Mai Phương Linh, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, thường xuyên đọc ebook vì tiện lợi. "Khi vào đại học mình đã chuyển sang đọc sách bằng ebook. Vì ebook có thể tìm và mua để đọc trực tiếp mà không cần ra hiệu sách. Ở ký túc xá không gian hạn chế để có thể cất trữ sách giấy nên đọc trên điện thoại cũng rất tiện. Mình là người thích sách nên không ngại đọc trên nền tảng nào".
Phương Linh cũng luôn trân quý những cuốn sách giấy mà bản thân sưu tầm được. "Đọc sách vẫn giữ một vai trò quan trọng trong xã hội hiện nay. Bởi vì không phải sách nào tìm trên mạng cũng có được. Nếu muốn đọc sách của các tác giả thời trước hay những cuốn sách quý thì phải tốn công… săn lùng. Cảm giác đọc sách giấy khác với ebook. Và mình vẫn trân trọng những khoảnh khắc khi tìm đọc được một cuốn sách hay".
Lê Trà My, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng rất yêu đọc sách. Chính việc đọc sách đã góp phần giúp Trà My trúng tuyển vào ngành văn học của trường này. "Mình rất thích đọc tiểu thuyết, truyện trinh thám, những quyển sách thiên về tâm lý con người. Hằng ngày, mình luôn dành ra một khoảng thời gian cố định trước khi ngủ để đọc sách".
Lê Hoài Lâm (22 tuổi), ngụ P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chia sẻ: "Sách là nguồn tri thức vô cùng bổ ích và rất quan trọng. Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ số nên phương thức đọc cũng trở nên đa dạng. Tuy không đọc sách giấy nhưng mình có một kho sách điện tử liên quan đến lịch sử vì bản thân là người đam mê nghiên cứu. Sách giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn, rèn luyện khả năng tư duy, phân tích vấn đề và có thời gian suy ngẫm trước một số tình huống".
Thạc sĩ văn học Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: "Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội và thế giới công nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức giải trí để đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, song nhìn chung đọc sách vẫn là một lựa chọn tiếp cận thông tin, mở mang kiến thức và giải trí đối với những người trẻ".
Thạc sĩ Xuân Dung cho biết: "Khác với trước đây chủ yếu chỉ có hình thức đọc sách giấy truyền thống, các công nghệ hay phương tiện truyền thông mới đã làm nảy sinh những định dạng sách khác như sách điện tử, sách nói… tiện lợi hơn và đáp ứng nhu cầu của độc giả. Thể loại sách đa dạng hơn, các bạn không chỉ đọc truyện tranh hay sách văn học mà còn tiếp cận nhiều thể loại sách khác như kỹ năng, kinh doanh, triết học, tâm lý… Ngoài ra, nhờ có các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mà bạn trẻ có thể tham gia những cộng đồng hay diễn đàn yêu thích sách để cùng thảo luận, chia sẻ mọi vấn đề mình quan tâm hay một số quyển sách yêu thích".
"Trong thời đại công nghệ số, khi mà ngày càng có nhiều lựa chọn giải trí và phương tiện mạng xã hội khác nhau thì đọc sách ngày càng cần thiết với giới trẻ. Trước tiên là cân bằng giữa thế giới ảo và thực, để các bạn tránh bị cuốn vào những trò chơi điện tử hoặc mạng xã hội quá nhiều. Ngoài ra, khi thông tin trở nên đa dạng và dễ dàng tiếp cận hơn, đôi lúc có phần trở nên tràn lan, quá tải thì đọc sách sẽ rèn luyện khả năng tập trung và tư duy logic. Qua đó, các bạn có thể tiếp cận, chọn lọc và thu vào những nguồn thông tin xác thực, đáng tin cậy", thạc sĩ Xuân Dung nhận xét.
Bình luận (0)