Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - năm 2023:

Đọc sách trong tầm tay

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/04/2023 07:28 GMT+7

Văn hóa đọc, việc xuất bản sách sẽ phát triển nếu những cuốn sách luôn rất gần với người đọc kể cả tinh thần lẫn vật lý. Như thế, việc đọc sách sẽ luôn trong tầm tay.

Dưới tán cây ước mơ

"Góc ấn tượng" tại Thư viện văn hóa thiếu nhi ở Thư viện Quốc gia (Hà Nội) có lẽ là những "cây ước mơ" đồ sộ. Các em có thể ngồi dưới những tán cây này, đọc sách trong "khu vườn sách" để nuôi thêm trí tưởng tượng, thêm ước mơ cho mình. Tạo hình cây cũng được sử dụng ở phòng đọc dành cho thiếu nhi tại Thư viện Hà Nội, ở đó có những giá sách hình cây. Cả hai đều là những dự án văn hóa VN - Hàn Quốc.

Đọc sách trong tầm tay - Ảnh 1.

Đọc sách ở Thư viện Hà Nội

Hương Sen

"Thời gian này, các không gian để tổ chức đọc sách cho trẻ em đã được cải thiện nhiều, đẹp hơn, tiện hơn", theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương - người theo đuổi việc tạo thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ cho cộng đồng.

Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng các thư viện cho trẻ ở VN vẫn thiếu điều mà thư viện Nhật Bản làm thường xuyên là một bản tin sách. "Họ có cái bảng ở đó và học sinh khi đọc xong cuốn sách thì có thể ghi cảm tưởng và ghim dán lên đấy, bạn đọc sau đến đấy biết nên đọc cuốn gì. Thư viện cũng giới thiệu sách mới và sách đang được chú ý trên bảng vì bạt ngàn sách mà. Độc giả sẽ biết cuốn này trong tuần, trong tháng vừa xuất bản, đang được dư luận chú ý", ông Vương thông tin.

Theo ông, không chỉ trẻ em, cả người lớn cũng cần được hỗ trợ việc đọc qua giới thiệu ở thư viện. "Phụ huynh nhiều lúc hỏi tôi sách bây giờ nhiều thế thì đọc cuốn gì. Như vậy, vai trò của thủ thư không chỉ là giữ sách và cho mượn mà còn là giới thiệu sách cho độc giả. Ở VN cũng chưa có các tổ chức cá nhân đưa ra danh mục sách đáng chú ý. Ở nước ngoài có danh mục do Bộ Giáo dục, thư viện trường, Hiệp hội Xuất bản đưa ra…", ông Vương nói.

Theo đuổi mục tiêu khuyến đọc bằng cách khác, ông Nguyễn Quang Thạch cho rằng cách khuyến đọc tốt nhất là làm sao sách luôn trong tầm tay của cộng đồng. Chính vì thế, ông luôn cổ vũ, hỗ trợ tạo lập các không gian sách ngay trong lớp học, ngay tại gia đình, dòng họ. "Cách tốt nhất để trẻ em đọc là với tay một cái đã có sách trong lớp. Bé đọc sách thành thói quen và lớn vẫn giữ thói quen", ông Thạch nói.

Chương trình mục tiêu quốc gia

Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) Kiều Thúy Nga cho biết việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các mô hình thư viện như: thư viện xanh, thư viện thân thiện, tủ sách học sinh, tủ sách phụ huynh… đã có hiệu quả nhất định. Các mô hình này tạo ra nguồn sách cho học sinh để tham khảo trong giờ ngoại khóa, hay đọc sách tập thể.

"Tinh thần đó rất hay, tuy nhiên hiệu quả thực chất còn chưa như mong muốn. Có trường có những buổi đọc sách thư viện chất lượng, rồi kệ các con ngồi không đọc, mà chơi với nhau", bà Nga cho biết.

Một cản trở nữa cho việc "đọc sách trong tầm tay" chính là liên thông thư viện. Ở nước ngoài, bạn đọc có thể mượn sách ở thư viện gần nhà, sau đó trả sách ở ngay thư viện trường. Nhờ việc mượn trả sách dễ dàng này, họ đọc sách mọi lúc mọi nơi mà không ngại.

Trong khi đó, bà Nga cho biết hiện tại các thư viện VN chưa liên thông. Mọi việc mới dừng ở chỗ tra được tư liệu của nhau trên trang web, rồi gọi điện mượn rồi trả. Như thế chưa thể gọi là liên thông. "Mình cần hạ tầng, cần trang thiết bị công nghệ mới đảm bảo liên thông. Các chương trình đạt chuẩn hạ tầng mới liên hệ với nhau được", bà Nga nói.

Tốc độ cho mượn sách cũng đang có vấn đề do chưa có tự động hóa việc lấy sách. "Một thư viện tầm quốc gia, hệ thống kho rất rộng, ở nhiều tòa. Nguồn nhân sự có hạn, nên các bạn thủ thư không thể đi lấy liên tục được. Để phục vụ, một ca chỉ có 2 người đi lấy thôi, phiếu phải gom khoảng nửa tiếng mới đi lấy một lần, như là xe buýt, phải có chuyến, có giờ, có thời gian. Còn thư viện nhỏ, không gian nhỏ sẽ nhanh hơn", bà Nga nói.

Cũng theo bà Nga, hoạt động các thư viện tư nhân, nhóm cho mượn sách còn tự phát. "Có một hệ thống tủ sách gia đình cộng đồng. Các cá nhân sưu tập được nhiều sách họ cũng mở cho cộng đồng vào đọc. Những cái này gần như tự phát. Nếu bảo tàng tư nhân phải có giấy phép, thì thư viện không cần điều đó", bà Nga nói và cho biết thời gian tới, Bộ VH-TT-DL cũng có chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có phần về thư viện. Khi đó, việc liên thông thư viện cũng là mục tiêu quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.