĩ Nathan Lee, nhưng bán độc quyền theo kiểu xóa sạch những ca khúc của chính mình trên nền tảng YouTube cũng như các nền tảng nghe nhìn khác do ca sĩ từng đưa tên tuổi của mình lên thể hiện thì thực sự không ổn”, nhạc sĩ Dương Trường Giang bày tỏ. “Đây có lẽ là lần đầu tiên có một cuộc “mua đứt bán đoạn” ca khúc như thế trong làng nhạc Việt. Nếu vì mục đích nghệ thuật thì có thể không nói vì mỗi nghệ sĩ có chiến lược riêng, và mua bán là quyền của người có nhu cầu (mua) và quyền của người sở hữu tác phẩm (bán), còn nếu vì mục đích cá nhân thì không nên để xảy ra việc như thế; bởi ca khúc đi vào đời sống đã mang dấu ấn cá nhân của ca sĩ từng thể hiện”, ông Long nhìn nhận.
Để ca khúc lan tỏa sâu rộng
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho biết nếu ngày xưa ca sĩ mua độc quyền ca khúc với mục đích chính là đi diễn và ra CD không bị “đụng hàng” với ca sĩ khác, nguồn thu của ca sĩ từ ca khúc cũng chỉ từ việc biểu diễn sân khấu và kinh doanh CD, thì nay nguồn thu về từ một sản phẩm âm nhạc đa dạng hơn: ngoài biểu diễn, phát hành CD còn có thêm các nguồn từ những trang nhạc số, nghe nhạc trực tuyến, từ lượt xem clip ca khúc trên các nền tảng giải trí, các hoạt động phát sinh bản quyền trí tuệ từ bài hát đã thành sản phẩm. Vậy nên ở thời đại 4.0, việc nhạc sĩ đem bán độc quyền và bán đứt toàn quyền khai thác một ca khúc cho các đơn vị khác của nhạc sĩ, theo Nguyễn Hồng Thuận, là không còn phù hợp.
Nếu 25 - 20 năm trước, nhạc sĩ chỉ đơn giản ký bán độc quyền mà không nghĩ ngợi gì thì ngày nay đã khác, quyền lợi phát sinh từ một ca khúc về lâu dài đôi khi nhiều gấp nhiều lần mức giá bán độc quyền một ca khúc. Đó là lý do gần đây nhiều nhạc sĩ không còn ký bán độc quyền nữa. Bởi “Một ca khúc được nhiều ca sĩ hát sẽ lan tỏa nhanh và rộng hơn chỉ có một người hát. Việc ký độc quyền sẽ là ràng buộc làm hạn chế độ phổ biến của ca khúc”, Nguyễn Hồng Thuận nhìn nhận, và cho biết 2 năm nay anh “chỉ mời ca sĩ cộng tác để cùng nhau có sản phẩm, cùng khai thác trên cơ sở win - win”.
|
Cần hiểu rõ và hiểu đúng luật
Trao đổi về vấn đề mua bán độc quyền, bản quyền ca khúc, luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, cho rằng: “Theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ hiện hành tại VN, không tồn tại các thuật ngữ “bản quyền”, “độc quyền ca khúc” hay “tác quyền” mà chỉ tồn tại thuật ngữ là “quyền tác giả” và “quyền liên quan đến quyền tác giả”.
“Có thể hiểu việc mua bán “độc quyền ca khúc”, mua bán “bản quyền”, mua bán “tác quyền” hiện nay do không dùng đúng thuật ngữ, cách hiểu của quy định pháp luật nên xảy ra các nhầm lẫn không đáng có. Cụ thể hơn, đó là không có các thỏa thuận một cách rõ ràng về “phạm vi chuyển giao trong các giao dịch” này dẫn đến việc mọi người sẽ hiểu sai phần quyền của các bên sau khi thực hiện việc mua bán “bản quyền”, “tác quyền”, “độc quyền” như đang diễn ra trong thực tế”, luật sư Tuấn nói.
Theo anh, “Cũng vì không rõ “phạm vi chuyển giao quyền” nên xảy việc cấp phép chồng chéo nhau giữa các bên được cấp phép. Và một trong những lý do khiến xảy ra tranh chấp nhiều nhất, là khi tác giả cấp phép lần đầu (độc quyền hoặc không), cả hai bên không lường trước đến phạm vi sử dụng có thể mở rộng đến các phương tiện kỹ thuật số hoặc trên môi trường mạng internet như hiện nay”.
Bình luận (0)